Có hai tính cách đối lập trong con người ông, sự khát khao mãnh liệt của một nhà kinh doanh và đức điềm tĩnh của một nhà sư. Bên cạnh tinh thần làm việc hết mình và không nản chí trước mọi khó khăn, Lê Phước Vũ đã giác ngộ, đưa triết lý nhà Phật vào cuộc sống với suy nghĩ “Sống và làm việc không phải cho mình mà là cho tất cả mọi người”. Ông không chỉ gây dựng Hoa Sen Group (HOSE: HSG) thành công vượt bậc mà còn trải lòng với xã hội qua nhiều việc làm có ích cho cộng đồng.
Khởi nghiệp
Ông sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo ở Bình Định. Dù phải dành thời gian và nỗ lực làm nhiều việc để mưu sinh khi theo học tại trường Trung cấp giao thông, ông vẫn đạt kết quả học tập xuất sắc và được giữ lại trường làm giảng viên sau khi tốt nghiệp – mơ ước của nhiều bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, Lê Phước Vũ đã từ chối bởi cơ chế đãi ngộ khó có thể cho phép ông đỡ đần gia đình. Ra trường, với đôi bàn tay trắng nhưng trái tim đầy ắp ý chí và nhiệt huyết, ông cùng gia đình khăn gói ngược phương Nam.
Hai năm đầu, Lê Phước Vũ làm việc cho một công ty vận tải ở Tây Ninh, thường xuyên chạy tuyến Sài Gòn – Vinh. Luôn phải xa nhà, tuyến đường nguy hiểm, kinh nghiệm đường trường chưa có, ông và gia đình vẫn phải sống trong khó khăn. Hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn đẩy vợ chồng ông lên Buôn Ma Thuật thử lập nghiệp. Nhưng hy vọng cũng nhanh chóng tàn lụi sau 2 tháng thay đổi. Trở lại Sài Gòn lần hai, thất bại không làm Lê Phươc Vũ nản lòng, trái lại, trước các thử thách, ý chí và khát vọng vươn lên trong ông ngày càng mãnh liệt.
Như sự sắp đặt của số phận con đường kinh doanh đến với Lê Phước Vũ hoàn toàn tình cờ. Ban đầu, ông được mời làm quản đốc Công ty Gỗ Đức Thành (tiền thân của CTCP Gỗ Đức Thành hiện nay, đang niêm yết tại HOSE với mã GDT). Trong thời gian này, ông tình cờ gặp gỡ Giám đốc một công ty thép nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Quý mến sự thật thà, tư chất thông minh và đặc biệt ý chí vươn lên mạnh mẽ của chàng trai Việt vị Tổng Giám đốc nọ gợi ý cho Lê Phước Vũ thử tự kinh doanh. Năm 1994, chỉ với 2 chỉ vàng trong tay - số tiền gia đình ông tích luỹ sau nhiều năm bôn ba, Lê Phước Vũ khởi nghiệp kinh doanh với một cửa hàng nhỏ bán tôn. Ông kể lại vẫn nhớ như in vào ngày 18/5/1994, vợ chồng ông nghẹn ngào, mừng tủi nắm trong tay số tiền lãi 650.000 đồng - Số tiền lớn nhất vợ chồng có được tính đến thời điểm đó qua 10 năm vất vả, bôn ba.
Tuy nhiên đến năm 1997, nhận ra cửa hàng kinh doanh tôn hoạt động không còn hoạt động hiệu quả, Lê Phước Vũ nghĩ đến chuyện sản xuất với việc mở một xưởng cán tôn. Bên cạnh việc mua máy móc thiết bị thanh toán trả góp, ông phải cạnh tranh với rất nhiều công ty khác, thậm chí nhiều lúc xưởng của ông ngấp nghé bở vực phá sản. Chính chữ “nhẫn” học từ Đạo Phật đã giúp Ông vượt qua những lúc khó khăn, yếu lòng. Dần dần, xưởng của ông thu hút được khách hàng, hoạt động kinh doanh ngày càng thuận lợi. Lê Phước Vũ tính chuyện mở rộng, thành lập thêm nhiều xưởng cán tôn khác. Trong thời gian đó, ông đã tìm cách tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau cũng như học hỏi các công nghệ sản xuất mới và kiến thức về quản trị kinh doanh.
Gặt hái thành công
Ngày 8/8/2001, Lê Phước Vũ thành lập Công ty Cổ phần Hoa Sen với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng, vỏn vẹn 22 nhân viên. Trước những khó khăn, thách thức từ nhiều đối thủ cạnh tranh có tiềm lực tài chính mạnh, ông đề ra chiến lược phát triển riêng của Công ty theo 4 điểm: Nâng cao chất lượng sản phẩm; Chăm sóc khách hàng tốt nhất; Mở rộng hệ thống phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng và Tập trung vào thị trường nội địa để dần khẳng định thương hiệu Hoa Sen trong ngành tôn thép tại Việt Nam. Luôn nhất quán với nguyên tắc kinh doanh trung thực của nhà Phật, ông phát triển Hoa Sen dựa trên 3 nền tảng giá trị cốt lõi: Trung thực - Cộng đồng - Phát triển. Vì đã từng là một nhà bán lẻ và thấu hiểu thị trường nội địa, ông nhận ra rằng phát triển hệ thống phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng mà không thông qua các đại lý là một hướng đi riêng cần mạnh dạn thực hiện dù Hoa Sen sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc.
Với khả năng lãnh đạo tài tình và chiến lược phát triển đúng đắn, rất nhanh chóng Hoa Sen đã phát triển lớn mạnh. Từ một công ty nhỏ, sau 9 năm thành lập, giờ đây Hoa Sen đã vững vàng với vị thế một Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam. Hiện tại Hoa Sen có với vốn điều lệ 1.008 tỷ đồng, tăng hơn 30 lần sau 9 năm hoạt động, đứng đầu ngành tôn mạ tại Việt Nam với 34% thị phần (gấp đôi doanh nghiệp đứng vị trí thứ hai trong 5 tháng đầu năm 2010). Không dừng ở đó, Lê Phước Vũ vẫn ấp ủ khát vọng tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của Hoa Sen Group những năm tới thông qua việc phát triển một loạt dự án: Xây dựng Nhà máy Tôn Hoa Sen – Phú Mỹ (một trong những nhà máy lớn có công nghệ hiện đại bậc nhất Đông Nam Á); Nhà máy Thép cán nóng Hoa Sen (để mở rộng quy trình sản xuất kinh doanh khép kín của Tập đoàn); Nhà máy Cán thép Xây dựng Hoa Sen (để phát triển đa dạng các sản phẩm thép); Nhà máy Ống thép Hoa Sen (chinh phục thị trường sản phẩm ống thép tại Việt Nam)... Bên cạnh đó, ông muốn đưa Hoa Sen vượt biên giới, phát triển thành một thương hiệu tầm khu vực, với các dự án đầu tư ra nước ngoài như dự án đầu tư nhà máy thép tại Myanmar...
Đâu là yếu tố đứng sau sự thành công của Hoa Sen? Chìa khoá nằm ở định hướng phát triển rất riêng của Tập đoàn dựa trên các kinh nghiệm của người thuyền trưởng tài ba đúc rút ra trong thời gian kinh doanh trực tiếp. Chẳng hạn, Hoa Sen chú trọng xây dựng hệ thống phân phối riêng, từ 3 chi nhánh vào năm 2001 lên 87 chi nhánh vào giữa năm 2010. Đây được xem là hệ thống bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng có quy mô và hiệu quả nhất hiện nay trong ngành Tôn- Thép Việt Nam. Hệ thống này một mặt sẽ phát huy hiệu quả, tối đa hoá lợi nhuận cho Tập đoàn trong điều kiện kinh doanh bình thường và giúp Hoa Sen nhanh đẩy lượng hàng tiêu thụ thu tiền về trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động. Bên cạnh việc kết hợp hệ thống bán lẻ với chiến lược chi phí sản xuất thấp nhất (xây dựng quy trình sản xuất kinh doanh khép kín) hệ thống phân phối đã giúp Hoa Sen tạo ra lợi thế tuyệt đối so với các đối thủ cạnh tranh. Điều này đã được chứng minh qua việc Hoa Sen đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu trong niên độ tài chính 2008 – 2009 nhanh hơn bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào.
Thành công của Lê Phước Vũ và Hoa Sen Group đã được chứng minh qua hàng loạt giải thưởng cho Tập đoàn và cá nhân ông như: Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt liên tiếp từ năm 2005 đến 2009; Top 10 thương hiệu Việt Nam trong hội nhập quốc tế năm 2009; Doanh nhân Sài Gòn Tiêu biểu từ năm 2006 đến 2009 và rất nhiều giải thưởng danh giá khác. Luôn trung thành với triết lý sống “Khi đồng tiền mình làm ra được dùng đúng đạo nghĩa thì hạnh phúc ấy thuộc về người cho chứ không phải người nhận”, bên cạnh việc thành công chốn thương trường, ông luôn quan tâm đến sự phát triển của đất nước và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua các hoạt động xã hội thực tế và các chương trình từ thiện.
ông la một thân tượng cua tôi !
Trả lờiXóaChú ơi xin hãy cứu con
Trả lờiXóa