Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Phồn thịnh nem chợ Huyện

Nem Chợ Huyện là một sản vật nổi tiếng của Bình Định đã đi vào ca dao - “Ai về Vinh Thạnh quê em/ Ăn nem Chợ Huyện xem đêm hát tuồng”. Có nhiều sản vật giờ chỉ còn trong kí ức nhưng nem Chợ Huyện không những vẫn tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ hơn xưa

Nem Bình Định ngày càng đa dạng và phong phú mẫu mã.

Nem Chợ Huyện đi kèm với đêm hát tuồng ngay trên vùng đất Vinh Thạnh, Phước Lộc, Tuy Phước là một sự cô đọng đáng ngạc nhiên, cái làng nhỏ đã sản sinh ra 2 danh phẩm: một ẩm thực, một hát bội với tên tuổi vị hậu tổ tuồng, danh nhân văn hóa Đào Tấn. Và có lý. Những đêm diễn thâu đêm suốt sáng của hát bội xưa bao giờ cũng kèm theo dãy hàng quán: cuốn thịt nướng, hột vịt lộn, nem, chả… , thêm hớp rượu cho sảng khoái, ai đói ra làm mấy miếng rồi vào xem tiếp.

Chiếc nem Chợ Huyện nói riêng, và nem Bình Định nói chung đều không thể thiếu lớp bọc bằng lá ổi. Một số nơi khác thay lá ổi bằng lá chùm ruột, lá vông nem, lá nen...

Nem Chợ Huyện có tiếng ngon vì từ chất liệu đến cách chế biến khá công phu. Thịt heo nạc, phải là heo cỏ, lấy nóng (tươi), lạng bỏ lớp nhầy, lau bằng vải cho sạch chứ không rửa nước, thái mỏng rồi bỏ vào cối quết (giã) nhuyễn, càng quết săn tay càng ngon. Giờ có máy xay thịt nhưng dứt khoát sau đó vẫn quết lại với tỏi, chút muối, đường. Da heo lạng kỹ, xắt sợi mảnh trộn đều trong thịt nhuyễn. Và gói.

So với nem Thanh Hóa, Lạng Sơn, Lai Vung... nem Chợ Huyện có nhiều hạt tiêu hơn. Và loại hạt tiêu được chuộng nhất vẫn là hạt tiêu mua từ Gia Lai.

Từng vắt thịt nhỏ vừa miếng, thêm vài hột tiêu. Nhất thiết phải có lá ổi bọc thịt. Rồi gói lá chuối nhiều lớp thành những bánh vuông. Bây giờ người ta bọc thêm lớp ny-lon ngoài lá ổi cho kín hơi. Rồi treo từng xâu vào chỗ râm mát, thoáng gió. Trời mùa nắng, độ 5 ngày là thịt chín là ăn được.

Lau lá chuối để làm nem – đây là một khâu khá quan trọng giúp chiếc nem khó bị mốc, lên men đều và thơm.

Miếng nem hồng tươi, vị ngọt chua chua măn mẳn vừa đủ. Những sợi da heo trong miếng nem thêm giòn sừng sực. Bạn có thể dùng nước chấm xì dầu tương ớt để tăng thêm hương vị. Không thể thiếu mấy tép tỏi cay nhẹ hăng nồng. Bạn sẽ thấy rằng, dù mới ăn ớn chán các loại thịt, món nem vẫn cứ quyến rũ. Vị thịt chua của nem vừa ngon miệng vừa nhiều dưỡng chất trong quá trình lên men. Người sành ăn cắn nguyên lá ổi gói để có vị chan chát thêm ngon lại giúp ích cho đường ruột. Và ly rượu Bàu Đá, thứ rượu sủi tăm trứ danh của Bình Định. Sẽ thấy sơn hào hải vị của vua chúa xưa cũng ngon đến vậy là cùng!

Thịt heo nạc để làm nem Chợ Huyện là loại thịt tươi, lau sạch bằng vải thô chứ không rửa nước...
Mấy năm nay, nhờ bí quyết sản xuất mới, nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, chiếc nem dùng ít lá chuối hơn mà chất lượng không đổi, nhờ công nghệ rút chân không, thời gian bảo quản “bánh nem” lâu hơn, chi phí sản xuất cũng thấp hơn đôi chút.

Pha thịt để lấy nguyên liệu làm nem.

Về Bình Định, suốt đường 1A đoạn Phước Lộc, bạn có thể mua tha hồ đặc sản nem Chợ Huyện. Nem Chợ Huyện cũng bày bán trên nhiều phố Quy Nhơn. Và món ngon đặc sắc này ngày ngày cũng lên xe xuôi nam ngược bắc đến với nhiều tỉnh thành cả nước. Tiếng lành đồn xa, vị nem Chợ Huyện giờ được người tiêu dùng trong nước biết đến nhiều hơn với danh tiếng là “nem Bình Định” với những nhãn hiệu như: Năm Thu, Bốn Lai, Bốn Tạo...

Nếu muốn thưởng thức món nem nướng, bạn có thể đưa những con nem tươi hồng màu thịt này lên than hồng để chờ mùi thơm nức dậy lên.
Gói nem theo cách truyền thống tại cơ sở sản xuất nem ở Tuy Phước.

Gói nem theo dây chuyền tại cơ sở sản xuất nem Năm Thu, TP Quy Nhơn.

Đóng gói nem cây bằng máy.

Nhờ đóng gói nem bằng bao bì rút chân không, thời gian bảo quản của nem Bình Định có thể nâng lên đến hơn 3 tuần.

  • Bài: Lê Hoài Lương (Báo Bình Định)

  • Ảnh: Nhân Duyên

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

CA KHÚC: BÌNH ĐỊNH QUÊ TÔI


Ca khúc Bình Định Quê Tôi, sáng tác Cố NS Xuân Điềm & Anh Dũng, Khánh Ly trình bày

Bình Định

Diện tích: 6039,6 km²
Dân số: 1.485.943 người (1/4/2009)
Tỉnh lỵ: Thành phố Quy Nhơn.
Các huyện: An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, An Nhơn, Tuy Phước.
Dân tộc: Việt (Kinh), Chăm, Ba Na, Hrê.

Điều kiện tự nhiên

Là một tỉnh duyên hải miền Trung, phía bắc giáp Quảng Ngãi, phía tây giáp Gia Lai, phía nam giáp Phú Yên, phía đông giáp biển Đông. Địa hình Bình Định đa dạng có vùng núi, vùng giáp núi, vùng đồng bằng và vùng bãi bồi ven biển. Bờ biển Bình Định dài hơn 100km với nhiều đảo lớn, nhỏ ngoài khơi. Nhiệt độ trung bình cả năm là 26ºC - 28ºC. Lượng mưa trung bình năm là 1.700 – 1.800mm. Mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 12, tập trung 70 - 80% lượng mưa cả năm.




Phong cảnh Bình Định Bãi biển Quy Nhơn


Tiềm năng phát triển kinh tế

Bình Định có nhiều đặc sản nổi tiếng gần xa như: tơ lụa, yến sào, tôm, cá, gỗ quí, trầm hương, dầu thực vật, gạo, đá ốp lát và hàng thủ công mỹ nghệ. Bình Ðịnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn rất phong phú để phát triển du lịch. Có bờ biển dài với nhiều vũng, vịnh, bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh như: Ghềnh Ráng, Bán đảo Phương Mai, bãi tắm Hoàng Hậu, Tam Quan, Ðảo Yến, Quy Hòa, Bãi Dài…. Có suối nước nóng Hội Vân thuộc huyện Phù Cát.


Dân tộc, tôn giáo

Bình Định là tỉnh có nền văn hóa lâu đời, nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích kiến trúc văn hóa của người Chăm, đặc biệt là thành cổ Trà Bàn, nơi đã từng là cố đô của vương triều Chămpa. Các cụm thác Chàm có kiến trúc độc đáo như : tháp Dương Long, Bánh Ít, Cánh Tiên, tháp Đôi. Bình Định là quê hương của người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ đã từng vào Nam đánh tan quân xâm lược Xiêm ở Xoài Mút, ra Bắc phá tan 29 vạn quân Thanh thống nhất đất nước. Bình Định còn là một cái nôi của nghệ thuật tuồng, dân ca bài chòi, của điệu múa trống trận Quang Trung độc đáo và môn phái võ Tây Sơn, thể hiện tính cách và sức sống mãnh liệt của người dân vùng đất này.




Bảo tàng Quang Trung Tháp Bánh Ít

Giao thông

Cách thủ đô Hà Nội 1.065km, cách Tp. Hồ Chí Minh 680km, Bình Định có đường giao thông thuận tiện, quốc lộ 1A chạy qua tỉnh, quốc lộ 19 nối Quy Nhơn với các tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai và Kon Tum. Tàu Thống Nhất dừng tại ga Diêu Trì cách Quy Nhơn 11km. Sân bay Phù Cát cách Quy Nhơn 36km về phía bắc. Hiện nay ngày nào cũng có chuyến bay Quy Nhơn – Tp. Hồ Chí Minh và ngược lại. Cảng biển Quy Nhơn là một cảng lớn của khu vực Nam Trung bộ.


DANH NHÂN BÌNH ĐỊNH - ĐÀO TẤN


Trên một đỉnh đồi thuộc dãy núi Huỳnh Mai (Phước Nghĩa, Tuy Phước) có một khu lăng mộ đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia; được chăm sóc, nhang khói thường xuyên. Ðó là nơi yên nghỉ đời đời của Danh nhân Văn hóa Ðào Tấn, Hậu tổ nghệ thuật tuồng - người đã có công đưa nghệ thuật tuồng lên đến đỉnh cao vào thế kỷ 19, có nhiều đóng góp rất to lớn cho bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc.

Đào Tấn, tự Chỉ Thúc, hiệu Mộng Mai, sinh năm 1845, mất năm 1907, quê ở làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đào Tấn là một đại quan của triều Nguyễn, từng nhiều lần đảm nhiệm các chức vụ Tổng đốc, Thượng thư. Ông đã sáng tác, chỉnh lý, cải biên, dàn dựng hơn 40 vở tuồng và là tác giả tập sách có tính chất lý luận sân khấu mang tên Hí trường tùy bút. Ông là người sáng lập và chủ trì hoạt động rạp hát Như Thị Quan và hai gánh hát kiêm trường đào tạo nghệ thuật tuồng mang tên Học bộ đình tại thành Vinh (Nghệ An) và làng Vinh Thạnh quê hương, nơi diễn những vở tuồng của ông và là nơi đào tạo những nghệ sĩ tuồng xuất sắc nhiều thế hệ. Ông còn là tác giả của hơn 1000 bài thơ, từ và tập bút ký Mộng Mai văn sao. Nói chung, di sản nghệ thuật của Đào Tấn là hết sức phong phú, đồ sộ, hiếm có, ít người sánh kịp.

Từ một thế kỷ qua, Đào Tấn đã được coi là bậc Hậu Tổ của nghệ thuật tuồng, một quốc bảo của văn hóa dân tộc, người đã đưa nghệ thuật tuồng lên những đỉnh cao chói lọi, người đã sáng tạo nên những kiệt tác sân khấu như “Hộ sanh đàn”, “Cổ thành”, “Trầm hương các”. Cũng như cảm nhận của ông nghè Nguyễn Trọng Trì trăm năm trước khi đọc “Mộng Mai từ lục” của Đào Tấn: Luật âm phóng khoáng Tô khôn sánh Ý tứ cao xa Liễu khó bằng Sông núi, nước nhà, oằn nặng nghĩa Trăng hoa, oanh liễu, láng lai tình Nghiên cứu thơ và từ của ông, các học giả Đặng Thai Mai, Nguyễn Huệ Chi, các nhà thơ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hoàng Trung Thông và nhiều học giả, nhà thơ nổi tiếng nhiều thế hệ đều coi Đào Tấn như một nhà thơ lớn, một nguyên súy của thi đàn Việt Nam. Từ chỗ ngộ nhận, ác cảm với vị trí một đại quan nhiều năm của một triều đình nô lệ, theo thời gian, với nhiều tài liệu mới được phát hiện và công bố, Đào Tấn đã được nhận diện là một chính khách yêu nước thương dân mẫu mực, người có tư tưởng dân chủ và khuynh hướng cách mạng ở một trong những thời kỳ nhiễu nhương, phức tạp nhất của lịch sử đất nước. Còn nhớ, đầu những năm 1960, tại thủ đô Hà Nội, khi tôi viết những bài đầu tiên giới thiệu thân thế và sự nghiệp Đào Tấn gửi đến tạp chí Văn học, những người phụ trách biên tập ở đây đã rất nghi ngại không dám sử dụng vì cái lốt đại quan một triều đình bị cho là phản động trong lịch sử đất nước của ông.

Phải đến khi nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai, Viện trưởng Viện Văn học, vốn là dòng dõi một văn thân yêu nước nổi tiếng xứ Nghệ, người hiểu rất rõ khuynh hướng chính trị tiến bộ của Đào Tấn khi ông làm Tổng đốc An Tĩnh, có ý kiến can thiệp, các tiểu luận này mới được in trên tạp chí. Sau khi đậu cử nhân tại trường thi Bình Định năm 1867, từ năm 1871 đến năm 1904, ngoài 3 năm từ quan về tu ở chùa Linh Phong quê nhà thời “Tứ nguyệt tam vương” sau khi vua Tự Đức mất, Đào Tấn có gần 30 năm làm quan triều Nguyễn qua ba đời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái. Bắt đầu từ chức Hiệu thư chuyên soạn tuồng trong cung Tự Đức, ông đã kinh qua các chức vụ khác như Tri phủ Quảng Trạch, Phủ doãn Thừa Thiên, Tổng đốc Nam Ngãi, Tổng đốc An Tĩnh, thượng thư các bộ Công, Hình, Binh và về hưu ở chức thượng thư bộ Công. Nghiên cứu cuộc đời làm quan của Đào Tấn ta thấy có một mâu thuẫn kỳ lạ: bậc trọng thần thường được các vua Nguyễn sủng ái, có tuổi quan vào loại kỷ lục ở triều Nguyễn ấy lại là người chê trách, miệt thị chốn quan trường nhiều nhất trong thơ và từ của ông. Đào Tấn từng đau đáu với cái khổ, cái nhục, cái thẹn của những người làm quan như ông. Trong bài thơ “Viết tình cờ”, ông căn dặn các con: Các con chưa tỏ sự đời Lợi danh đâu phải phận người văn chương Phong trần cha đã ê xương Chớ chen vào chốn quan trường mà chi. Dưới con mắt Đào Tấn, con người coi sự trong sạch của hoa mai là cốt cách của mình, quan trường thời ấy là chốn ô trọc, sâu mọt, bụi bặm, là nơi “nhân tình bạc tựa thu vân”, nơi “ô khóa lợi xiềng danh luôn trói chặt”, nơi đầy rẫy những kẻ “lộc vua ăn uổng, cột trời để xiêu”. Trong suốt 30 năm làm quan, giấc mộng lớn nhất, thường trực nhất trong ông là được từ quan, về quê, thỏa chí bình sinh “chỉ thích đề ngâm khắp dưới trời” của mình. Tuy vậy, giấc mộng ấy, với Đào Tấn, đã trở thành “thảm mộng” bởi ông đã không thể nào dứt nổi chốn quan trường mà ông cho là nhơ nhuốc ấy, đã từ quan về nhà, bị giáng bốn cấp, rồi vẫn ra làm quan trở lại. Đào Tấn chỉ được thỏa nguyện khi kế hoạch phục quốc của vua Thành Thái mà ông là một yếu nhân bại lộ, Đào Tấn bị buộc về hưu năm 1904, trước khi mất chừng 3 năm. Năm Đào Tấn mất cũng là năm vua Thành Thái bị Pháp buộc thoái vị.

Có một thời, chúng ta đã rất đơn giản, phiến diện khi đánh giá triều Nguyễn chỉ là một vương triều phản động, bán nước và cho rằng việc làm quan lâu dài trong một triều đình như thế dù sao cũng là một vết nhơ trong đời Đào Tấn. Nhiều người đã bênh vực Đào Tấn, nói ông đáng thương hơn đáng trách bởi đã ẩn nhẫn làm quan chỉ để làm tuồng, làm quan chỉ là cái xác, làm thơ, làm tuồng mới là cái hồn, trước sau Đào Tấn chỉ là một ông quan Tuồng. Cách biện luận ấy xem ra không thật ổn. Dù thực tế, nếu không có điều kiện của một đại quan Đào Tấn thì rất khó có một sự nghiệp tuồng Đào Tấn đồ sộ như chúng ta đang có hôm nay. Khi đương chức cũng như khi hưu nhàn, ông đã dùng tất cả những bổng lộc của một đời quan để làm tuồng.

Nhưng một người từng ba lần làm tổng đốc, bốn lần làm thượng thư, không thể nhận các chức quan vào hàng nhất phẩm, nhị phẩm triều đình chỉ để làm tuồng. Các nghiên cứu lịch sử khách quan gần đây cho thấy triều Nguyễn không chỉ có mặt tiêu cực, phản động mà còn có những mặt tích cực, tiến bộ, có những đóng góp không thể phủ nhận trong tiến trình lịch sử dân tộc, các vua quan triều Nguyễn không chỉ là những bù nhìn thân Pháp, tay sai của đô hộ Pháp mà còn có những người yêu nước chân chính, nung nấu hoài bão và phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp chống Pháp giành lại độc lập tự do cho đất nước. Đào Tấn thuộc vào bộ phận ưu tú này. Nhà thơ Xuân Diệu đã rất tinh tế khi nhận xét rằng lời nhân vật Tiết Cương: “Thế sự đoản như xuân mộng/ Nhân tình bạc tựa thu vân/Nghiến răng cười cười cũng khó khăn/Ôm lòng chịu, chịu càng vui sướng” cũng chính là tâm sự của ông quan Đào Tấn, nói lên sự chủ động lớn lao của một người chấp nhận sự hy sinh, cảm thấy trong sự "nếm mật nằm gai" vì đại nghĩa của mình, một niềm vui, một hạnh phúc. Có thể thấy cuộc đời làm quan của Đào Tấn, nhất là dưới triều Thành Thái, khi ông được giao những trọng trách như tổng đốc Nam Ngãi, tổng đốc An Tĩnh, thượng thư các bộ Công, Binh, Hình là một lựa chọn chủ động, đầy hy sinh vì nước vì dân của ông. Thấu hiểu những ê chề cay đắng của kiếp làm quan ở một thời vua không ra vua quan không ra quan, thời lộng hành của bọn xâm lược, của lũ sâu dân, mọt nước, thời của những đọa lạc, những phản bội ghê gớm, nhưng Đào Tấn, con người luôn “Thậm cảm hưng vong chuyện nước nhà” vẫn ở lại làm quan giúp vua Thành Thái là vì trách nhiệm của một sĩ phu khi đất nước suy vong, và vì ông tin rằng mình sẽ góp phần làm cho sự liêm chính và lòng trung nghĩa không chết, ngọn đèn cứu nước không tắt và tạo điều kiện cho những anh hùng cứu nước đã và sẽ xuất hiện. Có nhiều bằng chứng cho thấy, tinh thần dân tộc bất khuất, ý chí tự cường mạnh mẽ của vị vua trẻ Thành Thái có ảnh hưởng lớn của Đào Tấn, vị cận thần thân tín của ông.

Không phải ngẫu nhiên mà người đương thời đã gọi Đào Tấn là “Kẻ ở ẩn tại triều”. Riêng về sự liêm chính, vị thượng quan Đào Tấn đã xứng đáng là một chính khách mẫu mực, một tấm gương sáng cho các chính khách muôn đời. Dưới thời Tự Đức, ông được vua ban tặng các danh hiệu “thanh, thận, cần” (trong sạch, thận trọng, chuyên cần) và “bất úy cường ngự” (không sợ uy vua). Tiếp kiến Đào Tấn tại dinh tổng đốc ở Vinh năm 1902, thời Thành Thái, Gosselin, một võ quan cao cấp người Pháp đã phải ghi nhận sau gần 30 năm làm quan, Đào Tấn vẫn “tay trắng thanh bần”. Gosselin viết: “Một đời tận tụy trong nhiều chức vụ quan trọng nhưng Đào Tấn vẫn tay trắng thanh bần. Bấy nhiêu ấy đủ thơm danh hậu thế và làm cho đại nhân vượt lên trên hẳn nhiều đồng liêu khác ít được gương mẫu như đại nhân” (L’Empire d’Annam, trang 468, Vương Hồng Sển dịch). Sinh thời, đức liêm chính của Đào Tấn đã vang khắp “trong triều, ngoài quận”. Là một ông quan thanh liêm, chính trực, nhân ái, Đào Tấn luôn luôn vì ích nước lợi dân thực thi chức trách của mình, bất chấp những hậu quả không hay có thể sẽ phải gánh chịu. Hầu hết những nơi Đào Tấn từng làm quan đều ca ngợi những ân đức mà ông đã làm cho nhân dân trong vùng. Đào Tấn từng cứu trợ nạn đắm thuyền của hơn 400 ngư dân đảo Hải Nam, được họ lập đền thờ sống ở đảo này. Bất chấp sự can thiệp của khâm sứ Pháp, ông quan “điềm tĩnh, khiêm hòa” ấy đã ra lệnh xử chém Bồi Ba, tên tay sai Pháp gây nhiều tội ác với nhân dân Huế. Khi bị điều ra nhậm chức tổng đốc An Tĩnh, Đào Tấn dâng sớ nói rõ: “Hoan châu là đất xung yếu, sĩ phu nhiều người học giỏi, sĩ khí hùng, dân trí tốt, tôi đến nơi chỉ làm cho được chữ Phủ (vỗ về) để cho dân được an cư lạc nghiệp. Còn chữ Tiểu (đánh dẹp) thì quan tiền nhiệm của tôi đã thành công...Tôi là quan văn, không làm được những việc quan tướng đã làm. Nếu triều đình chấp thuận tôi xin tựu nhiệm. Nếu bất thuận tôi xin chịu tội vi mạng”.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, Đào Tấn từng nhận mật chỉ của Thành Thái để liên kết các nghĩa đảng Cần vương. Ông tham gia lập Duy Tân hội cùng các chí sĩ trẻ xứ Quảng như Nguyễn Hàm, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, che chở, tạo điều kiện cho Phan Bội Châu hoạt động, tham gia tổ chức việc Đông du của Phan Bội Châu và Cường Để. Đào Tấn còn kết thân với các văn thân yêu nước xứ Nghệ như Cao Xuân Dục, Đặng Nguyên Cẩn, có quan hệ mật thiết và là ân nhân của gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ. Đào Tấn là người tiến cử họa sĩ Lê Văn Miến tham gia kế hoạch phục quốc bí mật của vua Thành Thái, chuyên vẽ mẫu vũ khí… Đào Tấn làm nhiều thơ ca ngợi nhũng chí sĩ kháng Pháp như Hoàng Diệu, Hoàng Kế Viêm, Phan Bội Châu… Khi Phan Đình Phùng hy sinh trên núi rừng Vụ Quang, dưới danh nghĩa văn thân Nghệ Tĩnh, Đào Tấn đã có thơ và câu đối ca ngợi tiết tháo của người anh hùng họ Phan cực kỳ chấn động lòng người. Bài thơ viết (tạm dịch): Chẻ tre thế tưởng phục hai kinh Công khó mười năm xót chẳng thành Buồn nghe vua trẻ lo hòa nghị Khóc thấy sơn hà tụ ánh minh Tay giằng sông núi lòng chưa chết Xác gửi trời sao khí vẫn sinh… Còn đây là đôi câu đối: Anh hùng thành bại chớ bàn. Lòng trung ấy, nghĩa lớn này, thề chung thủy trọn tình cùng chiến hữu. Anh linh son mực, đạo sách đèn nên phải trọng cương thường. Khá hận bấy: Ngôi nhà nghiêng đổ, một cây chống chẳng được nào! Cung lạnh khói tan, tiếng oán dậy rừng ai chẳng xót!. Huống đang lúc rồng bay mây ám, lại thêm tráo chác việc người. Thương thay La Việt giang san, văn hiến trăm năm trơ chiến địa! Trời đất cổ kim còn mãi. Núi ngất cao sông chảy xiết vũ trụ này là của đấng trượng phu. Gió tuyết Lam Hồng, ngạo giá rét cũng hao mòn tùng bách. Biết sao đây! Sóng cả dâng trào, cột đá giữa dòng khó vững. Sao dời vật đổi, chạnh tình vườn cũ nghĩ càng đau! Lại gặp cơn giứ thốc nhạn lìa, trách bấy lòng trời chẳng giúp! Rõ thật Tùng Mai khí tiết, tinh thần một thác sáng trăng sao! Hai tác phẩm tuyệt bút của lòng yêu nước trên cho thấy vị tổng đốc của triều Nguyễn đã không ngần ngại công khai đứng hẳn về phía những người cầm súng đánh Pháp.

Đặc biệt, thời làm tổng đốc An Tĩnh, vị chính khách kiêm nghệ sĩ tuồng Đào Tấn đã sử dụng tuồng như một thứ vũ khí sắc bén tố cáo sự thối nát của một triều đình phong kiến thân Pháp phản động, cổ vũ mạnh mẽ phong trào kháng chiến thay đổi chế độ, thay đổi triều đại với các vở diễn như “Trầm Hương các”, “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”, “Diễn Võ đình”, “Hộ Sanh đàn”... sau này trở thành những vở diễn, hay nhất, có sức sống lâu bền nhất của ông. Có thể nói đây là những vở tuồng cách mạng của Đào Tấn. Nếu mười năm trong cung vua Tự Đức, tại “Duyệt thị đường”, Đào Tấn đã viết được hàng chục pho tuồng dù đã được vua phê là “kỹ thuật thần diệu” nhưng đều là những vở theo phụng sắc mà viết, cho vua và triều thần xem, chưa phải là những gì tâm đắc của ông. Thì tới “Như Thị quan”, rạp hát riêng của tổng đốc Đào Tấn, tuồng Đào Tấn đã có mục tiêu tâm đắc “làm mới mẻ chính trị, mới mẻ đạo đức”, cho đông đảo quần chúng nhân dân lao khổ, kể cả những người chưa biết chữ xem. Đây là những vở tuồng tràn ngập tinh thần dân chủ, trao gửi niềm tin cứu nước cứu dân cho những anh hùng trên non cao, suối sâu, những người đang bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Viết, dựng, diễn những vở tuồng cách mạng trên, ông quan Đào Tấn đã “Dùng ngọn bút làm đòn xoay chế độ/mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”(Sóng Hồng).Dưới cái lốt một đại quan triều Nguyễn, Đào Tấn đã thực sự là một chính khách dân chủ, cách mạng. Bởi vậy, chúng ta rất tự hào vì nghệ sĩ thiên tài Đào Tấn. Chúng ta cũng hoàn toàn có thể tự hào vì nhân cách ông quan Đào Tấn, vị chính khách liêm chính, yêu nước, dân chủ, cách mạng Đào Tấn. Một nghệ sĩ thiên tài và một chính khách yêu nước, cách mạng, không có sự kết hợp đó, sẽ không có một Đào Tấn vĩ đại mà chúng ta tự hào kỷ niệm hôm nay.

TRẦN DU LỊCH

Nếu chúng ta theo dõi chất vấn tại các cuộc hợp Quốc Hội trên Tivi, chúng ta sẽ nhận ra một khuông mặt rất quen thuộc, đó là Ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh Tế thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc Hội.

Ngày tháng năm sinh: 19-8-1952.

Quê quán: Thôn Thái Bình, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Chỗ ở hiện nay: Số 112/23 đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.


* Học vị: Tiến sĩ Kinh tế.

* Quá trình học tập và công tác:

Cán bộ nghiên cứu khoa học từ năm 1975 đến nay.

Thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Chủ tịch Hội đồng KHKT TP. HCM.

Đại biểu Quốc hội khoá IX.

Nguyên Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam TP. Hồ Chí Minh.

Luật sư Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh.

Đang là Viện trưởng Viện kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.

* Tốt nghiệp tiến sĩ tháng 12/1987

Tại Trường Đại học Kinh tế tài chánh Lênigrat, Liên Xô cũ.

Chuyên ngành: Kinh tế Chính trị.

* Đề tài luận án

“Các đòn bẩy kinh tế trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam”.

* Thành tựu khoa học - Đề tài nghiên cứu

Đã có trên 50 công trình nghiên cứu khoa học đã công bố,

chủ trì hoặc tham gia viết.

* Sách đã xuất bản

Xuất bản trên 20 đầu sách về kinh tế và luật học, hàng trăm bài báo

DOANH NHÂN BÌNH ĐỊNH - LÊ PHƯỚC VŨ


Có hai tính cách đối lập trong con người ông, sự khát khao mãnh liệt của một nhà kinh doanh và đức điềm tĩnh của
một nhà sư. Bên cạnh tinh thần làm việc hết mình và không nản chí trước mọi khó khăn, Lê Phước Vũ đã giác ngộ, đưa triết lý nhà Phật vào cuộc sống với suy nghĩ “Sống và làm việc không phải cho mình mà là cho tất cả mọi người”. Ông không chỉ gây dựng Hoa Sen Group (HOSE: HSG) thành công vượt bậc mà còn trải lòng với xã hội qua nhiều việc làm có ích cho cộng đồng.

Khởi nghiệp

Ông sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo ở Bình Định. Dù phải dành thời gian và nỗ lực làm nhiều việc để mưu sinh khi theo học tại trường Trung cấp giao thông, ông vẫn đạt kết quả học tập xuất sắc và được giữ lại trường làm giảng viên sau khi tốt nghiệp – mơ ước của nhiều bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, Lê Phước Vũ đã từ chối bởi cơ chế đãi ngộ khó có thể cho phép ông đỡ đần gia đình. Ra trường, với đôi bàn tay trắng nhưng trái tim đầy ắp ý chí và nhiệt huyết, ông cùng gia đình khăn gói ngược phương Nam.

Hai năm đầu, Lê Phước Vũ làm việc cho một công ty vận tải ở Tây Ninh, thường xuyên chạy tuyến Sài Gòn – Vinh. Luôn phải xa nhà, tuyến đường nguy hiểm, kinh nghiệm đường trường chưa có, ông và gia đình vẫn phải sống trong khó khăn. Hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn đẩy vợ chồng ông lên Buôn Ma Thuật thử lập nghiệp. Nhưng hy vọng cũng nhanh chóng tàn lụi sau 2 tháng thay đổi. Trở lại Sài Gòn lần hai, thất bại không làm Lê Phươc Vũ nản lòng, trái lại, trước các thử thách, ý chí và khát vọng vươn lên trong ông ngày càng mãnh liệt.

Như sự sắp đặt của số phận con đường kinh doanh đến với Lê Phước Vũ hoàn toàn tình cờ. Ban đầu, ông được mời làm quản đốc Công ty Gỗ Đức Thành (tiền thân của CTCP Gỗ Đức Thành hiện nay, đang niêm yết tại HOSE với mã GDT). Trong thời gian này, ông tình cờ gặp gỡ Giám đốc một công ty thép nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Quý mến sự thật thà, tư chất thông minh và đặc biệt ý chí vươn lên mạnh mẽ của chàng trai Việt vị Tổng Giám đốc nọ gợi ý cho Lê Phước Vũ thử tự kinh doanh. Năm 1994, chỉ với 2 chỉ vàng trong tay - số tiền gia đình ông tích luỹ sau nhiều năm bôn ba, Lê Phước Vũ khởi nghiệp kinh doanh với một cửa hàng nhỏ bán tôn. Ông kể lại vẫn nhớ như in vào ngày 18/5/1994, vợ chồng ông nghẹn ngào, mừng tủi nắm trong tay số tiền lãi 650.000 đồng - Số tiền lớn nhất vợ chồng có được tính đến thời điểm đó qua 10 năm vất vả, bôn ba.

Tuy nhiên đến năm 1997, nhận ra cửa hàng kinh doanh tôn hoạt động không còn hoạt động hiệu quả, Lê Phước Vũ nghĩ đến chuyện sản xuất với việc mở một xưởng cán tôn. Bên cạnh việc mua máy móc thiết bị thanh toán trả góp, ông phải cạnh tranh với rất nhiều công ty khác, thậm chí nhiều lúc xưởng của ông ngấp nghé bở vực phá sản. Chính chữ “nhẫn” học từ Đạo Phật đã giúp Ông vượt qua những lúc khó khăn, yếu lòng. Dần dần, xưởng của ông thu hút được khách hàng, hoạt động kinh doanh ngày càng thuận lợi. Lê Phước Vũ tính chuyện mở rộng, thành lập thêm nhiều xưởng cán tôn khác. Trong thời gian đó, ông đã tìm cách tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau cũng như học hỏi các công nghệ sản xuất mới và kiến thức về quản trị kinh doanh.

Gặt hái thành công

Ngày 8/8/2001, Lê Phước Vũ thành lập Công ty Cổ phần Hoa Sen với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng, vỏn vẹn 22 nhân viên. Trước những khó khăn, thách thức từ nhiều đối thủ cạnh tranh có tiềm lực tài chính mạnh, ông đề ra chiến lược phát triển riêng của Công ty theo 4 điểm: Nâng cao chất lượng sản phẩm; Chăm sóc khách hàng tốt nhất; Mở rộng hệ thống phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng và Tập trung vào thị trường nội địa để dần khẳng định thương hiệu Hoa Sen trong ngành tôn thép tại Việt Nam. Luôn nhất quán với nguyên tắc kinh doanh trung thực của nhà Phật, ông phát triển Hoa Sen dựa trên 3 nền tảng giá trị cốt lõi: Trung thực - Cộng đồng - Phát triển. Vì đã từng là một nhà bán lẻ và thấu hiểu thị trường nội địa, ông nhận ra rằng phát triển hệ thống phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng mà không thông qua các đại lý là một hướng đi riêng cần mạnh dạn thực hiện dù Hoa Sen sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc.

Với khả năng lãnh đạo tài tình và chiến lược phát triển đúng đắn, rất nhanh chóng Hoa Sen đã phát triển lớn mạnh. Từ một công ty nhỏ, sau 9 năm thành lập, giờ đây Hoa Sen đã vững vàng với vị thế một Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam. Hiện tại Hoa Sen có với vốn điều lệ 1.008 tỷ đồng, tăng hơn 30 lần sau 9 năm hoạt động, đứng đầu ngành tôn mạ tại Việt Nam với 34% thị phần (gấp đôi doanh nghiệp đứng vị trí thứ hai trong 5 tháng đầu năm 2010). Không dừng ở đó, Lê Phước Vũ vẫn ấp ủ khát vọng tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của Hoa Sen Group những năm tới thông qua việc phát triển một loạt dự án: Xây dựng Nhà máy Tôn Hoa Sen – Phú Mỹ (một trong những nhà máy lớn có công nghệ hiện đại bậc nhất Đông Nam Á); Nhà máy Thép cán nóng Hoa Sen (để mở rộng quy trình sản xuất kinh doanh khép kín của Tập đoàn); Nhà máy Cán thép Xây dựng Hoa Sen (để phát triển đa dạng các sản phẩm thép); Nhà máy Ống thép Hoa Sen (chinh phục thị trường sản phẩm ống thép tại Việt Nam)... Bên cạnh đó, ông muốn đưa Hoa Sen vượt biên giới, phát triển thành một thương hiệu tầm khu vực, với các dự án đầu tư ra nước ngoài như dự án đầu tư nhà máy thép tại Myanmar...

Đâu là yếu tố đứng sau sự thành công của Hoa Sen? Chìa khoá nằm ở định hướng phát triển rất riêng của Tập đoàn dựa trên các kinh nghiệm của người thuyền trưởng tài ba đúc rút ra trong thời gian kinh doanh trực tiếp. Chẳng hạn, Hoa Sen chú trọng xây dựng hệ thống phân phối riêng, từ 3 chi nhánh vào năm 2001 lên 87 chi nhánh vào giữa năm 2010. Đây được xem là hệ thống bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng có quy mô và hiệu quả nhất hiện nay trong ngành Tôn- Thép Việt Nam. Hệ thống này một mặt sẽ phát huy hiệu quả, tối đa hoá lợi nhuận cho Tập đoàn trong điều kiện kinh doanh bình thường và giúp Hoa Sen nhanh đẩy lượng hàng tiêu thụ thu tiền về trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động. Bên cạnh việc kết hợp hệ thống bán lẻ với chiến lược chi phí sản xuất thấp nhất (xây dựng quy trình sản xuất kinh doanh khép kín) hệ thống phân phối đã giúp Hoa Sen tạo ra lợi thế tuyệt đối so với các đối thủ cạnh tranh. Điều này đã được chứng minh qua việc Hoa Sen đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu trong niên độ tài chính 2008 – 2009 nhanh hơn bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào.

Thành công của Lê Phước Vũ và Hoa Sen Group đã được chứng minh qua hàng loạt giải thưởng cho Tập đoàn và cá nhân ông như: Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt liên tiếp từ năm 2005 đến 2009; Top 10 thương hiệu Việt Nam trong hội nhập quốc tế năm 2009; Doanh nhân Sài Gòn Tiêu biểu từ năm 2006 đến 2009 và rất nhiều giải thưởng danh giá khác. Luôn trung thành với triết lý sống “Khi đồng tiền mình làm ra được dùng đúng đạo nghĩa thì hạnh phúc ấy thuộc về người cho chứ không phải người nhận”, bên cạnh việc thành công chốn thương trường, ông luôn quan tâm đến sự phát triển của đất nước và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua các hoạt động xã hội thực tế và các chương trình từ thiện.

DOANH NHÂN BÌNH ĐỊNH - ĐOÀN NGUYÊN ĐỨC

Ông Đoàn Nguyên Đức làm ngạc nhiên mọi người khi mời Kiatisak, danh thủ lừng lẫy bật nhất Đông Nam Châu Á lúc bấy giờ về phố núi Gia Lai. Sau đó là mở học viện bóng đá Arsenal, rồi là người Việt Nam đầu tiên có máy bay riêng...

Hơn 40 năm trước, cậu bé Đoàn Nguyên Đức hàng ngày chăn trâu trên cánh đồng bên cạnh sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định quê hương, ước mơ một ngày nào đó sẽ được cưỡi và tậu cho mình một máy bay riêng. Ước mơ tưởng như viển vông đó nay đã thành hiện thực.Ở phố núi, chẳng ai gọi ông Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Group) bằng cái tên cúng cơm Đoàn Nguyên Đức, mà là Ba Đức vì cái tên này đã trở nên gần gũi, thân quen với mọi người.

Từ năm 2001 đến nay, cái tên Ba Đức càng nổi như cồn sau những sự kiện làm nên các “ tít” lớn trên hầu hết các báo Việt Nam và cả trên thế giới như: việc ông mua chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak và trả lương đến 15.000 USD một tháng vào năm 2002; hợp tác với CLB bóng đá nổi tiếng của Anh Arsernal để mở Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG vào năm 2007…

Đầu năm 2008 ông còn định mua 20% cổ phần của CLB Arsenal. Và gần đây nhất là ông đã tậu cho mình một chiếc máy bay riêng (Beechcraft King Air 350, trị giá 7,5 triệu USD) như điều mà ông từng mơ ước 40 năm về trước. Điều đặc biệt là ông tậu chiếc máy bay này từ tiền túi cá nhân để phục vụ công việc chung của Tập đoàn.

Bước ngoặt để Đoàn Nguyên Đức trở thành thương gia là khi ông 22 tuổi sau 4 lần thi đại học không thành. Bầu Đức kể lại rằng: “Chính vì thi rớt đại học, tôi lại thành đạt như bây giờ. Tôi có đọc cuốn sách viết về 100 tỷ phú thế giới, thấy có ai học đại học được đâu. Ông trùm máy tính của thế giới là Bill Gates giỏi lắm cũng mới học nửa chừng năm thứ hai của Đại học Harvard rồi bỏ học. Riêng tôi lại rất thích câu nói: Trường đại học của tôi chính là trường đời”.

Khởi đầu sự nghiệp của ông Đức chỉ là việc trực tiếp điều hành một phân xưởng nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Nhưng kể từ năm 1990 đến nay, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức đã phất lên như diều gặp gió. Ông Đức trở thành chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai – một tập đoàn tư nhân – hoạt động trong nhiều lĩnh vực, doanh thu kể từ năm 2005 đã vượt quá 1.200 tỷ đồng, các năm sau đều cao hơn năm trước và dự kiến năm nay có thể lên đến 4.000 tỷ đồng.

Các sản phẩm của HAGL Group như đồ gỗ nội – ngoại thất cao cấp; đá granit ốp lát tự nhiên mủ cao su… đã có mặt hầu khắp các thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ, Australia và New Zealand. Các văn phòng đại diện của HAGL cũng được thiết lập tại nhiều nước nhằm tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận, giao dịch với tập đoàn một cách thuận tiện và nhanh chóng nhất.

Hiện nay, HAGL Group còn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực kinh doanh địa ốc, như xây dựng các trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê, và đã cho ra đời một loạt khách sạn, khu nghỉ mát 4 sao, 5 sao tại TP HCM, Đà Lạt, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Pleiku…

Tính đến thời điểm 31/1/2008 tổng giá trị tài sản ròng của HAGL Group đã đạt 25.576 tỷ đồng, vượt xa so với con số 11.600 tỷ đồng đầu năm 2007. Ông Đức cho hay sở dĩ đạt được con số trên là do HAGL hiện đang sở hữu 27 dự án bất động sản, trong đó có những dự án đã được đầu tư và mua đất từ năm 2000. Do giá thị trường bất động sản, đặc biệt là căn hộ cao cấp tăng cao nên tổng giá trị tài sản ròng của tập đoàn cũng tăng.

goài ra, HAGL còn đang sở hữu hệ thống khách sạn, các resort, 5 nhà máy sản xuất đồ gỗ và chế tác đá granite, trên 20.000 ha cao su tại Gia Lai, Kon Tum và Lào, nhà máy thủy điện 143 MW; 2 mỏ sắt và một mỏ đồng…

Theo kết quả kiểm toán của Earns & Young, năm 2007 vừa qua HAGL đạt 870 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế vượt chỉ tiêu đề ra 270 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2008 ước đạt 2.500 tỷ đồng.

Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết thêm, trong năm 2008, HAGL Group cam kết sẽ tài trợ cho Lào 100% vốn với giá trị lên đến 19 triệu USD để xây dựng làng vận động viên SEA Games 25, gồm tám khu nhà chức năng với khoảng 42.000 m2 sàn xây dựng, là một khu ở khép kín cho 4.000 vận động viên quốc tế.

Trong tổng vốn 19 triệu USD, 4 triệu USD là tài trợ không hoàn lại, phần còn lại được cho vay thời hạn ba năm không lãi suất. Khoản tiền vay sẽ được Chính phủ Lào hoàn trả bằng gỗ khai thác và các dạng quota khác cho HAGL.

Ngoài ra Chính phủ Lào còn tạo điều kiện cho HAGL thăm dò tiềm năng khai thác khoáng sản ở Nam Lào và cấp cho HAGL 10.000 ha đất trồng cao su, nâng tổng diện tích đất dự án cao su tại tỉnh Attapeu của HAGL lên 15.000 ha, bao gồm cả đất để xây dựng hai nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất 40.000 tấn một năm.

Theo tính toán trong vòng 5 đến 7 năm tới lợi nhuận của HAGL từ việc đầu tư tại Lào có thể lên đến trên dưới 100 triệu USD một năm nhờ xuất khẩu cao su và các sản phẩm từ cao su và gỗ. Rõ ràng là đồng tiền mà bầu Đức bỏ ra để khuyếch trương thương hiệu và uy tín của Tập đoàn cũng như 15.000 ha trồng cao su trên đất Lào, quả thật là những con gà đẻ trứng vàng.

Tìm hiểu thêm về Đoàn Nguyên Đức người tiên phong thay đổi diện mạo bóng đá việt

1. Mua tiền đạo người Thái Kiatisuk


Mua Kiatisuk (vàng) là thương vụ thành công của bầu Đức.
Năm 2002, HAGL còn chơi ở giải hạng Nhất, bóng đá Việt Nam mới chỉ có hai năm lên chuyên nghiệp, và quyết định đưa tiền đạo số một Đông Nam Á thời điểm đó về Gia Lai với mức lương 9.000 USD mỗi tháng khiến giới chuyên môn, người hâm mộ sửng sốt. Thậm chí, đến cả CLB của Thái Lan cũng không tin nổi điều này. Khi bầu Đức sang Thái để đàm phán hợp đồng mua Kiatiasuk, CLB chủ quản của anh còn không thèm tiếp doanh nhân này. Bầu Đức phải ở lại Bangkok ròng rã trong hai tháng để tìm mọi cách tiếp xúc và tiến tới ký kết hợp đồng.

Bầu Đức nhớ lại chính chân sút người Thái cũng chất vấn rằng “lấy tiền đâu ra mà trả lương”. Khi đó, ông chủ của HAGL lập tức điện về và ra lệnh chuyển số tiền tương đương hai năm lương vào tài khoản của Kiatisuk.

Thời gian đó, Kiatisuk là linh hồn của đội tuyển Thái Lan. Tiền đạo này được dân Việt Nam yêu bóng đá ngưỡng mộ không chỉ vì tài năng trên sân cỏ mà những phẩm chất đạo đức của anh. Vì thế, có thể nói đây là thương vụ táo bạo và khôn ngoan của bầu Đức. Trước đó, không ai biết Đoàn Nguyên Đức hay HAGL là ai nhưng mọi chuyện đã thay đổi từ khi Kiatisuk tới Gia Lai.

2. Hợp tác với Arsenal và khai trương Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG

Bầu Đức ngồi dùng bữa với HLV Arsene Wenger. Ảnh HAGL cung cấp.
Sự nổi tiếng của CLB nước Anh lan tỏa ở Việt Nam và khắp thế giới nhờ những trận đấu ở giải Ngoại hạng. Doanh nhân người Việt ngồi cùng bàn ăn với HLV Arsene Wenger, chụp ảnh cùng các danh thủ như Adebayor.

Học viện bóng đá đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng trên phố núi với quy trình đầu tư bài bản cho các tài năng bóng đá trẻ. Những mầm non này sẽ tương lai của bóng đá Việt Nam.

Hàng tuần, người yêu bóng đá cả nước được thấy dòng chữ Hoàng Anh Gia Lai Việt Nam chạy trên những banner quảng cáo khắp sân Emirates của Arsenal tại London (Anh).

3 . Mua cầu thủ gốc Việt Lee Nguyễn

Bầu Đức và Lee Nguyễn trong lễ ký hợp đồng vào ngày 18/1/ 2009.
Cầu thủ trẻ gốc Việt từng được gọi vào đội tuyển quốc gia Mỹ sẽ trở về chơi bóng ở quê nhà từ V-League 2009. Lee Nguyễn sẽ nhận mức lương khủng với 10.000 USD mỗi tháng trong bản hợp đồng 3 năm.

Tôi cũng như tấc cả người dân Việt Nam đang mong mỏi nhóm cầu thủ từ học viện Arsenal của Ông sẽ đưa bóng đá Việt Nam vào thi đấu World Cup một ngày không xa...

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

CÂU CHUYỆN ĐẤT VÕ

Tôi đang làm cuốn phim tài liệu về môn phái võ cổ truyền thuần Việt này. Một đôi lần có được nghe giới thiệu trên các chương trình truyền hình. Thấy tự hào nhưng chưa thỏa. Ngẫm ra cái gì thuần Việt đều tiềm ẩn trong Folklore (văn hóa dân gian). Sau khi nhận lời với Ủy ban Thể dục thể thao Việt Nam, tôi dẫn một tốp quay phim, ghi tiếng vào Bình Định.

Võ sư Đinh Văn Tuấn dẫn chúng tôi lội ngược dòng lịch sử tìm về cội nguồn. Tôi tìm thấy một trong rất nhiều cách giải thích về sự hình thành môn phái võ Tây Sơn. Đất này xưa hiểm trở. Có một rẻo phì nhiêu ven sông ven biển thì chật hẹp. Lại ba bề núi chắn. Một phía biển ngăn. Văn minh Chăm cổ có đặt dấu oai hùng lên mặt đất nhưng thưa thớt. Còn lại là hoang vu. Ba anh em Nguyễn Huệ thời đó được gửi học tại võ đường của một bậc trượng phu. Võ sư này là người họ Trương, quê gốc ở Hà Tĩnh. Ý tưởng của ông là dắt trai tráng đến đất võ bằng đường văn.

Việc dạy võ và học võ ở Tuy Viên, Bình Khê này có trước. Trong từng gia tộc có sự truyền thụ rất công phu để cháu con lên rừng, ra rẫy không e ngại muông thú. Có việc đường xa không hãi hùng đạo tặc. Và bài vỡ lòng cho môn sinh ở Thuận Truyền, Ai Thái, Anh Vinh, Bình Nghi đều giống nhau. Giỏi võ để giữ mình. Để làm người trượng phu. Không để thành giặc bạo tàn. Chúng tôi đặt máy quay phim trước nhà lão sư Phan Thọ. Cụ nâng ly rượu ra trước mặt tôi: “Biết các ông ít thời gian nhưng xin thư thái đã”. Con cháu cắm hoa, đốt hương xong. Cụ bước tới trước bàn thờ. Sau màn khói tỏa nhẹ, nét mặt cụ hiền hòa, lời khấn vái vọng về cõi xa xăm nào đó. Con cháu ngoài sân tay roi, tay kiếm đứng lặng phắc hướng vào. Có lẽ đó phút linh nghiệm của đường văn. Và chỉ sau đó mười lăm phút, tất cả hóa thân thành người khác hẳn. Tất cả như gió mây vần vụ. Tất cả như sóng dâng bão cuốn. Chiều lòng mến mộ của chúng tôi, cụ Phan Thọ ra sân. Cụ đi hết bài “Trường đao hiệp nghĩa”. Tuổi đã vượt nấc “cổ lai hy” nên đường đao có chậm lại song đó là cảnh quay chậm của bão tố thời trai. Võ sư Đinh Văn Tuấn ghé vai tôi: “Hồi xưa, võ sư Phan Thọ đã đánh hạ một chú hổ trên rừng”.

Tôi nói với võ sư Đinh Văn Tuấn:
- So với những bài võ thi đấu của Thúy Hiền võ thuật mà tôi được xem ở An Thái, Thuận Truyền khác nhau chỗ nào?
- Khác là thứ của tàu, thứ của ta.
- Tôi thấy mình kém gì đâu.
- Kém chứ anh – Đinh Văn Tuấn cười. Nhìn thẳng vào tôi sau lời khẳng định - Người ta bỏ ra bảy mươi năm đầu tư công sức bạc tiền để nâng một môn phái võ cổ truyền dân gian thành môn võ thuật thi đấu quốc tế.
- Bây giờ ta mới bắt đầu. Tôi nói vậy vì võ thuật Bình Định được xếp vào một đề tài cấp quốc gia. Đó là chỗ tâm đắc của Ủy ban Thể thao ngoài Hà Nội và các cấp lãnh đạo Bình Định.
- Ta có phải ma-ra-tông đến 70 năm không? Tôi hỏi Đinh Văn Tuấn.
- Mục tiêu về thời gian của ta là đến năm 2003 sẽ có cuộc trình làng trong khuôn khổ một SEA Games.

Tôi thấy hé một tia hy vọng. Và nghĩ rằng cái phim “Đất võ” chúng tôi đang làm cũng sẽ là khúc dạo đầu cho đề tài này. Tôi hơi nghiêng sự chú ý về phần “Đường văn”. Đường văn trong tiêu chí của ông bà khá rõ. Đường văn của thời ta là gì. Không thể chỉ bó chặt trong kích thước gia truyền. Xã hội hóa, toàn quốc hóa, chuẩn mực hóa, khoa học hóa là đường văn. Bây giờ ít có không khí trận mạc binh đao mấp mé như xưa nay ở nước ta. Tạo cho được một phong trào thật rầm rộ để từ đó mà luyện tuyển các danh tài. Tiền đồ môn phái võ Bình Định chỉ gửi gắm một phần ở các cuộc thi đấu quốc tế trong tương lai. Lớn hơn là ở khát vọng “dân cường nước mạnh”. Thiên hạ đổ xô đến vì sức hấp dẫn của một môn phái võ. Các ngành kinh tế, du lịch, thể thao có thể tính toán ra đôi điều thu hoạch.

Tôi vẫn nghiêng về phái “Đường văn” trong những ngày đi làm phim “Đất võ”. Một buổi chiều ở chùa Long Phước ra, Võ sư Đinh Văn Tuấn mời đoàn làm phim dừng lại Tuy Phước. “Món chim sẻ nước ăn được lắm”. Chủ quán được mời ra cụng ly với chúng tôi.
- Dạ mấy ông từ Hà Nội vô.
- Vâng. Chúng tôi quay phim luyện võ ở chùa Long Phước về.
- Hay lắm. Cám ơn các ông nhiều. Chủ quán nắm chặt tay tôi. Lời cảm ơn giầu mầu sắc dáng vẻ quan chức chính quyền khiến tôi chú ý.
- Anh cũng là võ sư à?
- Dạ đâu có. Em chỉ là “chim sẻ sư”!
- Hay. Nhưng sao lại cám ơn?
- Thằng cháu lớn của vợ chồng em đang theo học võ.
- Ở đâu?
- Trong chùa Long Phước. Chưa biết cháu có thành tài không nhưng thay đổi hẳn tánh nết.
- Trước hư lắm sao? Tôi cầm tay chủ quán.
- Dạ cũng sắp thành giặc. Chủ quán cười. Phả vào tôi đầy hơi rượu. Nhưng đôi mắt trầm xuống như muốn lặp lại lời cám ơn. “Nó đòi đi học võ. Vợ chồng em đã thắt ruột mà lo. Chắc rồi phải bới cơm nuôi con trong tù. Vậy mà giờ nó hiền khô. Gân bắp nó chắc nịch, dẻo mềm song nó luôn nhu mì. Như ai cũng thương được”.
Tôi hướng sang võ sư Đinh Văn Tuấn để giới thiệu với chủ quán:
- Chú em chào võ sư Đinh Văn Tuấn đi. Ông là Phó chủ tịch Hội võ thuật cổ truyền nước ta đấy.
Chủ quán đứng dậy chắp tay:
- Đa tạ thầy.

Chúng tôi đang trong tửu quán mà ngỡ đang trong võ đường. Đinh Văn Tuấn đáp lễ người ngưỡng mộ mình và kể chuyện khá vui. “Làng An Vinh có sư huynh Trần Dần. Ngày sư đoàn Mãnh hổ của Hàn Quốc đóng đầy làng trên xóm dưới, Dần còn rất trẻ. Học võ rất sáng dạ nhưng bề ngoài nhỏ nhẹ như bao người khác. Lính của sư đoàn Mãnh hổ biết đất này là đất võ. Chúng cũng có những võ sinh đăng lính và sang đây. Thăm dò rồi thách gợi. Trần Dần nhận lời. Và sân trại lính là đấu trường. Lính chiếm đóng và dân làng đông chặt. Một bên muốn thắng để giương oai. Một bên không muốn thua vì quốc thể. Và Trần Dần thắng dễ dàng.
- Trông hiền lành vậy mà cứng rắn dữ. - Một tên lính nói vậy qua lời thông dịch.
- Trông hùng hổ vậy mà yếu mềm – Ai đó trong làng nói thay Trần Dần qua lời thông dịch.

Nghe Đinh Văn Tuấn kể như một cuộc ứng đối của đường văn.
Vẫn là những giai thoại, những di tích, chứng tích của kho lưu trữ dân gian suốt miền Tây Sơn, Tuy Phước len lỏi vào băng hình. Các thế võ, bài quyền, đường roi của các cụ già, các cô cậu trẻ trung, các em bé lên năm lên bảy thấm đẫm tình nhân ái cao cả. (Theo Phạm Ngọc Cảnh)

GẶP MỘT HUYỀN THOẠI ĐẤT VÕ - VÕ SƯ PHAN THỌ

Bình Định được định danh là miền đất Võ. Tên gọi ấy không phải ngẫu nhiên mà thành, mà được khởi nguồn từ truyền thống thẳm sâu của miền đất này. Ở Bình Định, ẩn sau lũy tre làng bình dị như bao làng quê khác, là những làng võ với những võ sư một thời danh chấn. Một trong những huyền thoại còn lại ở đất Võ là võ sư Phan Thọ.

Võ sư Phan Thọ múa kiếm.

* Bán bò... học võ

Cả cuộc đời, võ sư Phan Thọ luôn đau đáu với tâm niệm tầm sư đặng trau dồi vốn võ học. Nhẩm tính lại, ông đã dành tới 18 năm để học tới 7 ông thầy.

* Thưa ông, bây giờ nhiều võ sĩ trẻ, chỉ cần hai, ba năm đã thi đấu và giành huy chương. Vậy mà ông cần những 18 năm?

- Có lẽ, cái mệnh của tôi là phải cần mẫn mà đi lên. Con đường học võ cũng vậy. Tôi bắt đầu học từ năm 17 tuổi. Đầu tiên là học ông Ký tại Phú Phong. Học được một năm, phải nghỉ vì ông thầy mắc tập quấn đài. Vậy là tôi sang An Vinh học với võ sư Cai Bảy, học đúng 5 năm, đã bắt đầu theo thầy đi đánh đài. Sau đó, chuyển sang học với cụ Tàu Sáu ở làng võ An Thái. Được một năm, thầy qua đời… Cứ vậy, lần lần, tôi học hết với những ông thầy giỏi trong vùng và thu lượm đủ “thập bát ban binh khí”. Cậu cứ tính thử xem, 18 binh khí gồm: quyền, roi, siêu, kiếm, đao, thương, kích, giản, phủ, chùy, xà mâu, côn, xích, thước, ba chỉa, chấn thiên cung và độc tiên (khăn xéo). Mỗi môn quấn cho chuẩn, phải học ít nhất ba thảo; 18 môn là 54 thảo. Bên cạnh đó, phải học thêm 10 bài đấu luyện. Nếu sử dụng 18 môn binh khí một cách nhuần nhuyễn, lại thật rành các chiêu thức của đấu luyện, thì hiệu quả sẽ cao biết bao nhiêu, trăm người có thể địch vạn người. Đó là điều giải thích vì sao những đội quân của Quang Trung hoàng đế luôn bách chiến bách thắng. Mà 18 môn ấy, có phải học một thầy là thành đâu. Phải biết rút tỉa từ từ. Chẳng như, học ông Lê Thái và Lê Thành Phiên, hai học trò của võ sư Hồ Ngạnh rất giỏi về roi, thước, xích; học võ sư Tàu Sáu kiếm, đao; học làng võ An Vinh quyền, bồ cào, lăng khiên… Tôi nghiệm ra rằng, trong võ có thế và có thần, thế là những mánh khóe nhà nghề, thần là từ sự tập luyện. Mọi bí quyết là từ đó mà ra. Cho nên, phải tập cho giỏi, cho tinh. Còn như lớp trẻ bây giờ, mới học được mấy môn, học được ba bài thảo đãõ đi thi, thi đậu có huy chương rồi thì lo đi dạy ngõ hầu kiếm miếng cơm nuôi gia đình, ai mà đủ nghị lực và tâm huyết để toàn tâm toàn ý theo thầy học cho đến đầu đến đũa như hồi trước. Mình biết và thông cảm với tụi trẻ, nhưng cũng không khỏi những âu lo về sự mai một vốn võ học.

Khúc sông Kôn nối hai làng võ An Vinh và An Thái, nơi từng in bóng võ sư Trương Văn Hiến - người thầy của anh em Tây Sơn - trong những ngày đầu tiên từ đàng Ngoài vào đàng Trong lập nghiệp, cũng lại là nơi gắn với chặng đường tầm sư học võ của võ sư Phan Thọ. Ngày nhỏ, ông đã bao lần vượt sông để sang làng võ An Vinh, rồi sau này, lại trở ngược lại bên An Thái học võ.

* Nghe đâu, ông từng phải bán bò để đi học võ. Vậy ngày ấy, khi có ý định bán bò, ông có phải hỏi ý kiến của… vợ?

- Tất nhiên chứ chú. Hồi đó, tôi đã 32 tuổi, nhà có hai con bò cày, mà mình muốn đi học võ nhưng lại không tiền. Vậy là tôi hỏi vợ: Nhà có hai con bò, con nào xấu xấu thì bà cho tôi một con để bán lấy tiền học võ? Vợ tôi đồng ý ngay và nói: Ông học võ, có bán hết cả hai con cũng được. Mà tôi nghiệm ra rồi, những người học võ muốn giỏi đều phải nhờ một tay vợ cả đấy.

* Việc tập luyện ngày đó hẳn không chỉ mất nhiều thời gian mà còn rất công phu?

- Công phu thì khỏi nói. Chẳng như, đầu tiên là luyện với tàu chuối. Tàu chuối rọc lá, ôm cả ôm, hai người hai bên cứ phóng tới. Mình bên này phải dùng tay để hớt. Thành thục rồi thì chuyển sang dùng tre. Những cây tre già, chẻ ra làm 6 miếng, vớt hai đầu, cũng lại phóng và hớt. Xong lại đi tìm đá vừa tay về luyện cho cứng tay… Công phu chứ. Tính ra, mỗi môn muốn học cho thông, cần tới cả ba đến bốn năm lận.

Lão võ sư Phan Thọ với chiếc răng nanh của con heo rừng do ông quật chết.

* Quật chết lợn rừng

Trong câu chuyện truyền tụng của người dân dất Võ về võ sư Phan Thọ, không thể thiếu câu chuyện đấu lợn rừng của ông. Nay, lão võ sư vẫn cất giữ hai chiếc răng nanh lợn rừng để làm kỷ niệm cho một lần quyết đấu. Lão võ sư nhớ lại:

- Đó là năm 1964, hồi đó, thôn Thủ Thiện Hạ có con lợn rừng ra ăn mía. Con thú răng nanh dài hơn gang tay, lừng lững như con cọp, mình nó quật ba thanh niên bị thương, phải chở đi nhà thương. Người dân trong làng nghe tôi có võ, mới chạy vào kêu ra. Tôi ra tới nơi, kêu thanh niên hai thôn tập hợp cây gậy lại, đứng xung quanh la hét ầm ầm làm nó rối trí, rồi mình tôi nhảy vào quần thảo. Con lợn rừng hai mắt đỏ ngầu, da đen trũi, cứng như thép. May mà tôi có sức, lại nhanh, nên con lợn rừng hộc vô cắn đến đâu là tôi nhảy tránh, rồi dùng cây đánh đến đó. Cây này gãy thì người đứng ngoài lại quăng cây khác vô. Sau ba tiếng đồng hồ quần thảo, cuối cùng, khi con thú đã mệt hung, tôi dùng luôn cây vồ đánh giữa tam tinh, hạ gục.

* Quật chết lợn rừng, nhưng đã có lần võ sư thượng đài bị thua?

- Đó là trận thua duy nhất trong đời võ học của tôi và cũng là trong lần thượng đài đầu tiên. Lúc đó, tôi 34 tuổi, thượng đài nhưng thiếu kinh nghiệm nên đã thua võ sư Bùi Xuân Cảnh. Tức khí, tui lại tiếp tục đi học thêm… Nay ngẫm lại, chính nhờ trận thua đầu tiên đó, tui bớt đi tính hiếu thắng tuổi trẻ, nên sau này, vừa học vừa thượng đài mà không thua trận nào.

Năm 1998, có hai nam võ sĩ 4 đẳng Taekwondo từ Hàn Quốc tìm đến gặp ông so tài. Cả hai đều lần lượt bị ông hạ đo ván, bái ông làm thầy và xin theo học võ.

* Ngày đó, võ sư đã 73 tuổi, vậy võ sư dùng thế nào để thắng được hai võ sĩ trẻ?

- Họ ỷ sức, đá rất nhanh và mạnh. Họ đá một cú làm nứt cả cột nhà trên của tôi, dấu vẫn còn đấy. Cho nên mình mà cứ ào vô, trúng là gãy tay liền. Cho nên, tui phải lấy cái nhanh nhẹn, dùng chước chun vô, rồi đánh ngay hậu môn, làm họ té rướm cả máu đầu. Thua rồi họ chất vấn tôi: “Ở Quy Nhơn, toàn võ sĩ trẻ không mà không đánh lại tụi tôi. Còn ông già mà đánh lại được là sao? Tôi trả lời: Tui già, ông quấn tui thì tui quấn lại ông là chuyện thường. Còn dưới Quy Nhơn, mấy em còn trẻ, họ sợ đánh các ông chết không về nước được, nên không đánh chứ đâu phải họ dở”.

Hình ảnh võ sư Phan Thọ trên trang bìa tạp chí “Timeout”.

* Đọng bóng chiều

Lão võ sư Phan Thọ là người có đệ tử ngoại tỉnh tìm đến theo học rất nhiều. Tính đến nay, ông đã truyền dạy cho hàng trăm đệ tử, đến từ nhiều địa phương trong nước như Lạng Sơn, Phú Thọ, Hải Hưng, Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang… Người học ít cũng vài ba tháng, còn có người học đến vài ba năm. Nhiều học trò của võ sư Phan Thọ giờ đã trở thành huấn luyện viên, tiếp nối thầy truyền bá võ Bình Định đi khắp mọi miền đất nước.

“Đối với các võ sinh, dù tôi yêu thương như con cháu trong nhà, nhưng việc truyền dạy võ thuật cũng phải tuân theo quy tắc. Đối với những người chỉ học một thời gian ngắn, mình không có nhiều điều kiện để nhận xét, hoặc những học trò đã phát hiện có vấn đề về đạo đức, tôi thường dạy những bài võ mang tính biểu diễn là chính, để đề phòng họ sử dụng vào mục đích xấu” - lão võ sư tâm sự.

Nhưng hai năm nay, võ đường Phan Thọ gần như khép cửa. Ngay khoảnh sân trước nhà vẫn dùng làm nơi tập võ cho võ sinh, nay cỏ đã mọc đầy. Lão võ sư nay thôi không mở lò dạy võ, thay vào đó, trong lần ghé thăm ông, tôi gặp những người đến xin thuốc võ. “Ngày đó, tôi chuyên làm chân chạy đi mua thuốc võ cho thầy, lại được chỉ dạy thêm, nên cũng biết ít nhiều về thuốc võ. Giờ chân tay yếu hung rồi, múa chút đã vã mồ hôi, nên tôi chuyển sang làm thuốc. Cũng là võ cả đấy” - Nói vậy, nhưng đôi mắt lão võ sư thoáng nét ưu tư. Tôi hiểu, đó là nỗi ưu tư trước thực trạng ngày càng ít những người đủ niềm say mê và kiên trì đi theo nghiệp võ. Ngay các con ông, cũng chỉ kịp học vài môn binh khí, ít chiêu thức, rồi kẻ nghề này, người nghiệp kia, lao vào đời kiếm sống…(Theo Lê Viết Thọ - Báo Bình Định)

MỘT NHÀ VÕ "TỨ ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG"

Ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước có một gia đình “tứ đại đồng đường” gắn bó với nghiệp võ. Đó là gia đình võ sư Hàm Hữu Nghĩa, một trong những lò võ danh tiếng của đất Tuy Phước…


Lương y, võ sư Hàm Hữu Nghĩa (phải) tại phòng khám của Hội Đông y huyện Tuy Phước. Ảnh do nhân vật cung cấp

* Đi bốn phương học võ

Sinh năm 1937, năm 25 tuổi, võ sư Hàm Hữu Nghĩa (tên thật là Nguyễn Hữu Nghĩa) bắt đầu học võ. Đầu tiên, ông theo học võ sư Hương Kiểm Kính (Phù Cát). Được hai năm, ông lại lên An Vinh, tìm học võ sư Tám Tự. Ngoài học với thầy, ông còn được cha, cũng là một võ sư, chỉ dạy thêm.

Cảm thấy đã hòm hòm vốn võ học, đủ để ứng phó với những bất trắc ở đời, ông Nghĩa quyết định lên đường tiếp tục tầm sư học võ. Võ sư Nghĩa kể: “Tính tôi hồi đó “quang” lắm, nên tôi thích đi ngao du, vừa để cho biết đó biết đây, vừa học hỏi thêm”. Từ Phù Cát, ông vào Sài Gòn, theo học võ sư Lê Đại Quang về võ cổ truyền, rồi học thêm quyền anh từ võ sư Kít Đem Xay (người Khmer). Học võ khắp Trung, Nam, lại chăm chỉ tập luyện, nên vốn võ học của ông lên rất nhanh.

Vậy rồi, đang giữa nghiệp võ, ông lại chuyển sang học nghề thuốc, mà lại sang tận Campuchia học nghề. “Chẳng là ngày ấy, thầy dạy võ coi tôi như con nuôi. Mẹ nuôi tôi bảo với ông: Con nó theo nghề võ thì khó có tương lai lắm. Thôi, cho con học nghề thuốc”. Vậy là ông thầy võ giới thiệu cho người học trò cưng của mình sang Campuchia để học nghề thuốc. Ba năm sau, năm 1968, ông Nghĩa quay lại Việt Nam, lên Pleiku vừa làm thuốc, vừa hành nghề võ. Năm 1975, ông về lại quê nhà và mở võ đường đến giờ.

Ông Nghĩa tự nhận mình là người ham chơi, bởi vậy, ngày trẻ, không chỉ miền Trung, ngay những sàn đài ở Châu Đốc, Sóc Trăng hay Rạch Giá… đều đã có dấu chân ông. Ông nhớ mãi trận gặp Hoàng Ngọc Ngãi ở Hội chợ Buôn Mê Thuột vào năm 1963. Hoàng Ngọc Ngãi, người Xóm Củi (Nha Trang), là võ sư danh tiếng khi ấy. “Hoàng Ngọc Ngãi lên sàn rất hăng, đá lung tung hết. Mình cứ né để xem thử đòn thế của ông ta thế nào. Phút giải lao giữa hiệp, bạn bè tôi nói: ông sao vậy, đánh đi chứ! Vậy là sau đó, nhân lúc Ngãi đá tới, tôi quấn ngay một chỏ nơi gan bàn chân. Ngãi nằm liệt luôn”- ông kể.

Võ sư Nghĩa cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã có bao nhiêu học trò. Ông ước chừng đâu khoảng 3.000 người; còn số võ sinh đã lên đài cũng trên dưới 200. Trong số này, có người tận Hà Tây, Thanh Hóa, Vĩnh Phú hay TP. Hồ Chí Minh cũng tìm đến, học khoảng năm, sáu tháng để nâng vốn võ học. Mà lạ, vốn là người ít muốn nói về mình, về võ nghệ, vậy mà học trò tìm đến ông vẫn đông. Ngay trong câu chuyện với bạn bè, ông cũng ít nói về võ. “Tôi chỉ nghe lời thầy dặn, rằng học võ không phải để khoe. Võ nghệ mà cứ xưng ta đây biết võ thì không hay chút nào”. Bởi vậy, chuyện ông gặp những người thầy, chuyện học trò tìm đến học, ông xem như một mối duyên. Chẳng thế mà ông Nghĩa đã lấy tên võ đường của mình là Hàm Hữu Nghĩa, với nghĩa là sự hàm ân ơn nghĩa của những người thầy.

Võ sư Nghĩa cho biết: “Hiện nay, có 18 môn sinh đang theo học tại võ đường của tôi vào buổi tối. Còn ban ngày, chủ yếu tôi làm thuốc và làm việc hội của xã”. Chẳng là từ năm 1987 đến nay, ông Nghĩa là Chủ tịch Chi hội Võ thuật huyện Tuy Phước; đồng thời, là Chủ tịch Hội đông y huyện, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, tham gia Hội Chữ thập đỏ huyện…

Lại nói chuyện học nghề thuốc của võ sư Nghĩa mới lạ. Ngoài vốn nghề được truyền thụ trong ba năm học ở Campuchia, năm 2002, nghĩa là khi đã 67 tuổi, người ta lại thấy ông, ngày ngày lọc cọc đạp xe đạp từ Phước Hiệp về Quy Nhơn... làm sinh viên. Hóa ra, ông theo học Trường Trung cấp Y tế tỉnh để lấy bằng Lương y đa khoa, cho “chính danh” đặng hành nghề. “Tui đi học với mấy em còn trẻ, nên được bầu làm lớp trưởng. Mỗi khi có cuộc thảo luận, các thầy cô lại hay mời tôi phát biểu. Sau mấy năm học ở trường, tôi tốt nghiệp với tấm bằng loại khá” - ông Nghĩa kể.

Võ sư Hàm Hữu Nghĩa (giữa) và các học trò. Ảnh do nhân vật cung cấp

* Và một nhà võ “tứ đại đồng đường”

Điều đặc biệt nhất là gia đình võ sư Hàm Hữu Nghĩa là một gia đình võ “Tứ đại đồng đường”. Cha ông, cụ Nguyễn Tựu, năm nay đã 96 tuổi, cũng là võ sư. Thuở nhỏ, cụ chủ yếu học võ trong gia đình, nhưng cả đời cụ chỉ gắn bó với nghiệp chữ, chỉ thi thoảng mới dạy võ cho con em trong làng. Cụ Tựu học võ từ một người bác, nhưng sau này, cụ không trực tiếp truyền cho con cháu, mà thường nhờ những người bạn rèn cặp giúp. Ngoài võ sư Nghĩa, ba người con trai khác của cụ cũng là võ sư, hiện sống tại Gia Lai. Trong 36 người cháu của cụ, có 7 người theo nghề võ, có người nay đã là trọng tài Quốc gia, HLV võ thuật hay đã đoạt huy chương vàng ở các giải võ thuật của tỉnh Bình Định, Gia Lai và toàn quốc. Còn Nguyễn Thị Minh Thương, chắt nội của cụ Tựu, từng đoạt huy chương vàng, bạc của tỉnh ở bộ môn võ đối kháng và biểu diễn. “Tuy là con gái, nhưng Thương rất mê và học võ từ nhỏ. Có khiếu huấn luyện, nhưng cháu không theo nghiệp võ mà hiện đang học ngành du lịch ở TP. Hồ Chí Minh”- võ sư Nghĩa cho biết.

“Con tóc bạc nâng niu cha tóc bạc/ Đếm bước đường nặng nỗi đa mang”. Ông Nghĩa đọc cho tôi nghe câu thơ ông tặng cha trong ngày mừng thọ cha 95 tuổi. Đa mang với nghiệp võ, con nối chí cha, cháu theo hướng ông, ở Bình Định, có một nhà võ như thế. Theo Lê Viết Thọ - Báo Bình Định