Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

KHI VÕ BÌNH ĐỊNH LÊN PHIM



Đã xem nhiều những màn thi triển võ Hồng Kông, võ Tàu trên phim kiếm hiệp, không ít người vẫn chặc lưỡi: Sao võ Bình Định không thể lên phim? Những bài quyền, roi của võ Bình Định xem ra còn hấp dẫn chán vạn lần võ Tàu ấy chứ. Nhưng nay thì khác. Võ Bình Định đang từng bước xuất hiện trên màn bạc…

Cảnh trong phim “Huyền thoại bất tử”. Ảnh: huyenthoaibattu.com

* Ngọc trản, Yến phi... lên phim

Nhà biên kịch Lê Hoàng Khải (huyện Tây Sơn) là người rất tâm huyết với việc đưa võ Bình Định lên phim. Đầu thập niên 90, Lê Hoàng Khải đã viết kịch bản bộ phim “Tây Sơn hiệp khách” (tức “Ngọc trản thần công”), trong đó, vận dụng khá nhiều yếu tố của võ Bình Định, nhất là bài quyền Ngọc trản nổi tiếng. Để có tư liệu viết kịch bản, Lê Hoàng Khải phải mất hai mươi năm lặn lội tìm tòi, đi đến nhiều nơi và gặp nhiều người, tìm lại những tinh hoa võ thuật dân tộc. Bên cạnh đó, ông còn ấp ủ làm khá nhiều bộ phim khác, trong đó, cũng vận dụng những yếu tố của võ Bình Định như “Tình sử miền đất Võ” hay phim tài liệu võ thuật về “Chín võ sư Bình Định”.

Chỉ tiếc là sau “Tây Sơn hiệp khách”, một thời gian dài, võ Bình Định vẫn chưa được khai thác làm chất liệu trong các phim võ thuật. Chỉ mới đến gần đây, võ Bình Định mới tái xuất trên màn bạc với “Dòng máu anh hùng” và “Huyền thoại bất tử”. “Dòng máu anh hùng” được đánh giá là phim võ thuật Việt Nam hay nhất từ trước đến nay. Phim có vận dụng yếu tố của võ Bình Định nhưng không đậm và có phần thiên về biểu diễn.

Còn “Huyền thoại bất tử”, phim sẽ công chiếu vào ngày 14.1 tới, trực tiếp liên quan đến võ Bình Định, bởi nhân vật Lan (mẹ Long) trong phim do NSƯT Kim Xuân vào vai là một võ sư Bình Định. Các pha đánh nhau trong phim tuy nhiều nhưng hợp lý và cũng chỉ là những “điểm nhấn” trên hành trình đi tìm cha của Long (Dustin Nguyễn vào vai). Xem các màn võ thuật trong phim trong những ngày quay tại Bình Định, chúng tôi nhận thấy, phim có sử dụng nhiều chiêu thức của võ Bình Định nhất là các cú giật chỏ, lên gối, đánh côn… nhưng đã được kết hợp với các dòng võ khác để đạt hiệu quả hình ảnh. Những cảnh đánh nhau trên tàu, cảnh rượt đuổi trên bãi biển quay ở Cát Tiến, cảnh tập võ… đều rất đẹp, hấp dẫn. Theo đạo diễn Lưu Huỳnh, để dàn dựng các cảnh này, đoàn phim đã mời một số cascadeur từng học võ Bình Định hướng dẫn. Các cascadeur trực tiếp hướng dẫn các diễn viên các động tác. Hay như để vào vai Lan, NSƯT Kim Xuân còn đều đặn đến sân tập của Cung Văn hóa Lao động TP. Hồ Chí Minh để tập võ Bình Định.

Sau khi vào vai trong cả hai bộ phim võ thuật này, Dustin Nguyễn nhận xét: “Việt Nam có truyền thống về ứng dụng võ thuật. Mà phim võ thuật cũng là một ứng dụng hữu ích, nay đã có được giải pháp sản xuất hợp lý, chúng ta có quyền nghĩ về phim võ thuật kiểu Việt Nam!”.

* Và những dự định

Cuối năm 2008, Hãng phim Lý Huỳnh bấm máy bộ phim lịch sử “Tây Sơn hào kiệt”. Phim khắc họa thiên tình sử của Hoàng đế Quang Trung (Lý Hùng vào vai) và Công chúa Ngọc Hân (Diễm Hương) trong bối cảnh nước nhà biến động với những cuộc nội chiến giữa các thế lực phong kiến rồi cuộc xâm lăng của nhà Thanh. Vượt lên trên mọi nhiễu nhương của thế cuộc, sức mạnh lòng dân được tập hợp dưới tài thao lược bởi anh hùng Nguyễn Huệ đã dẹp tan thù trong, giặc ngoài, đem lại mùa xuân an bình cho đất nước. Phim do NSƯT Lý Huỳnh đạo diễn, kinh phí đầu tư 10 tỉ đồng, dự kiến công chiếu vào năm 2010.

Thật ra bộ phim này đã được NSƯT Lý Huỳnh ấp ủ từ năm 2001 với ý tưởng đem các chiêu thức độc đáo của võ Bình Định lên phim. Bởi trên thực tế, các bộ phim của ông trước đây cũng từng sử dụng nhiều chất liệu võ, nhưng không phải là võ Bình Định. Bởi vậy, 7 năm qua, NSƯT Lý Huỳnh đã âm thầm đặt kịch bản, chọn và đào tạo võ thuật cho các diễn viên. Trong phim có những phân đoạn rất đắt như: Nguyễn Nhạc từ Quy Nhơn ra Thăng Long “hỏi tội” Nguyễn Huệ, mối tình giữa đô đốc Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu, trận thư hùng giữa “Tây Sơn đệ nhất kiếm” Quang Trung và “Mãn Thanh đệ nhất đao” Lỗ Xích...

Bên cạnh đó, Dustin Nguyễn, diễn viên chính trong “Huyền thoại bất tử” cũng vừa hoàn thành kịch bản phim “Lửa Phật”, một phim võ thuật kiểu Việt Nam hoàn toàn, với câu chuyện về những nhà sư xuống núi giúp quân khởi nghĩa chống ngoại xâm. Anh đang nhờ các võ sư tư vấn và tìm các binh khí, các chiêu thức đặc trưng của võ cổ truyền Việt Nam.

Ngoài ra, còn phải kể đến một dự án khác là bộ phim truyền hình “Sông Côn mùa lũ” do Nguyễn Quốc Hưng làm đạo diễn, chuyển thể từ trường thiên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Do đây là phim trực tiếp tái hiện phong trào Tây Sơn và người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ, nên trong phim sẽ sử dụng các yếu tố của võ Tây Sơn - Bình Định.

1 nhận xét: