Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

ĂN HÀNG SÀI GÒN



Blog này chuyên về Bình Định Quê Tôi. Nhưng bài này viết về Tp. HCM cho các bạn từ Bình Đ
ịnh cũng như từ các tỉnh khác muốn ăn hàng tại các quán độc ở Tp này, đây là bài viết tổng hợp các quán ăn độc & chảnh ở Sài Gòn. Độc - chảnh nhưng ngon và mang đậm phong cách ăn hàng Sài Gòn. Những quán này gâp nhau ở một điểm chung là không lớn lắm, không tên nhưng rất đông khách, giá không rẻ - không đắt, phục vụ không tốt, nếu không muốn nói là phục vụ theo kiểu đuổi khách, nhưng được cái là món ăn rất ngon, khác với những quán thông thường.

Bánh Đúc: Quán cóc bán bánh đúc ở số 116/11 Phan Đăng u, quận Phú Nhuận. Nếu chạy xe từ quận 1 lên đường PĐL, thì vừa qua ngã 4 Hoàng Hoa Thám, hẻm này nằm bên tay phải. Khi còn là sinh viên học trường nghiệp vụ Du Lịch gần đó vào năm 2000, thằng bạn thân rủ chiều về ăn bánh đúc nhé! Trong đầu tôi nghĩ bánh đúc có gì đâu mà phải đi ăn???, vì khi còn ở Qui Nhơn món bánh đúc không có trong danh sách ăn hàng ưa thích của tôi như: bánh mì, bánh bèo, bánh xèo, bánh canh chả cá, phở chả cá...viết đến đây, bổng thèm, muốn bay về Qui Nhơn liền quá! Nhưng khi cầm chén bánh đúc Sài Gòn nóng hổi trên tay, tôi hoàn toàn thay đổi ấn tượng về món ăn dân dã này. Bánh đúc nóng được khéo léo múc vào chén, thêm vào nhân là thịt băm xào với nấm mèo, hành tây và hành phi. Cầm một chén bánh đúc nóng, thêm vào nước mắm và ớt xay nữa, vậy là đã đủ thấy vị giác cồn cào. Khi đã đi làm, có dịp chạy qua đường này đúng giờ bán từ 3 giờ chiều đến 6 giờ chiều, dù no hay đói, tôi đều ghé vào ăn. Bánh mềm, nhân thơm, nước mắm ngon...tất cả hòa quyện thật nhuần nhuyễn, đến nỗi khó mà phân biệt được rõ ràng vị ngon đến từ đâu. Lúc trước, quán còn bán ở đầu hẻm, mỗi người ngồi trên một ghế nhựa thấp - đặt trưng kiểu ăn hàng Sài Gòn. Bây giờ quán đã dời vào bên trong và có thêm các món như bánh rán, bánh ít trần, ốc len xào dừa, nước mía...Quán bán từ 3-6 giờ chiều và gần như lúc nào cũng đông khách. Nhưng dù khách đến vào lúc đông hay vắng khách cũng không có ai đến tiếp hay hỏi xem khách ăn gì?! Khách phải thường xuyên giơ tay lên và hét toáng "cho tôi 2 hoặc 3, 4 phần bánh đúc" cho đến khi nào bắt gặp gương mặt của một trong những người phục vụ lạnh lùng liếc xéo thì khách mới có thể yên tâm rằng trong khoảng 10 phút nữa mới có bánh ăn. Một chén bánh đúc bây giờ là 20,000 đ.

Quán ốc Kỳ Đồng: (ở góc đường Trương Định - Kỳ Đồng) nổi tiếng khá ngon nhưng bạn đừng mơ được phục vụ chu đáo. Khách vào không có ai tiếp, kêu rát cổ mới có người đến hỏi và phải ngồi chờ đến lúc không chịu nổi phải la vài lần "thức ăn của tôi đâu?" mới hy vọng có người nhớ mang ra. Khách nào không chờ nổi, giận quá bỏ về, quán cũng chẳng ai quan tâm!


Chè gần chợ Tân Định, quận 3
(
góc đường Nguyễn Hữu Cầu – Nguyễn Phi Khanh): Tôi vẫn còn nhớ khi ở Qui Nhơn, thỉnh thoảng lớp tôi có đi ăn chè trên đường Trần Phú, Nguyễn Công Trứ. Ly chè thập cẩm đá thật ngon, làm mát dịu những trưa hè nắng như thiêu đốt của một thành phố Miền Trung. Thời sinh viên còn ở trọ trên đường Lý Chính Thắng, chạy xe đạp đi học bên Phan Đăng Lưu, có đi tắt qua khu chợ Tân Định, tôi thường thấy một xe chè rất đông khách, nên cũng ham vui ghé lại ăn. Bây giờ, giới thiệu người quen đi ăn đều bị nhận phản hồi kiểu “địa điểm quá ghê, chủ quán quá chảnh, nhưng chè thì quá ngon”. Quán chỉ bán từ giữa trưa đến xế chiều. Đến trước 11 giờ sáng hay sau 5 giờ chiều thì chỉ thấy một chiếc xe sơn màu đỏ nằm chỏng chơ trên lề, nép sát tường. Khoảng 11 giờ 30, ông chủ chè mới đến, nhích cái xe ra, bày ra mặt xe bọc inox các hũ thuỷ tinh đựng đầy các loại đậu: xanh, đỏ, đen, sương sa, hột lựu… Bao nhiêu năm rồi mà “đồng hồ sinh học” của ông chủ và cái xe chè vẫn không thay đổi. Khách ăn chè không biết nhà ông chủ ở đâu, gần hay xa cái xe chè. Không ai hỏi hay vì mỗi khi bày hàng bán, khách đông nườm nượp, thấy ông làm luôn tay, nên không ai có thể chờ ông rảnh tay mà hỏi. Khách đông hay thưa thì ông chủ cũng múc chè một kiểu một: từ từ, dứt khoát, không nói không rằng, chẳng hỏi cũng không ừ hử… Có lẽ vì vậy mà chủ quán bị người ta cho là “chảnh”. Không gì thú vị bằng việc tìm chút vị mát lạnh của đá bào nằm trên ly chè đậu xanh, khi thì tận hưởng vị béo ngậy của nước cốt dừa trong ly chè đậu đen, ngày nóng thì làm một ly sương sa hột lựu đỏ hồng lẫn trong thạch, buổi se se thì tìm vị bùi ngây ngậy của hạt đậu đỏ. Ngày nào không biết mình thích gì thì gọi rõ to “cho một ly ba màu”. Nhưng nếu bữa nào có đậu đỏ thì dứt khoát phải ăn chè đậu đỏ. Có trăm ngàn lời để diễn tả cảm giác hoặc vị giác khi ăn một miếng ngon. Nhưng có đôi khi ăn một miếng ngon mà chỉ có thể nói vỏn vẹn một từ “ngon”. Không thể (chứ không phải khó thể) lý giải tại sao “ngon” hay diễn giải ra sự khác biệt về cách đánh giá tiêu chuẩn “ngon” giữa ly chè đậu đỏ ở đây với nơi khác. Nhìn chủ quán chảnh không???
Bánh Canh Cua Nguyễn Văn Giai: Những ai ở khu vực chợ Đa Kao đều biết đến quán cóc bán bánh canh cua, giò heo ở 65 Nguyễn Văn Giai, quận 1 (đường ra Cầu Sắt cũ, từ Đinh Tiên Hoàng rẻ vào). Bánh canh của ông Ba bán rất ngon nhưng chỉ bán trong thời gian 45 phút từ 15giờ 15 đến 16g. Nếu bạn đến trước 5 phút thì hãy... chờ đi. 15g10 quán mới bày bàn ghế ra và chỉ có chưa tới 20 ghế con. Lúc đó bạn phải tranh thủ lấy mộ t cái. Nếu không, sẽ phải đứng mà ăn! Bánh canh ở đây có hai loại: bánh canh giò heo, móng 7.000 đồng/tô và bánh canh cua 20.000 đồng/tô. Nhưng bánh canh cua chỉ có trong 15 phút đầu là hết sạch. Hỏi ông sao bán ít thế, không làm nhiều bán thêm? Ông Ba nhướn mày hỏi lại: "Bán chi? Nhiêu đó đủ rồi. Làm nhiều thêm ai nhổ lông cho kịp?". Thật là chảnh hết biết!!!
Quán Chay hẻm 235/3 Nam Kỳ Khởi Nghĩa: Từ quận 1, quận 3 chạy về hướng sân bay, vừa qua ngã 4 Lý Chính Thắng, quẹo trái đó là hẻm 235. Khi còn là sinh viên, tôi ở trọ sâu trong hẻm này. Quán chỉ bán từ 21-22g!!! Cái giờ mà đa số người dân chuẩn bị lên giường. Quán bán đồ ăn chay (bì cuốn, bún măng, mì xào và bánh canh chay) khá ngon. Thời đó giá chỉ có 4.000 đồng/tô, nhưng mấy tháng tôi mới dám ăn một lần. Có lần một khách hàng "lỡ dại" đến trước 15 phút, thấy người cháu gái phụ bán đã bày bàn ghế ra, khách… xin phép ngồi chờ đến đúng giờ sẽ ăn. Nói chưa dứt câu đã bị bà chủ quán xua tay đuổi như đuổi tà: "Cô cậu đi đi, đi đâu đó chơi rồi chút quay lại, giờ tôi chưa bán đâu, mới về còn mệt lắm". Ấy vậy mà có hôm đến 21g15 quán vẫn chưa mở cửa, mọi người bảo nhau chờ chút vì hôm nay ngày rằm, bà chủ quán đang bận tụng kinh chưa xong (?!).
Cơm Tấm Ba Ghiền: số 84 Đặng Văn Ngữ, đi đường Lê Văn Sĩ,đt: 08. 3 846 1073, hướng từ quận 3 lên thì quẹo vào bên tay phải nhà thờ, vào khoản 50 m, quán nằm bên trái, đối diện Trường THPT Phú Nhuận. Tôi có dịp ra Bắc, vào Nam và về Trung, ăn cơm tấm nhiều nơi, nhưng không có nơi nào có miếng thịt sường to và thơm ngon như ở nơi đây. Lần đầu đến quán này khoảng năm 2000, tôi ấn tượng với các thau thịt sường ướp rất to (Loại thau giặt đồ lớn, phải hai người khiêng). Miếng sường to, nhưng cơm lại tí tẹo, cảm giác như phần cơm chỉ bằng một nữa miếng thịt. Khi còn là sinh viên, kêu 4 đĩa cơm thêm vẫn còn thấy thèm. Lúc bấy giờ giá khoảng hơn 10,000 đ/ 1 đĩa, bây giờ thì gần 50,000 đ/ 1 đĩa và tôi có cảm giác miếng thịt càng ngày càng teo lại. Nhưng vẫn còn rất to so với những quán khác. Sường ở đây được ướp rất thơm, ngon, miếng thịt mềm và rất ngọt, quán rất đông khách và cũng rất chảnh. Tôi được nghe rất nhiều lời phàn nàn về cung cách phục vụ từ thực khách ở đây - nhưng quán vẫn đông...
Thâu, dẫy ngheng, đi ăn hàng nữa rầu về viết tiếp!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét