Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Nón Ngựa Phú Gia, Cát Tường

Tôi sinh ra ở Thôn Chánh Lạc, Phú Gia là quê ngoại. Ở thôn Phú Gia (Cát Tường, Phù Cát), hầu hết phụ nữ đều biết làm nón. Hình ảnh thường thấy là các bà, các chị, các em nhỏ cặm cụi bên những mê sườn nón. Tuy nhiên, cũng có những người đàn ông đam mê nghề này chẳng kém phụ nữ. Một trong số ít những người đó là ông Lan, chủ cơ sở nón ngựa Đỗ Văn Lan.
Nón ngựa được đan bởi 3 lớp nang chồng lên nhau, bằng những sợi giang chuốt nhỏ như sợi chỉ. Đan lớp nang thứ nhất gọi là đan sườn mê, tạo thành những hình lục giác. Lớp nang thứ hai được đan theo chiều dọc, chạy thẳng từ chóp xuống vành. Lớp nang thứ ba được đan vòng tròn quanh nón.
Không phải đến bây giờ, ông Đỗ Văn Lan, 63 tuổi, một nông dân ở thôn Phú Gia, mới được nhiều người biết đến. Ông đã “lên” VTV1 trong mục “Điểm hẹn văn hóa” để nói về làng nghề truyền thống quê mình. Ông cũng đã được mời đi hội chợ khắp trong Nam ngoài Bắc để đại diện cho người dân Phú Gia biểu diễn cách làm nón và trưng bày sản phẩm nón ngựa nổi tiếng của làng mình. Nhà ông thường được các Công ty du lịch đưa khách về tham quan. Năm ngoái, cơ sở nón ngựa của ông đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng ghé thăm. Sản phẩm nón ngựa từ cơ sở sản xuất của ông được trưng bày ở một số đình, đền thờ, bảo tàng trong tỉnh.
Vậy nên, nếu có câu hỏi vì sao công việc làm nón, vốn gắn liền với hình ảnh người phụ nữ, lại được biết đến qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các lễ hội, phần nhiều qua một người đàn ông, thì câu trả lời là: Ông Lan là chủ cơ sở sản xuất nón ngựa đẹp có tiếng và có truyền thống lâu đời ở Phú Gia, là một trong số rất ít những người đàn ông ở Phú Gia hiểu biết, gắn bó và đam mê với nghề làm nón ngựa, và là 1 trong 7 người của thôn là hội viên của Hiệp hội làng nghề Việt Nam.
Thường, ở làng nghề này, người đàn ông cáng đáng công việc nặng nhọc của nhà nông, phụ nữ tranh thủ thời gian nông nhàn trong ngày để chằm nón. Nhưng ông Lan không chỉ vậy. Ngoài lúc ra ruộng, ông lại say mê bên những mê sườn nón, tỉ mẩn từng đừng kim mũi chỉ bởi tình yêu tha thiết đối với chiếc nón ngựa quê mình. Tình yêu đó được hun đúc bằng truyền thống gia đình, như lời kể đầy tự hào của ông: “Theo như tôi biết, nhà tôi có 5 đời làm nón. Ông cố tôi, ông nội tôi, cha tôi và giờ đến tôi đều làm nón khéo. Nhà tôi hiện có 7 người làm nón, ngoài vợ chồng tôi còn có 4 con gái và 1 con rể”.
 
Ông Đỗ Văn Lan với chiếc nón gia bảo có tuổi đời nửa thế kỷ (bên trái) và chiếc nón trảng theo mẫu truyền thống nhưng “ngoại cỡ” (bên phải) do ông đang làm.
Ông Lê Quang Công, Phó chủ tịch UBND xã Cát Tường, nhận xét: “Trong thôn Phú Gia chỉ có vài ba người là đàn ông biết làm nón ngựa và ông Đỗ Văn Lan là người có tay nghề khá nhất, có khi phụ nữ cũng không bằng. Ông hiểu biết nhiều về lịch sử của chiếc nón ngựa và cũng khá nhạy bén trong việc sáng tạo ra những mẫu họa tiết mới”.
Nhưng chuyện mới nhất về ông Đỗ Văn Lan là chuyện ông đang làm một chiếc nón ngựa đặc biệt để đặt tại Nhà trưng bày sản phẩm nón ngựa Phú Gia (vừa khánh thành đầu tháng 7 này) ở làng mình. Liên quan đến chiếc nón đặc biệt này có nhiều chi tiết đáng nói và độc đáo.
Đầu tiên là chuyện ông Lan làm chiếc nón này một cách tự nguyện, nghĩa là tự bỏ công bỏ của ra làm nón. Lòng yêu quý nghề truyền thống quê mình và ước mong nó ngày càng thịnh vượng, cùng với “chất xúc tác” là Nhà trưng bày hình thành chính là động lực để ông Lan bắt tay làm chiếc nón ngựa này.
Nói bỏ công bỏ của là bởi, chiếc nón này “ngốn” của ông khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Ông Lan bắt đầu làm chiếc nón từ cách đây một tháng rưỡi và hiện đang trong công đoạn cuối cùng là chằm. Vì bận việc đồng áng nên ông chỉ làm vào lúc rảnh rỗi. Còn nếu dành toàn bộ thời gian chuyên tâm cho việc làm nón thì sẽ mất khoảng 25 ngày, tức gấp 8 lần thời gian so với làm một chiếc nón ngựa thường. Chi phí để làm nón dự kiến khoảng 2,5 triệu đồng, trong đó phần nhiều tiền nhất là chụp bạc trên chóp nón, do ông Lan mua lại từ những người buôn bán đồ cũ (lấy từ những chiếc nón ngựa xưa còn lại) với giá 1,8 triệu đồng. Chiếc nón được làm theo đúng mẫu truyền thống, để khi trưng bày thì để người dân làng thế hệ hôm nay và mai sau cùng du khách biết được hình hài chiếc nón ngựa truyền thống là như thế nào.
Nhưng làm sao biết cái nón ngựa ngày xưa thế nào? “Tôi nghe ông bà mình kể lại rằng hồi xưa nón ngựa có hai loại. Loại khuôn nón trủm, tức giống chiếc nón bình thường bây giờ, dành cho người dân đội. Loại khuôn nón trảng, tức lòng nón không sâu như nón thường, kích thước vành nón rộng hơn nón trủm chừng 20%, trên chóp có gắn chụp bạc, có ngù ở trên, dành cho quan lại đội”.
Kinh nghiệm làm nón ngựa lâu năm và một chiếc nón “gia bảo”, là kỷ vật của mẹ ông để lại, chính là những “khuôn mẫu” để ông Lan bắt tay làm chiếc nón này.
Chiếc nón kỷ vật của người mẹ đã khuất mà ông Lan lấy làm mẫu là một chiếc nón ngựa đã ngả màu, nhưng vẫn còn rất chắc chắn. Vành cứng, chỉ thêu còn nguyên màu, rõ hoa văn, chữ nghĩa, lá chưa sờn. Và điều bất ngờ nằm ở chỗ, chiếc nón này có tuổi đời đúng nửa thế kỷ, trong đó thời gian nó được sử dụng liên tục là 45 năm. Ông Lan kể: “Cái nón này do cha mẹ tôi cùng làm và mẹ tôi đã đội nó trong suốt 45 năm. Sau khi mẹ tôi mất cách đây 5 năm, tôi để nó trên bàn thờ mẹ và bây giờ thì mượn để làm mẫu cho chiếc nón này”. Ông Lan cho biết, bí quyết để chiếc nón trên trường tồn cùng thời gian nằm ở chỗ: Tất cả các nguyên vật liệu làm nón, từ giang, rễ dứa rừng đến lá kè mỡ đều được lấy vào đúng mùa của nó, tức cuối đông đầu xuân, thì nón sẽ bền hơn nón loại bình thường vài năm. Mặt khác, các công đoạn làm nón phải đúng quy trình và kỹ càng.
Chiếc nón để trưng bày mà ông Lan đang làm là loại nón khuôn trảng và tuân thủ đúng các chi tiết nón ngựa ngày xưa. Nón cũng được làm từ 3 lớp nan với các họa tiết sắc sảo thêu bên trong, gồm tứ linh long - lân - quy - phụng cùng 2 câu đối chữ Hán “Phước như Đông Hải - Thọ tỉ Nam Sơn”. Việc làm nón do một mình ông đảm nhiệm, từ khâu đầu đến khâu cuối, trong đó có những công đoạn tưởng chỉ phụ nữ mới làm được như thêu các họa tiết đều do ông Lan chính tay thực hiện. Vì là nón để trưng bày nên ông Lan quyết định làm chiếc nón này to hơn nón bình thường, đường kính vành nón là 85cm.
Ông Lan cho biết, sau chiếc nón trảng này, này ông sẽ làm chiếc nón trủm cũng có kích thước “ngoại cỡ” như vậy, và nhiều nón khác nữa, để đặt tại Nhà trưng bày sản phẩm làng nghề quê mình.

Ông Lan có thể nói rành rẽ về lịch sử, đặc điểm chiếc nón ngựa cũng như các công đoạn, quy trình làm nón ngựa. Trong ảnh: Vợ chồng ông Lan cùng làm nón.
Toàn xã Cát Tường hiện có trên 400 hộ làm nón, trong đó tập trung chủ yếu ở thôn Phú Gia với gần 300 hộ làm, và non 1/3 trong số này chuyên làn nón ngựa. Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và được chọn là 1 trong 13 làng nghề của cả nước xây dựng mô hình Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam. Mỗi phiên chợ, có chừng 800 chiếc nón ngựa Phú Gia được xuất đi các tỉnh thành khắp cả nước để phục vụ đời sống hoặc bán cho khách du lịch làm quà lưu niệm.
Trong sự phát triển của làng nghề nón ngựa Phú Gia hôm nay, không thể không nói đến sự đóng góp của cơ sở sản xuất nón ngựa Đỗ Văn Lan. Nón ngựa do cơ sở ông Đỗ Văn Lan làm ra đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2010. Trước đó, ông Lan cùng một số người trong làng cũng được mời tham dự Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, các festival, hội chợ ở Huế, Quảng Nam, Bến Tre. Đến bây giờ, đơn hàng đáng nhớ nhất của ông Lan là 10 chiếc nón ngựa, do một nữ du khách trẻ tuổi người Pháp đặt để mang về nước làm quà lưu niệm, với giá 3 triệu đồng, sau khi tham quan cơ sở sản xuất.
Sau khi Nhà trưng bày sản phẩm nón ngựa Phú Gia, với sự hỗ trợ kinh phí xây dựng từ UBND tỉnh và vốn của UBND huyện Phù Cát, hoàn thành, ông Đỗ Văn Lan đã được Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ Bình Định (Sở LĐ-TB&XH) mời làm giáo viên cho lớp dạy nghề làm nón ngựa Phú Gia đầu tiên của tỉnh, tổ chức ngay tại Nhà trưng bày, với sự tham gia của 35 học viên thuộc diện hộ nghèo trong thôn.
Tiếp xúc với ông Đỗ Văn Lan, có một điều mà ai cũng có thể cảm nhận được, đó chính là lòng tâm huyết với nghề truyền thống quê mình. Bởi ông là một truyền nhân của gia đình có 5 đời làm nón ngựa ở Phú Gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét