Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

MỘT NHÀ VÕ "TỨ ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG"

Ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước có một gia đình “tứ đại đồng đường” gắn bó với nghiệp võ. Đó là gia đình võ sư Hàm Hữu Nghĩa, một trong những lò võ danh tiếng của đất Tuy Phước…


Lương y, võ sư Hàm Hữu Nghĩa (phải) tại phòng khám của Hội Đông y huyện Tuy Phước. Ảnh do nhân vật cung cấp

* Đi bốn phương học võ

Sinh năm 1937, năm 25 tuổi, võ sư Hàm Hữu Nghĩa (tên thật là Nguyễn Hữu Nghĩa) bắt đầu học võ. Đầu tiên, ông theo học võ sư Hương Kiểm Kính (Phù Cát). Được hai năm, ông lại lên An Vinh, tìm học võ sư Tám Tự. Ngoài học với thầy, ông còn được cha, cũng là một võ sư, chỉ dạy thêm.

Cảm thấy đã hòm hòm vốn võ học, đủ để ứng phó với những bất trắc ở đời, ông Nghĩa quyết định lên đường tiếp tục tầm sư học võ. Võ sư Nghĩa kể: “Tính tôi hồi đó “quang” lắm, nên tôi thích đi ngao du, vừa để cho biết đó biết đây, vừa học hỏi thêm”. Từ Phù Cát, ông vào Sài Gòn, theo học võ sư Lê Đại Quang về võ cổ truyền, rồi học thêm quyền anh từ võ sư Kít Đem Xay (người Khmer). Học võ khắp Trung, Nam, lại chăm chỉ tập luyện, nên vốn võ học của ông lên rất nhanh.

Vậy rồi, đang giữa nghiệp võ, ông lại chuyển sang học nghề thuốc, mà lại sang tận Campuchia học nghề. “Chẳng là ngày ấy, thầy dạy võ coi tôi như con nuôi. Mẹ nuôi tôi bảo với ông: Con nó theo nghề võ thì khó có tương lai lắm. Thôi, cho con học nghề thuốc”. Vậy là ông thầy võ giới thiệu cho người học trò cưng của mình sang Campuchia để học nghề thuốc. Ba năm sau, năm 1968, ông Nghĩa quay lại Việt Nam, lên Pleiku vừa làm thuốc, vừa hành nghề võ. Năm 1975, ông về lại quê nhà và mở võ đường đến giờ.

Ông Nghĩa tự nhận mình là người ham chơi, bởi vậy, ngày trẻ, không chỉ miền Trung, ngay những sàn đài ở Châu Đốc, Sóc Trăng hay Rạch Giá… đều đã có dấu chân ông. Ông nhớ mãi trận gặp Hoàng Ngọc Ngãi ở Hội chợ Buôn Mê Thuột vào năm 1963. Hoàng Ngọc Ngãi, người Xóm Củi (Nha Trang), là võ sư danh tiếng khi ấy. “Hoàng Ngọc Ngãi lên sàn rất hăng, đá lung tung hết. Mình cứ né để xem thử đòn thế của ông ta thế nào. Phút giải lao giữa hiệp, bạn bè tôi nói: ông sao vậy, đánh đi chứ! Vậy là sau đó, nhân lúc Ngãi đá tới, tôi quấn ngay một chỏ nơi gan bàn chân. Ngãi nằm liệt luôn”- ông kể.

Võ sư Nghĩa cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã có bao nhiêu học trò. Ông ước chừng đâu khoảng 3.000 người; còn số võ sinh đã lên đài cũng trên dưới 200. Trong số này, có người tận Hà Tây, Thanh Hóa, Vĩnh Phú hay TP. Hồ Chí Minh cũng tìm đến, học khoảng năm, sáu tháng để nâng vốn võ học. Mà lạ, vốn là người ít muốn nói về mình, về võ nghệ, vậy mà học trò tìm đến ông vẫn đông. Ngay trong câu chuyện với bạn bè, ông cũng ít nói về võ. “Tôi chỉ nghe lời thầy dặn, rằng học võ không phải để khoe. Võ nghệ mà cứ xưng ta đây biết võ thì không hay chút nào”. Bởi vậy, chuyện ông gặp những người thầy, chuyện học trò tìm đến học, ông xem như một mối duyên. Chẳng thế mà ông Nghĩa đã lấy tên võ đường của mình là Hàm Hữu Nghĩa, với nghĩa là sự hàm ân ơn nghĩa của những người thầy.

Võ sư Nghĩa cho biết: “Hiện nay, có 18 môn sinh đang theo học tại võ đường của tôi vào buổi tối. Còn ban ngày, chủ yếu tôi làm thuốc và làm việc hội của xã”. Chẳng là từ năm 1987 đến nay, ông Nghĩa là Chủ tịch Chi hội Võ thuật huyện Tuy Phước; đồng thời, là Chủ tịch Hội đông y huyện, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, tham gia Hội Chữ thập đỏ huyện…

Lại nói chuyện học nghề thuốc của võ sư Nghĩa mới lạ. Ngoài vốn nghề được truyền thụ trong ba năm học ở Campuchia, năm 2002, nghĩa là khi đã 67 tuổi, người ta lại thấy ông, ngày ngày lọc cọc đạp xe đạp từ Phước Hiệp về Quy Nhơn... làm sinh viên. Hóa ra, ông theo học Trường Trung cấp Y tế tỉnh để lấy bằng Lương y đa khoa, cho “chính danh” đặng hành nghề. “Tui đi học với mấy em còn trẻ, nên được bầu làm lớp trưởng. Mỗi khi có cuộc thảo luận, các thầy cô lại hay mời tôi phát biểu. Sau mấy năm học ở trường, tôi tốt nghiệp với tấm bằng loại khá” - ông Nghĩa kể.

Võ sư Hàm Hữu Nghĩa (giữa) và các học trò. Ảnh do nhân vật cung cấp

* Và một nhà võ “tứ đại đồng đường”

Điều đặc biệt nhất là gia đình võ sư Hàm Hữu Nghĩa là một gia đình võ “Tứ đại đồng đường”. Cha ông, cụ Nguyễn Tựu, năm nay đã 96 tuổi, cũng là võ sư. Thuở nhỏ, cụ chủ yếu học võ trong gia đình, nhưng cả đời cụ chỉ gắn bó với nghiệp chữ, chỉ thi thoảng mới dạy võ cho con em trong làng. Cụ Tựu học võ từ một người bác, nhưng sau này, cụ không trực tiếp truyền cho con cháu, mà thường nhờ những người bạn rèn cặp giúp. Ngoài võ sư Nghĩa, ba người con trai khác của cụ cũng là võ sư, hiện sống tại Gia Lai. Trong 36 người cháu của cụ, có 7 người theo nghề võ, có người nay đã là trọng tài Quốc gia, HLV võ thuật hay đã đoạt huy chương vàng ở các giải võ thuật của tỉnh Bình Định, Gia Lai và toàn quốc. Còn Nguyễn Thị Minh Thương, chắt nội của cụ Tựu, từng đoạt huy chương vàng, bạc của tỉnh ở bộ môn võ đối kháng và biểu diễn. “Tuy là con gái, nhưng Thương rất mê và học võ từ nhỏ. Có khiếu huấn luyện, nhưng cháu không theo nghiệp võ mà hiện đang học ngành du lịch ở TP. Hồ Chí Minh”- võ sư Nghĩa cho biết.

“Con tóc bạc nâng niu cha tóc bạc/ Đếm bước đường nặng nỗi đa mang”. Ông Nghĩa đọc cho tôi nghe câu thơ ông tặng cha trong ngày mừng thọ cha 95 tuổi. Đa mang với nghiệp võ, con nối chí cha, cháu theo hướng ông, ở Bình Định, có một nhà võ như thế. Theo Lê Viết Thọ - Báo Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét