Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

DOANH NHÂN BÌNH ĐỊNH - VÕ TRƯỜNG THÀNH
















Khi tôi lên thăm công ty Gỗ Trường Thành của Ông với các đối tác nước ngoài tôi rất ấn tượng về nhà máy sản xuất gỗ rộng lớn của Ông tại Bình Dương. Không ngờ, Ông cũng là một người con Bình Định - sinh ra và lớn lên ở miền đất võ Tây Sơn, từng là một anh giáo nghèo, đồng lương không đủ nuôi gia đình, bỏ nghề đi làm gỗ, khởi nghiệp từ số vốn 30 triệu đồng, sau 13 năm số vốn đã tăng lên 150 tỉ đồng và trở thành ông chủ của một tập đoàn gỗ nổi tiếng, đó là Ông Võ Trường Thành - Tổng giám đốc Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương).


Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về "ông chủ lớn Trường Thành" là giọng nói vẫn đặc sệt chất Bình Định. Sự nồng hậu của ông khiến tư thế chuẩn bị làm việc với một doanh nhân thành đạt của chúng tôi chuyển thành một cuộc trò chuyện thân tình như những người trong nhà từ lúc nào không hay...
Bỏ quê, về phố, lên rừng
Vợ chồng anh vốn là giáo viên, lập gia đình và có con khá sớm, nên không thoát khỏi cảnh "thiếu trước hụt sau". Giữa cái thời "nhà văn - nhà báo - nhà giáo = nhà nghèo" thế mà cả hai vợ chồng cùng theo nghề giáo nên gia cảnh đã khó lại càng thêm khó. Sau hai năm theo nghề anh quyết định rẽ ngang (1979) khi ấy anh mới chỉ 21 tuổi.
Khăn gói vào Sài Gòn, bạn bè khuyên anh gia nhập vào lực lượng Thanh niên xung phong của Tổng đội TNXP TPHCM. Sau khi gia nhập lực lượng TNXP, anh được đưa lên Tây Nguyên làm việc ở một công trường khai thác gỗ ở tỉnh Đắc Lắc. Gần 10 năm gắn bó với cao nguyên, sau bao trận mưa rừng, gió núi, xám mặt với những trận sốt rét rừng cay nghiệt, Thành trở thành một "chiến binh" thứ thiệt. Từ vị trí là một đội viên anh được đồng đội và lãnh đạo tín nhiệm, đề bạt làm Trưởng phòng rồi rồi Phó giám đốc công trường. Với nỗ lực phấn đấu không ngừng, đến năm 28 tuổi Võ Trường Thành được đề bạt vào vị trí giám đốc Xí nghiệp Khai thác và Chế biến lâm sản TNXP.
"Tôi có máu thích thay đổi, luôn luôn tìm cách làm sao để hiệu quả công việc đạt đến mức tối ưu, cả bản thân mình cũng thế mình cứ tự thử thách mình liên tục" - Ông Thành tâm sự. Có lẽ cũng vì bản tính ấy, năm 1991, anh xin nghỉ việc ở Xí nghiệp Khai thác và Chế biến lâm sản TNXP, trở về Quy Nhơn làm Trưởng chi nhánh xuất nhập khẩu gỗ Quy Nhơn (thuộc Liên hiệp xuất nhập khẩu Quận 1- TP Hồ Chí Minh). Cũng trong thời gian này anh đăng ký học đại học từ xa ngành Quản trị kinh doanh để chuẩn bị cho một hành trình mới. Chặng đường đầu tiên về phố - lên rừngvề quê của anh có một khúc lặng như thế.
Sang Mỹ đi học để làm ông chủ
Năm 1993 vì hoàn cảnh gia đình riêng và cũng vì muốn tự thể hiện những kinh nghiệm đã tích lũy, một lần nữa anh Thành lại thay đổi môi trường làm việc. Lần này là cho riêng mình.

Biết ở huyện Ea H’leo tỉnh Đắc Lắc có một đơn vị quân đội đang rao bán một xưởng sơ chế gỗ cỡ nhỏ, anh liền vay mượn nhiều người được 30 triệu đồng để mua xưởng gỗ này. Và chỉ một năm sau, xưởng gỗ nhỏ vốn chỉ có chừng 30 công nhân này đã được anh "thổi" thành Nhà máy tinh chế đồ gỗ xuất khẩu Trường Thành với số lượng công nhân tăng lên tới 200 người. Cũng tại thời điểm này, sản phẩm của Trường Thành bắt đầu lên đường sang Đài Loan, Hàn Quốc. Năm 1995, đồ gỗ của Trường Thành xâm nhập thị trường châu Âu như: Anh, Pháp, Tây Ban Nha… Năm 1997 xuất sang thị trường Nhật. Biết doanh nghiệp của mình sẽ còn lớn mạnh hơn, biết rằng nhãn hiệu Trường Thành rồi sẽ là nhãn hiệu quốc tế năm 1999 anh lại khăn gói sang Mỹ học chương trình cao học về Quản trị kinh doanh.


Ngẫm ra lại thấy vui vui, anh Thành tâm sự - Mình vốn là thầy giáo, vì miếng cơm manh áo mà phải bỏ trường đi làm thuê, thế rồi vì muốn làm chủ lại phải cắp sách đi học trở lại.
Cùng với việc học tập, nghiên cứu để lấy tấm bằng thạc sĩ, anh còn hoạch định chiến lược nhằm xây dựng Trường Thành thành một tập đoàn hùng mạnh. Năm 2000 anh cho xây dựng nhà máy thứ 2 rộng 30.000 m2 tại Thuận An (Bình Dương) và mở văn phòng chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh. Từ nhà máy hình mẫu này, hàng loạt nhà máy khác theo đó mọc lên…
Đến nay, sau 13 năm gầy dựng, anh đã là Tổng giám đốc của một tập đoàn mang tên Trường Thành (vốn 100% trong nước) với "biên chế" 6 nhà máy tại các tỉnh Đắc Lắc, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và một dự án nhà máy chế biến hàng gỗ xuất khẩu thứ 7 đang triển khai tại tỉnh Sêkông (Lào), sẽ hoạt động vào cuối năm 2006.
Hiện nay, tập đoàn Trường Thành với hơn 4.500 công nhân trẻ giỏi tay nghề và hơn 500 cán bộ nhân viên chuyên nghiệp, hầu hết trong tuổi thanh niên có trình độ từ đại học trở lên. Điều đặc biệt là cũng như nhiều doanh nhân Bình Định thành đạt khác, ông chủ Trường Thành cũng nặng lòng ưu tư về bản quán. Chính vì thế trong danh sách cán bộ, công nhân của ông có tới gần 2.000 người quê ở Bình Định. Đặc biệt chính ông với "đôi mắt xanh" của mình đã lọc ra được năm người mà những lúc nói vui, ông thường đùa đây là "những đại thần của Trường Thành". Hiện trong số này có một người là Phó tổng giám đốc và 4 giám đốc nhà máy.
Và cũng như nhiều doanh nhân Bình Định khác, ông khéo léo từ chối nói về điều này trừ các con số đơn giản vừa kể trên. Lại một quãng lặng nữa xuất hiện trong cuộc trò chuyện. Và tôi biết, quê hương nơi chôn nhau cắt rốn vẫn luôn là nỗi hoài nhớ trong ông.
Vững như Trường Thành
Năm 2005, với sản lượng xuất khẩu 2.000 container hàng gỗ tinh chế (bàn, ghế, tủ, kệ, giường, cửa...) Trường Thành đạt doanh thu 30 triệu USD, cao hơn năm trước 10 triệu USD. Có thế nói, năm 2005 là dấu mốc son chứng tỏ sự phát triển vượt bậc của tập đoàn Trường Thành và cá nhân anh.
Với tiếng vang và uy tín đạt được, tháng 10-2005, tại Madrid (Tây Ban Nha), tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành đã vinh hạnh đoạt “Cúp vàng chất lượng quốc tế 2005”, riêng Tổng giám đốc Võ Trường Thành vinh dự nhận "Huy chương vàng quản lý chất lượng toàn cầu 2005" do Câu lạc bộ những doanh nhân hàng đầu thế giới (Trade Leaders' Club) trao tặng và được kết nạp là thành viên của câu lạc bộ này. Cũng trong tháng 10-2005, tại Hà Nội, Võ Trường Thành thay mặt tập đoàn vinh dự nhận Giải Vàng chất lượng Việt Nam 2005, giải thưởng trao tặng cho các doanh nghiệp xuất sắc nhất trong số những doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng Việt Nam hằng năm cũng như vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Đến tháng 11-2005, tại Roma (Ý), một lần nữa Trường Thành lại nhận “Cúp vàng chất lượng châu Âu 2005” do Câu lạc bộ những doanh nhân hàng đầu thế giới trao. Sự phát triển bền vững của tập đoàn đến nay đã vừa ứng với chính tên cúng cơm Trường Thành mà cha mẹ đã kỳ vọng nơi anh ngày nào.
Ra đi là để trở về
Tập đoàn Trường Thành hùng mạnh là thế nhưng tốc độ phát triển của nó dưới sự chủ đạo của Tổng giám đốc Võ Trường Thành vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Không chỉ đầu tư kinh doanh và dừng lại tại ngành gỗ, Tập đoàn Trường Thành còn là đối tác kinh doanh của VMS Mobi Fone, và là Tổng đại lý phân phối thẻ điện thoại trả trước Mobicard trên phạm vi toàn quốc với doanh số gần 500 tỉ đồng/năm. Công việc bận rộn là vậy, sự thành công và phát triển không ngừng của Tập đoàn là vậy nhưng với bản tính không tự hài lòng với những thành công đã gặt hái, anh vẫn tranh thủ thời gian nâng cao kiến thức, mở rộng phạm vi, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh.
Hiện nay, tập đoàn của anh đang liên kết với 9 doanh nghiệp gỗ ở Bình Định để cùng đặt hàng và nhập nguyên liệu để ổn định sản xuất. Ngòai ra, chính anh cũng thường giới thiệu nhiều bạn hàng cho các doanh nghiệp gỗ ở quê hương Bình Định. Sự giới thiệu của Võ Trường Thành gần như là một sự bảo chứng có giá trị cao.
Trước khi chia tay, ông thổ lộ: “Mình đã tính rồi, khi KKT Nhơn Hội hoàn thành, Tập đoàn Trường Thành sẽ đăng ký xây dựng một nhà máy sản xuất các linh kiện phục vụ công nghiệp sản phẩm gỗ tinh chế tại đây”.
Quê hương đang trỗi dậy trong ông và những dự án quy mô đã nảy mầm từ nỗi hoài nhớ ấy. (ST)

2 nhận xét:

  1. e la nguoi bdinh, e rat la nguong mo a,chuc a gap nhieu thanh cong,may man trong cuoc song

    Trả lờiXóa
  2. Doanh nhân này rất giỏi và thành đạt, ông cũng là người sử dụng xe hơi hạng sang với thương hiệu Mercedes - Benz. tham khảo thêm dòng xe E250 mercedes E250 doi 2014 gia bao nhieu

    Trả lờiXóa