Khi lớn lên tại Bình Định, tôi thường nghe câu hát:
Chiều chiều én liệng Truông Mây,
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.
Hay: cảm thương chàng Lía bị vây giữa dòng.
Và khi có đám tang, người ta di chuyển quan tài thường có một người, đứng trên quan tài gõ 2 cây gậy để điều khiển nhóm khiêng quan tài, tiếng địa phương gọi là Ông Chóp Kích??? Có người nói rằng, đây là biểu tượng của chàng Lía???
Truông Mây có tên nữa là Hóc Sâu, ở xã Ân Đức, huyện Hoài Ân. Truông chạy từ thôn Phú Nhuận ở phía Bắc đến thôn Vĩnh Hòa ở phía Nam, dài độ vài ba cây số. Hai bên mây mọc thành rừng, gai góc tua tủa. Cho nên gọi là Truông Mây.
Phía Đông, nhánh sông Kim Sơn chảy từ Nam ra Bắc, cuồn cuộn lục lìa. Phía Tây núi non trùng điệp, và hòn Núi Một tách ra đứng sừng sững bên truông.
Quang cảnh man dại. Người cứng bóng vía đến đâu, lúc gió chiều sương sớm quạnh quẽ hắt hiu, một mình đi ngang qua cũng cảm thấy rờn rợn. Lại thêm nhiều cọp. Cho nên hành khách ít dám qua lại, ngày nay cũng như ngày xưa, thời bình cũng như thời loạn.
Ít người qua lại, nhưng ở Bình Định không mấy ai không biết đến Truông Mây. Đó là nhờ Chàng Lía.
Chàng Lía, hay Chú Lía, là ai?
Là một hiệp sĩ áo vải, sống vào thời chúa Nguyễn (không biết chắc chắn thời Chúa nào). Cha là người huyện Phù Ly, ở gần "miền Bích Khê". Mẹ là người Phú Lạc, huyện Tuy Viễn. Lía mồ côi cha. Mẹ đem về nuôi ở quê ngoại. Lớn lên cho ở chăn trâu cho một phú hộ trong miền.
Lía rất thương mẹ. Đến ở nhà người, nhưng tối nhất định trở về với mẹ. Và những lúc ra đồng, vào rừng, hễ bắt được con cá con chim đều để dành về dâng cho mẹ. Những khi không bắt được chim cá, thường bắt trộm gà vịt ở các thôn xóm xa, làm thịt mang về, nói dối rằng vịt nước, gà rừng. Nhiều lần, bà mẹ sinh nghi, không chịu ăn, gạn hỏi:
- Bắt trộm của ai?
Lía năn nỉ:
- Thấy mẹ khổ, Lía kiếm về nuôi mẹ. Mẹ ăn đi cho Lía vui lòng.
Bà mẹ nhất định không ăn thì Lía chui đầu vào lòng khóc đến lúc mẹ chịu ăn mới thôi. Bà mẹ giận thì Lía xin chừa. Nhưng rồi thỉnh thoảng vẫn đem về không chiếc đùi gà thì cũng nửa chân vịt.
Lía trông không có gì khác chúng bạn. Thân vóc cũng không có gì vạm vỡ, song sức mạnh thật phi thường. Mỗi lần gây sự đánh nhau, Lía chấp hàng vài ba chục trẻ em đồng lứa. Những khi hai trâu báng lộn, một mình Lía nắm một đuôi trâu, cả bọn mục đồng nắm một đuôi, kéo lui ra không cho báng. Lúc nào trâu của Lía cũng bị kéo lui xa hơn. Bởi thế bọn mục đồng đều khiếp sợ Lía. Lía bảo gì phải nghe theo nấy, không ai dám cãi, cũng không ai dám tỏ ý bất bình.
Một hôm cao hứng, Lía bảo bọn trẻ vật một trâu nghé của Lía chận, xẻ thịt thui ăn. Ăn xong sai đem tất cả da xương và lông lá vào rừng chôn dấu kỹ, chỉ để lại đuôi trâu. Lía lấy đuôi cắm xiên xiên xuống đất, rồi khuân một tảng đá to lớn đè lên trên, chừa ló mỏm chót với chòm lông đen. Đoạn chạy về nhà báo cùng chủ:
- Trâu đương ăn, bỗng rống lên một tiếng, rồi chui tuột xuống đất. Chúng tôi nắm đuôi kéo không lên.
Chủ nhà lật đật chạy ra xem. Thấy đuôi trâu, nắm kéo thử, nhưng mắc cứng nhổ không ra. Hỏi đoàn mục đồng, chúng đều nói theo Lía. Sau dò biết được sự thật, chủ nhà tức mình đuổi Lía ra khỏi nhà.
Lía về ở cùng với mẹ. Thấy mẹ làm lụng đầu tắt mặt tối, mà tháng ngày vẫn hụt trước thiếu sau, bèn lén đi bẻ bí trộm, đào khoai trộm… đem về giúp mẹ. Bà mẹ rầy rà mãi không được. Mong nhờ chữ nghĩa thay đổi tánh tình, bà cho Lía đi học. Lía học rất tối, lại hay gây gổ, đánh đá bạn bè. Thầy dạy mãi không được, phải đuổi ra khỏi trường.
Sợ mẹ không dám về nhà, Lía đi lang thang trong rừng. Chợt thấy một lão trượng đương đánh cùng cọp. Lão trượng râu tóc bạc phơ, nhưng diện mạo quắc thước, tay kiếm lanh như chớp. Còn cọp là một vện tàu cau, vừa lớn vừa dữ. Hai bên đánh nhau cả buổi vẫn không bên nào chịu nhượng bên nào. Rồi hai bên đều dừng lại, đứng thủ thế ghìm nhau. Lía đi lẻn ra phía sau lưng cọp, thình lình nhảy bổ tới, tay ôm cổ, chân kẹp hông. Cọp thất kinh nhào lộn mấy vòng, nhưng Lía đeo cứng không sao hất ra nổi. Cọp thất thế, vuốt không dùng được, nanh không dùng được, chỉ cố sức vùng giãy để thoát thân. Cọp càng vùng giãy, Lía càng siết chặt. Cọp nghẹt thở, lần lần đuối sức rồi tắt hơi. Lão trượng vui mừng đến hỏi. Lía thưa rõ lai lịch. Lão trượng tỏ ý muốn đem về nuôi. Lía hớn hở đưa về xin phép mẹ. Bà mẹ làm lễ rồi gởi con cho lão trượng. Lão trượng để cọp lại cho mẹ Lía xẻ thịt bán làm vốn nuôi thân và dắt Lía lên núi.
Lão trượng vốn là một võ tướng của nhà Lê. Vì chán họ Trịnh, ghét họ Nguyễn, bỏ quan về ở ẩn. Lão trượng dạy Lía võ nghệ. Lía học văn thì tối, mà học võ lại rất sáng. Học đâu thuộc đó. Học quyền xong, học sang kiếm, côn… Môn nào cũng tinh nhuệ. Lía lại tự luyện được phép phi thân, đứng đỉnh núi này nhảy sang đỉnh núi kia một cách dễ dàng như nhảy qua khe suối. Lại có thể đứng dưới đất nhảy lên đọt cây cao đứng như con chim, rồi nhảy xuống nhẹ nhàng như một chiếc lá rụng.
Lía ở núi hơn năm năm. Sau khi lão trượng qua đời thì trở về cùng mẹ. Lúc bấy giờ Lía đã trưởng thành, thường ngày lên núi kiếm thịt về nuôi mẹ. Nhưng tánh khí ngang tàng, không chịu nổi những cảnh bất công trong xã hội, nên thường can thiệp vào việc người. Bọn cường hào, ô lại rất ghét, nhưng sợ không dám làm gì.
Một hôm, một tên lính nha về làng, cậy thế hiếp đáp dân chúng, Lía nổi giận đánh chết. Bọn cường hào được dịp trả thù, liền đi báo quan. Quan cho lính đến vây nhà bắt. Biết rằng không thể ở quê nhà được nữa, Lía bèn cõng mẹ, nhảy chuyền từ nóc nhà này sang nóc nhà nọ, chạy ra bờ sông Côn, nhảy sang qua Phú Phong, đi thẳng vào núi xanh trú ẩn.
Vào núi, Lía gặp một đoàn lục lâm mời làm chúa. Lía sai sửa sang thành Uất Trì (còn gọi là Thành Lía) của Chiêm Thành ở Bá Bích làm sơn trại. Ngày ngày, Lía và đám lâu la kéo nhau đi ăn cướp, dân tuần, lính canh không chống nổi, ai nấy đều khiếp sợ. Nhiều nhà giàu thuê võ sĩ đến giữ tài sản nhưng tất cả xa gần đều thất đảm mỗi khi bọn Lía đến. Vì tay côn của Lía mỗi khi vung ra thì hàng nghìn người phải ngã quỵ, không một võ sĩ nào có thể chịu nổi một roi. Bởi vậy tiếng tăm của bọn Lía lừng lẫy khắp nơi. Không ai còn dám lãnh giữ của mướn, và bọn Lía đến đâu, không ai dám chống cự.
Nhưng không bao giờ Lía lấy của những người không dư ăn dư để, mà chỉ lấy của những nhà giàu, nhất là nhà giàu bất nhân thất đức. Lía lại đặt ra lệ:
- Nếu chủ nhà biết điều đem của ra dâng, thì bọn Lía lấy hai phần để lại cho chủ một phần. Vàng bạc, lúa thóc cũng như bò trâu heo dê. Bằng kháng cự thì bị đánh lấy hết. Nếu đi báo quan để cầu cứu, thì nhà cửa bị tiêu tan, có khi còn bị thiệt mạng.
- Những của cướp được, đem về trại một phần, còn bao nhiêu đem phân phát cho người nghèo khó, trước hết là người trong địa phương bị cướp.
Bởi vậy, chỉ có nhà giàu oán bọn Lía mà thôi.
Lại thêm, chẳng những Lía ăn cướp của nhà giàu, đem san sẻ cho nhà nghèo, mà còn luôn luôn bênh vực, che chở cho những kẻ yếu thế bị hà hiếp. Nhiều tên cường hào, nhiều tên tham quan ô lại bị xẻo mũi cắt tai, hoặc bị bể đầu vỡ mặt.
Kẻ cầm quyền tìm đủ mọi cách để trừ khử bọn Lía, song nơi sào huyệt thì không dám vào vì núi khe hiểm trở, một vào không còn mong ra. Còn những khi có vụ cướp xảy ra, hễ quan quân hay tin kéo đến, thì bọn Lía đã đi rồi. Đôi lúc gặp được lại chỉ thêm khổ cho quân lính mà thôi, vì phần thì ngọn roi của Lía vương nhằm ai thì không còn mong sống, phần thì đồng bào tìm cách ủng hộ ngấm ngầm… không tài nào bắt được. Cuối cùng phần ai nấy lo!
Lía vào Bá Bích được ít lâu thì bà mẹ tạ thế. Không nỡ để mẹ nằm nơi quê người, Lía quyết đem di hài về chôn ở Phú Lạc. Nhưng chôn ở đồng bằng, sợ về thăm viếng bất tiện, lại sợ bọn cường hào manh tâm xâm phạm đến phần mộ, Lía bèn chọn đỉnh Trưng Sơn. Trưng Sơn ở Bắc Ngạn sông Côn, cách sơn trại của Lía chừng năm, sáu cây số đường thẳng, xiên xiên về hướng Tây Bắc. Để đưa mẹ về, Lía đội quan tài lên đỉnh núi Chớp Vàng ở phía ngoài sơn trại. Một tay đỡ quan tài, một tay cầm chiếc mâm đồng ngắm về hướng Trưng Sơn, ném mạnh. Mâm đồng vút bay, Lía đội quan tài nhảy theo đứng trên mâm, rồi lấy thế nhảy vọt một nhảy nữa đến Trưng Sơn. Chôn cất mẹ xong, Lía khuân một tảng đá to đặt lên trên mộ để giữ nắng mưa, và kê hai thớt đá nhỏ lên nhau ở bên mộ để ngồi khóc mẹ.
Mẹ mất rồi, Lía buồn bỏ Tuy Viễn ra Phù Ly thăm mộ cha rồi thẳng đường đi thẳng ra phía Bắc. Một đoản côn, một khăn gói, lang thang hết Phù Ly đến Bồng Sơn.
Một buổi chiều Lía đi ngang qua Truông Mây. Tứ bề vắng lặng. Thấy đại thế hiểm yếu, dừng chân ngắm nhìn. Bỗng một toán cướp, kẻ hèo người mác, từ trong rừng kéo ra đó đường:
- Muốn qua truông, phải để khăn gói xuống.
Lía cười:
- Ai đời ăn cướp lại giựt của ăn cướp bao giờ.
Bọn cướp không thèm đáp, áp tới đánh, Lía đưa nhẹ cây đoản côn ra đỡ. Mấy tên ngã lăn. Mấy tên khác xông vào, cũng bị gạt ngã lăn nữa… Chúng thất kinh chạy lên núi báo cùng chủ trại.
Chủ trại là hai tên cướp nổi danh, tục gọi là cha Hồ và chú Nhẫn. Cha Hồ, Chú Nhẫn nghe báo liền vác đại đao xuống núi. Trông thấy tướng mạo của Lía tầm thường, vóc vạc lại không lấy gì làm cao lớn, cha Hồ, chú Nhẫn chê không xứng tay… Lía nổi xung đánh một côn. Cha Hồ đưa đao lên để thì đao văng. Chú Nhẫn tiếp đánh. Lía hất đao co chân đá lăn cù. Cha Hồ chú Nhẫn thất kinh! Hỏi ra, biết là Lía, mừng rỡ đó lên sơn trại, mở tiệc chung vui. Lía cho biết việc mình. Cha Hồ, chú Nhẫn liền tôn lên làm đệ nhất trại chủ.
Lía sửa đổi kỷ cương, không cho chận đường cướp giựt nữa, và đem thi hành chánh sách đã áp dụng ở quê hương: Lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo. Truông Mây nổi tiếng hơn trước. Bọn giàu có quyền thế đêm ngày lo sợ nơm nớp. Còn đám bình dân thì vui vẻ làm ăn. Người đi qua Truông Mây không còn phải lo nộp tiền mãi lộ.
Được ít lâu ở thành Quy Nhơn tổ chức cuộc thi võ để chọn nhân tài cầm quận đi đánh Trịnh. Cha Hồ, chú Nhẫn bàn cùng Lía đi lập công danh. Lía ưng thuận, cùng cha Hồ, chú Nhẫn thay đổi y trang xuống núi.
Thanh thế Truông Mây tuy lừng lẫy xong không ai biết mặt những kẻ cầm đầu. Nhờ vậy mà bọn Lía vào thành được vô sự. Nhưng lại rủi gặp phải viên giám khảo là một tên tham quan, lấy tiền tài làm chủ nghĩa. Bọn Lía không chịu lo lót nên bị đuổi ra như một số võ sĩ chỉ đến với tài năng. Bọn Lía tức mình về Truông Mây kéo lâu la xuống đốt phá trường thi và bắt giết viên giám khảo. Nhân lúc bất ngờ, đánh phá luôn kho lương và cướp đem về núi một số lớn. Tuần phủ Quy Nhơn ra quân truy kích. Nhưng đến Truông Mây thì bị đánh lui.
Quyết tảo thanh Truông Mây, tuần phủ cho thêm binh đến vây đánh. Nhờ thế núi hiểm xung, bọn Lía giữ vững được sơn trại.
Một đêm, trong khi quân lính bao vây sơn trại, Lía cùng một ít quân lâu la lẻn ra đường núi, đi thẳng đến thành Quy Nhơn. Thừa lúc tối trời, Lía cõng lâu la nhảy vào thành, phóng hỏa đốt các doanh trại. Quân canh không trở tay kịp. Lửa cháy ngất trời. Nhân dân trong thành tưởng giặc đến cướp thành, kéo nhau mà chạy. Kẻ chạy lên, người chạy xuống… hớt hải quấn quít, xô lấn nhau, dậm đạp nhau. Tiếng khóc tiếng la vang dội khắp đây đó… Viên tuần phủ giật mình thức dậy, vừa bước chân xuống đất thì đầu liền bay! Người ái thiếp cùng chung gối bị bắt mang đi…
Không biết giặc nhiều ít thế nào, sợ Quy Nhơn bị thất thủ, bọn quan lại phò tá viên tuần phủ liền hỏa tốc gọi quân cứu viện về giữ thành. Phần bị Lía gặp giữa đường chận đánh, phần bị cha Hồ chú Nhẫn thúc lâu la đuổi theo đánh, quân Quy Nhơn thất kinh không dám chống cự ném khí giới chạy thoát thân …
Được tin Quy Nhơn có biến, quan Thừa Tuyên dinh Quảng Nam, một mặt cho binh vào cứu viện, một mặt làm sớ tâu về Phú Xuân. Chúa Nguyễn cử người vào trấn Quy Nhơn và cấp thêm một đạo tinh binh để dẹp giặc.
Lía biết trước cho đắp thành lũy thêm cao và mở thêm đường bí mật để tiếp tế cho được dễ dàng trong khi bị bao kích. Địa thế đã hiểm, việc phòng bị lại chu đáo, nên Truông Mây bị công phá mấy năm liền vẫn không chút nao núng. Liệu dùng sức không thắng nổi, viên trấn thủ Quy Nhơn rút quân về để mong thắng bằng mưu. Dò biết nàng ái thiếp của cựu tuần phủ, từ khi bị bắt về trại, được Lía tin yêu lấy làm vợ, y bèn tìm người thân quyến của nàng cho vào trại dụ dỗ làm nội ứng.
Mưu chước đã thành, chỉ còn chờ cơ hội.
Một hôm bọn Lía đánh cướp được một đám lớn, về xẻ bò mổ trâu ăn mừng. Vợ Lía lén bỏ thuốc mê vào rượu. Cả trại đều say vùi. Lía và cha Hồ chú Nhẫn bị nàng ép uống, cũng say. Hồ Nhẫn thì nằm gục nơi bàn tiệc mà ngủ. Còn Lía thì gượng vào nội tẩm. Lúc bấy giờ trời đã khuya.
Nơi Lía nằm không để vật gì khác hơn là một tấm phản ngựa gõ độc chiếc, dày hơn một gang, rộng năm gang và nặng đến mươi người khiêng. Lúc nghỉ ngơi Lía cởi trần nằm sải trên phản, không cần chăn, không cần gối.
Lía lảo đảo vào nằm sải nơi phản. Vừa đặt lưng thì ngủ thiếp. Vợ Lía lấy dây thừng trói tay chân chắc chắn rồi trói ghì cả châu thân vào tấm phản. Lại biết Lía có đầu tóc dài và lợi hại như đầu tóc Lã Bố, nàng rẽ mái tóc vóc thành hai đuôi sam làm dây cột siết đầu Lía vào phản. Nàng trói luôn cha Hồ chú Nhẫn bỏ nằm giữa trại. Đoạn mở cửa thành đi thẳng về Quy Nhơn báo tin cho viên trấn thủ.
Viên trấn thủ Quy Nhơn đem quân lên trại Lía thì đã gần sáng. Cả trại đều còn say. Trong ngoài im phăng phắc. Cửa thành bỏ trống. Nhưng viên trấn thủ còn ngại Lía bày mưu gạt gẫm nên không dám cho quân nhập thành. Quân vây thành đợi trời thật sáng. Sau khi cho người dò la hư thiệt, viên trấn thủ hô binh ùa vào thành. Lúc bấy giờ một ít lâu la vừa tỉnh rượu thấy quân lính kéo vào, thất kinh la ó. Nhưng bọn lâu la giật mình tỉnh dậy, chưa kịp đứng lên thì lớp đã bị chết, lớp bị bắt! Cha Hồ, chú Nhẫn không cựa quậy nổi! Lía nghe ồn, mở mắt, thấy mình bị trói, nổi giận hét lên một tiếng, giãy đứt dây trói chân… Vừa lúc ấy quân lính ùa vào bắt. Lía vùng đứng lên, mang tấm phản sau lưng. Quân lính áp tới, Lía quay tròn mình, dùng phản làm binh khí, đánh ngã tất cả. Ra ngoài thấy toàn thể bộ hạ bị hại, liệu không phương cứu vãn, bèn mở vòng vây, mang tấm phản nhảy lên núi. Quân lính không thể đuổi kịp, đánh phá hủy sơn trại, rồi dẫn bọn cha Hồ chú Nhẫn về Quy Nhơn.
Lía lên núi, cứ mang tấm phản, theo đường rừng mà đi. Phần thương đồ đảng bị hại, phần giận con đàn bà gian ác, Lía muốn xuống thẳng thành Quy Nhơn để trả thù. Nhưng không sao cởi được trói. Đi mãi trong rừng ngót mấy ngày đêm, chợt nhớ lại cảnh cũ, bèn băng rừng về Phú Phong. Vào Bá Bích thấy thành lũy đã bị phá tan hoang, cảnh vật đìu hiu quạnh quẽ! Phần thì đói, phần thì mỏi, phần thì buồn thương… Lía không muốn đi nữa. Dựa tấm phản vào vách đá đứng nghỉ, lòng phân vân chưa biết phải làm gì đây. Chợt một ông lão, dép da trâu, vai mo cơm đòn gánh, tay xách rựa, ung dung đi tới. Lía gọi đến nhờ mở dây. Ông lão không chút chần chờ. Mở xong hỏi:
- Kẻ anh hùng sao nỗi sa cơ thất thế?
Lía đáp:
- Có cơm cho ăn rồi sẽ nói chuyện.
Ông lão trao mo cơm bầu nước. Lía ăn uống xong, thuật hết mọi nỗi rồi nói:
- Chỉ vì một con đàn bà mà bạn bị hại, thân bị nhục tội thật đáng chết. Ơn lão trượng mở giùm dây trói, cứu giùm đói, không biết lấy gì đền đáp. Kính dâng vật này để đem xuống phủ lãnh thưởng.
Nói đoạn giựt rựa nơi tay ông lão, tự chặt vào cổ… Máu phun đầu rơi!
Ông lão ứa nước mắt nói:
- Sao nhà ngươi nóng nảy thế?! Lão đây tài sơ sức yếu phải đợi chết già. Chớ nếu được như nhà ngươi thì há để cho bọn tham quan ô lại sống an nhàn trên mồ hôi nước mắt của dân chúng.
Rồi lo chôn cất Lía tử tế. Về nhà kể chuyện lại cho con cháu nghe, dặn không nên tiết lộ cho bọn quan quyền biết và nói:
- Nếu Lía gặp được người như Lưu Huyền Đức để phò, hoặc có một người như Phạm Tăng ra giúp, thì sự nghiệp nhất định vẻ vang. Có thiên tài mà không có thiện duyên, cũng trở thành vô dụng.
Lại nói:
- Những kẻ có tài xuất chúng, không thể đem tài năng ra giúp đời được, thì không làm ăn cướp còn biết làm gì để bài tiết được nổi uất hận ở trong lòng!
Còn viên tuần phủ Quy Nhơn ra sức truy nã Lía, lâu ngày không thấy thu được kết quả gì, bèn bỏ qua. Và để trừ hậu họa, sai phá bằng tất cả thành lũy và chặt hết mây ở nơi Truông.
Truông Mây hiện thời chỉ là kỷ niệm.
Và từ khi sào huyệt của cha Hồ, chú Nhẫn bị diệt, khách bộ hành thỉnh thoảng có đi qua. Đối cảnh nhớ người, bèn soạn ra câu hát:
Chiều chiều én liệng Truông Mây,
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.
Theo Quách Tấn - Nước Non Bình Định
Truông Mây Bây Giờ:
Truông Mây có tên nữa là Hóc Sâu, ở quận Hoài Ân, xã Ân Đức: Chạy từ thôn Phú Nhuận ở phía Bắc đến thôn Vĩnh Hòa ở phía Nam. Dài độ vài ba cây số. Hai bên mây mọc thành rừng, gai góc tua tủa. Cho nên gọi là Truông Mây. Phía đông, nhánh sông Kim Sơn chảy từ Nam ra Bắc, cuồn cuộn lục lìa. Phía Tây núi non trùng điệp và hòn núi Một tách ra đứng sừng sững bên truông. Quang cảnh man dại. Người cứng bóng vía đến đâu, lúc gió chiều sương sớm quạnh quẽ hắt hiu, một mình đi ngang qua cũng cảm thấy rờn rợn. Lại thêm nhiều cọp. Cho nên hành khách ít dám qua lại, ngày nay cũng như ngày xưa, thời bình cũng như thờ loạn, ít người qua lại, nhưng ở Bình Định không mấy ai không biết tiếng Truông Mây
Nguyễn Thanh Mừng
--------------------------------------------------
(*) Những chữ in đứng là tên các bài võ - Trích từ Hoàng Tuấn, Qui Nhơn
Truông Mây có tên nữa là Hóc Sâu, ở quận Hoài Ân, xã Ân Đức: Chạy từ thôn Phú Nhuận ở phía Bắc đến thôn Vĩnh Hòa ở phía Nam. Dài độ vài ba cây số. Hai bên mây mọc thành rừng, gai góc tua tủa. Cho nên gọi là Truông Mây. Phía đông, nhánh sông Kim Sơn chảy từ Nam ra Bắc, cuồn cuộn lục lìa. Phía Tây núi non trùng điệp và hòn núi Một tách ra đứng sừng sững bên truông. Quang cảnh man dại. Người cứng bóng vía đến đâu, lúc gió chiều sương sớm quạnh quẽ hắt hiu, một mình đi ngang qua cũng cảm thấy rờn rợn. Lại thêm nhiều cọp. Cho nên hành khách ít dám qua lại, ngày nay cũng như ngày xưa, thời bình cũng như thờ loạn, ít người qua lại, nhưng ở Bình Định không mấy ai không biết tiếng Truông Mây
QUA TRUÔNG MÂY
Trèo lên ngọn núi quê hương
Trèo lên ngọn núi quê hương
tìm trong muôn mặt âm dương ngũ hành
tóc mây ràng cuộc tử sanh
bàn tay giữ một rách lành càn khôn
Lặng nghe bão Thái Sơn Côn
U Linh Thương sét, Tru Hồn Kiếm mưa
vang như sấm lặng như tờ
mê man hổ suối say sưa hạc ngàn
Tôi cầm một nắm đêm tàn
ném vào thành lũy bàng hoàng cung đao
qua truông mượn gió để chào
mượn đôi cánh én gọi hào kiệt bay.
Nguyễn Thanh Mừng
--------------------------------------------------
(*) Những chữ in đứng là tên các bài võ - Trích từ Hoàng Tuấn, Qui Nhơn
Chiều chiều én liệng Truông Mây
Trả lờiXóaCảm thương chàng Lía bị vây giữa dòng !