Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Về làng rượu Bàu Đá

Đứng bên những danh tửu như Làng Vân, Gò Đen, Hồng Đào, giữa muôn ngàn danh rượu nhập khẩu về từ các nước… cái tên Bàu Đá ngạo nghễ làm nên một thương hiệu. Có người bạn đi giao lưu với thanh niên ở Nhật về kể, anh chỉ đem theo mấy lít Bàu Đá làm quà từ Việt Nam và thật bất ngờ, họ khen ngợi hết lời, hỏi tại sao rượu ngon đến vậy mà giờ họ mới được nghe thấy...
Gìn giữ chất lượng, quảng bá là việc làm cần thiết để rượu thương hiệu Bàu Đá đứng vững và vươn xa hơn. Ảnh: V.L
Làng làm nên thương hiệu
Bước qua cổng “Làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá”, tôi gặp chị Trần Thị Sơn. Chị đon đả đưa chúng tôi về nhà, giới thiệu lò nấu rượu và sản phẩm do chính chị làm ra.
Tay trái cầm ly, tay phải cầm bình, chị Sơn nhẹ nhàng đặt vòi bình rượu vào miệng ly. Chị nghiêng tay kéo bình lên cao, kéo lên rồi ngưng rót, rượu như một dòng thác nhỏ tuôn dài xuống ly, không rơi ra ngoài giọt nào. Rượu vừa đầy là lúc rượu sủi tăm vun lên rồi tan nhanh. Những bong bóng bọt tăm vỡ ra, tạo áp suất đẩy hương rượu bay khắp căn phòng, nồng nàn. Cũng tự nhận mình là người có nghề... uống rượu, tôi xin chị cho rót thử. Nhưng bàn tay vụng về của tôi chỉ vừa kéo bình lên, rượu đã văng ra ngoài. Tập nhiều lần nhưng tôi không thể nào làm được, nếu không đổ rượu ra ngoài thì dòng chảy lại không đủ mạnh để rượu sủi tăm.
Đi khắp làng Cù Lâm, vào nhà nào, cũng thấy một bình nhỏ đầy rượu sủi tăm chờ mời khách. Ngồi trong căn nhà xưa, ông Tạ Chí Nhơn kể về mấy đời nấu rượu của gia đình, của làng. Ông Nhơn cho biết, rượu Bàu Đá rất “nặng” (trên 50 độ) uống nhanh say nhưng say rồi không thấy mệt hay nhức đầu. Ông tự hào: “Say túy lúy rồi tỉnh lại vẫn uống tiếp được. Tôi cũng đi nhiều nhưng chưa có rượu nào uống đã bằng rượu làng mình nấu cả”. Chính con gái ông nấu rượu sành từ nhỏ, nhưng khi lấy chồng về Tây Sơn muốn đem nghề nấu rượu này để mưu sinh nhưng nấu không thể ngon được. Ông giải thích: “Quyết định chất lượng, hương vị, nồng độ rượu phần lớn là do nguồn nước. Nhiều người tới lấy công thức đi nơi khác nấu nhưng không thành công”.

Làm cơm rượu cũng là một công đoạn quan trọng để cho rượu trong và ngon.

Bà Nguyễn Thị Em, vợ ông Nhơn đang lục đục dưới bếp với hai nồi rượu, cũng vọng lên tham gia: “Nếu họ nấu được thì đâu còn là rượu Bàu Đá nữa ông”. Hai lò rượu của bà luôn đỏ lửa từ hơn 30 năm nay. Bà đã quen với độ nồng của rượu, quen với thời tiết, quen với độ lửa làm sao cho rượu ngon nhất. Cầm chai rượu, bà chỉ cần lắc nhẹ và nói chính xác bao nhiêu độ. Còn rượu mà bà không đoán được, bà gọi là “rượu chạy”.
* “Rượu chạy”
Theo người làng Cù Lâm, “rượu chạy” là rượu lạt, rượu dở. Mỗi nồi rượu ở làng nấu gồm 6 kg gạo ngon, vào men ủ 6-7 ngày mới đem ra nấu thủ công bằng nồi đất, ống tre. Một buổi chỉ nấu được một nồi, lửa phải thật nhỏ đủ để nồi cơm rượu bốc hơi rồi ngưng tụ qua một thau nước luôn được giữ mát. Nếu lửa lớn, cơm rượu sẽ bị sít vào nồi, rượu sẽ khê… Mỗi nồi nấu chỉ lấy 4 lít, giá thành thấp nhất là 15 ngàn đồng/lít (chưa tính công) trong khi rượu bán tại làng chỉ 17 ngàn đồng/lít. Tôi hỏi: “Vậy lời ở đâu?”. Bà Em chỉ tay vào đàn heo đang tranh ăn trong chuồng: “Đó, mình chỉ lấy hèm nuôi heo. Ở làng này có ai nấu rượu mà giàu đâu”. Mỗi ngày, nhà ông Nhơn nấu 4 nồi rượu, đủ hèm cho heo ăn.
Rượu của làng bán ra ngoài, người ta cũng nói là mua rượu chính gốc, nhưng thực tế, họ đã pha thêm vào cho nhiều, đặng bán có lãi hơn. Những rượu này rót khó sủi tăm hoặc nếu sủi tăm thì không tan nhanh mà bọt cứ lợn cợn trên mặt ly do tạp chất lẫn vào; rượu trong chai thì chỉ cần lắc nhẹ là đục và rất lâu sau mới trong lại.
Những loại “rượu chạy” này đã làm giảm uy tín rượu của làng. “Tôi dám khẳng định một điều rượu bán ở dọc đường ngoài kia toàn là “rượu chạy” - ông Nhơn bức xúc. Bên cạnh đó, lại có nhiều cơ sở sản xuất, bán rượu Bàu Đá nhưng không lấy giọt rượu nào của làng.
Rượu Bàu Đá ở đâu ra khi không lấy rượu của làng mà rượu dán nhãn Bàu Đá thì nhan nhản trên thị trường, bán đầy dọc quốc lộ, nhất là đoạn qua hai huyện An Nhơn và Tây Sơn? Một số người nấu rượu cho biết, có nhiều cách để nấu rượu nhanh, nồng độ cao để giả Bàu Đá. Thông dụng nhất là dùng men Trung Quốc, bỏ vào cơm rượu 1-2 ngày là nấu được, không cần ủ lâu; có loại bỏ trực tiếp vào gạo không cần nấu thành cơm. Một số nơi sản xuất nhiều thì mua mật rỉ ở nhà máy đường về pha với nước, phẩm màu, gia thêm hương vị (thường dùng hương dứa) vào, là thành rượu Bàu Đá xanh, đỏ, vàng, tím đủ màu. Khủng khiếp hơn, một người làm rượu tiết lộ, có loại cồn chỉ cần 2 lít pha với 48 lít nước là thành 50 lít rượu!

Nước giếng ở làng là một “đặc ân” trời cho để nấu rượu ngon.

Hiện nay, trên thị trường, một lít rượu Bàu Đá đóng đủ loại chai với mẫu mã bắt mắt giá chỉ 14 ngàn đồng/lít, thậm chí, có nơi chỉ bán 12 ngàn đồng/lít. Ông Nhơn băn khoăn: “Họ bán rẻ vậy mà sao lại giàu. Mình bán đắt hơn họ nhiều mà không có đồng lãi nào!”.
“Tôi và nhiều người trong làng cũng một vài lần mua thử loại rượu này về uống. Nếu chưa bao giờ uống rượu chính gốc thì rất khó phân biệt, bởi cũng nồng độ cao, cũng sủi tăm khi lắc chai nhưng rượu rất gắt, uống cứ bứ ở cổ, tăm sủi như bọt xà phòng, uống vào vài ly là đau đầu không chịu nổi”- ông Nhơn cho biết thêm. Vậy nên, cái ngày trọng đại nhất với người làng Cù Lâm là ngày danh rượu được công nhận thương hiệu, lại có rất ít cơ sở sản xuất rượu Bàu Đá đến tham dự. Có lẽ, họ sợ thương hiệu!
* Cho xứng danh “đệ nhất tửu”
Nhà thơ Nguyễn Duy vinh danh rượu Bàu Đá là “đệ nhất tửu”, thi sĩ Tản Đà thì phong là “đệ nhị tửu”… Mỗi người một cách cảm nhận, nhưng ai đã một lần nhấp thử chút men nồng của ly rượu Bàu Đá thì cũng chếnh choáng như hai con người sành rượu trên.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kể, đoàn y tế của Hàn Quốc khi đến Bình Định khám chữa bệnh, họ đem theo một số thứ mà họ sợ ở Việt Nam không có như ớt xanh, kim chi, rượu. Nhưng khi được uống rượu Bàu Đá, họ rất mê. Không chỉ đoàn của Hàn Quốc, nhiều đoàn khách quốc tế khác khi đến Bình Định uống đúng rượu Bàu Đá của làng Cù Lâm cũng đều khen và tìm cách mua mang về. “Việc gìn giữ chất lượng, giới thiệu, quảng bá là việc làm cần thiết để rượu Bàu Đá đứng vững và vươn xa hơn”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình nói.

Một hộ dân ở Nhơn Lộc (An Nhơn) nấu rượu Bàu Đá bằng phương pháp thủ công. Ảnh: V.L

Ông Lê Quang Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất - Kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định, cho biết, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá” cho 53 doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh rượu, cơ quan chức năng sẽ có điều kiện để quản lý, kiểm tra, nhằm lấy lại thương hiệu, uy tín rượu Bàu Đá. “Trước hết, Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng dẹp tất cả những loại rượu không có nhãn mác, rượu giả đã làm giảm uy tín rượu Bàu Đá lâu nay; đồng thời, tạo điều kiện để người sản xuất rượu có lợi nhuận, giữ chất lượng, nhằm nâng cao thương hiệu rượu Bàu Đá”.
Làng Cù Lâm (xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn) là tên hành chính, người dân từ lâu đã gọi làng này là làng Bàu Đá. Theo những người lớn tuổi ở đây, trước kia, trong làng có một cái bàu rộng vài ha, xung quanh là đá, nước ở bàu này uống rất mát và ngọt. Lúc đó, nhiều nhà chưa có giếng lấy nước này về uống, nấu ăn và cả nấu rượu. Cái nguồn nước ngọt ngào ấy cho ra một loại rượu nấu từ gạo rất ngon, thơm và uống có hậu (giới uống rượu dùng từ này chỉ cho loại rượu uống xong còn ngòn ngọt ở cổ). Hương rượu của làng bay xa, nhiều người tìm đến mua. Vậy là hình thành làng rượu, hình thành danh tửu Bàu Đá.

  • Trường Đăng - Báo Bình Định

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Những điều ít biết về mộ Hàn Mặc Tử

Mộ Thi Sĩ Hàn Mặc Tử tại Qui Nhơn, Bình Định


Đứng từ con đường mới mở chạy ngang sườn núi ven thành phố Quy Nhơn (Bình Định), vào những ngày trời ít sương mù, người ta có thể nhìn thấy những mái nhà của làng phong Quy Hòa lô xô ven biển. Con đường dốc đổ xuống nơi thi sỹ Hàn Mặc Tử sống những ngày cuối đời hơn nửa thế kỷ trước, lượn quanh co, vắng heo hút. Quy Nhơn còn lưu dấu nhiều vết tích của nhà thơ bạc mệnh này.


Một cái chết và những điều bất tử


Vốn là một làng tập trung các bệnh nhân mắc bệnh cùi (bệnh phong) được các nữ tu sỹ lập nên từ hơn một thế kỷ trước, tên tuổi làng phong Quy Hòa được nhiều người biết đến, cũng một phần bắt nguồn từ chuyện tình cờ gắn bó với cái chết của thi sỹ tài hoa Hàn Mặc Tử.


Hàn Mặc Tử trở thành một bệnh nhân của làng từ tháng 9/1940, đến 11/1940 thì qua đời trong bệnh tật. Căn phòng nơi Hàn trút hơi thở cuối cùng, nay trở thành nhà lưu niệm, vẫn giữ nguyên những đồ đạc đơn sơ ngày đó: chiếc giường cá nhân, chiếc ghế cùng vài vật dụng thông thường.


Đài tưởng niệm Hàn Mặc Tử ở khu mộ cũ.


Ông được chôn trong nghĩa địa của làng dưới chân núi Trứng. Theo lời kể của những người chứng kiến thời đó, mộ của ông cũng không có gì đặc biệt so với các bệnh nhân khác: một nấm đất nhỏ như kích cỡ của hàng trăm ngôi mộ khác, xếp theo dãy thứ tự, nằm lặng lẽ trong muôn vàn cái chết lặng lẽ của người mắc bệnh cùi – vốn không có gia đình, hay nhiều bè bạn khi cuối đời.


Suốt 19 năm Hàn nằm lại trong nghĩa địa làng phong. Theo lời kể của nhiều nhà nghiên cứu về cuộc đời và thơ Hàn, trong thời gian đó, do hoàn cảnh chiến tranh, đường giao thông không thuận lợi và điều kiện khó khăn, nên mãi đến ngày 13/01/1959, gia đình và bạn bè mới cải táng (bốc mộ) sang địa điểm mới cho người đã chết. Buổi lễ cải táng cho nhà thơ được tiến hành khá đơn giản: chỉ có hai người chị, hai người em, ba người bạn và một vị linh mục tham dự. 


Đến năm 1991, cố nhạc sỹ Trần Thiện Thanh (ca sỹ Nhật Trường) cùng một số nhạc sỹ khác yêu mến tài năng thơ trẻ này đã đóng góp tiền để xây dựng một ngôi mộ -  đài tưởng niệm, trên nền mộ cũ của Hàn. Quần thể mộ gồm một khoảng sân, phía chính giữa là đài tưởng niệm có hình tượng một cây bút, cây thánh giá dựng trên cuốn thơ. Những nét uốn lượn của cuốn sách thơ, bệ tượng đài, hình phù điêu bao quanh khu mộ cũng dễ liên tưởng đến hình tượng vầng trăng khi khuyết lúc đầy, vốn luôn thấp thoáng ẩn hiện trong thơ Hàn. 
Nhạc sỹ Trần Thiện Thanh vốn là một người rất yêu thơ Hàn. Những năm 1960, ông đã sáng tác bài hát nổi tiếng về Hàn Mặc Tử “Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa...”. Người vợ của ông tên Nam Trân, nhưng hâm mộ thơ Hàn đến mức thêm ‘họ’ của nhà thơ vào trước tên mình thành Hàn Nam Trân. 


Theo lời của một số người bạn nhạc sỹ kể lại, cảm động vì số phận của một nhà thơ lớn suốt hàng chục năm phải nằm nhỏ nhoi, quạnh quẽ, sau một lần viếng thăm mộ Hàn Mặc Tử, nhạc sỹ đã sáng tác bài hát nói trên và đau đáu nuôi ý định: “Nơi một thi sỹ lớn đã sống những ngày cuối đời và nằm cô quạnh suốt hai mươi năm, chẳng lẽ không có một dấu vết gì để nhớ?”.

Điều ước cuối cùng chưa thoả 

Từ làng phong Quy Hòa, ngược dốc lên đường quốc lộ sát chân núi, rồi lại xuống dốc sang triền núi bên kia, qua quãng đường dăm cây số sẽ gặp khu mộ Hàn trên Ghềnh Ráng.

Theo lời kể của những người thân gia đình Hàn Mặc Tử, khi còn sống, Hàn đã từng tâm sự với bạn bè, muốn khi chết sẽ được chôn trên đèo Son (khu vực gần Cầu Đôi) là một địa điểm ở đầu thành phố Quy Nhơn, vì đó là khu vực dựa lưng vào núi, mặt quay ra biển. Nhớ lời Hàn năm xưa, sau khi bốc mộ, người thân của Hàn cũng muốn thực hiện ý muốn của người đã khuất, nhưng khi đó đèo Son là khu vực cấm (khu vực quân sự) nên mọi người đã chọn Ghềnh Ráng là khu vực cũng hội đủ những yếu tố như Hàn đã từng ao ước.


Dựng lều thơ bên mộ Hàn.

Từ Ghềnh Ráng, để lên đến mộ Hàn, du khách leo qua chừng hơn trăm bậc thang đá, giữa hai hàng cây song song chụm đầu vào nhau rì rào bốn mùa đón gió biển. Mộ Hàn nằm dựa lưng vào núi, nhìn bao quát cả dải bờ biển Quy Nhơn chạy dài trước mặt, hút trọn tầm mắt một phần thành phố Quy Nhơn. Dưới chân khu mộ, qua một vực đá thoai thoải với muôn vàn tảng đá nhiều hình thù xếp lớp, là sóng biển bốn mùa vỗ bờ.

Mộ rộng chừng dăm thước vuông, ốp đá đơn sơ, xung quanh tàn cây mát rượi. Dòng chữ lớn RIP (Rest in peace – Dịch nôm na: An nghỉ ngàn thu) màu trắng nổi bật trên nền đá ốp hồng. Phía trên đầu mộ là tượng Đức Mẹ Maria hiền từ nhìn xuống. Mộ chí không ghi tên ông là nhà thơ nổi tiếng mà chỉ ghi khiêm nhường “Đây an nghỉ trong tay Mẹ Maria: Hàn Mặc Tử, tức Phêrô Phanxicô Nguyễn Trọng Trí”.

Chàng thi sỹ dựng lều bên mộ 

Nhiều người dân ở Quy Nhơn nói rằng: “Hàn Mặc Tử sau khi chết hơn 60 năm vẫn không cô đơn”. Ai đó có thể không tin, nhưng nếu đã từng đến thăm mộ Hàn một lần, và gặp chàng thi sỹ bỏ nhà để lên dựng lều cạnh mộ Hàn, chỉ để thỏa ước muốn ngày đêm ngâm thơ Hàn, sưu tầm những tư liệu về Hàn Mặc Tử, thì sẽ tin câu chuyện “Hàn không cô đơn sau khi chết” là có thật.

Chàng thi sỹ đó là Trương Vũ Kha, hay còn gọi là Dzũ Kha, là “Bút lửa giữ thơ Hàn”. Vì quá yêu thơ Hàn mà người đàn ông trạc tuổi hơn 40, dáng người cao dong dỏng, có mái tóc dài đầy chất nghệ sỹ, vốn tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật này, đã từ bỏ đô thị để về Ghềnh Ráng chăm sóc mộ Hàn.


Thi sỹ DZũ Kha.

Khu mộ được Vũ Kha trang hoàng bằng nhiều phiến đá, phiến gỗ khắc thơ cầu kỳ, nét chữ bay bướm. Vũ Kha cũng không khắc chữ thông thường bằng cách đục đẽo, mà anh khắc chữ bằng bút điện, bút lửa. Không chỉ dựng căn nhà gỗ đơn sơ bên mộ Hàn để ngày ngày chép lại thơ Hàn, quét dọn chăm sóc mộ Hàn, anh còn là hướng dẫn viên du lịch miễn phí cho du khách bỡ ngỡ tới lần đầu cần hướng dẫn. Cũng chính Kha là người đã tìm lại được nhiều tư liệu quý về Hàn Mặc Tử, như một số bản thảo các bài thơ do chính tay Hàn viết hơn 60 năm về trước.

Hỏi anh về nguyên nhân của việc “hâm mộ” Hàn Mặc Tử tới mức đó, Kha nhẹ nhàng đọc những vần thơ anh viết: “Bạn lên phố thị xênh xang. Riêng ta ở lại đa mang xứ Ghềnh. Phồn hoa náo nhiệt lãng quên. Họa thi bút lửa sưởi bên mộ Hàn”.  

Sáu mươi năm đã qua kể từ ngày Hàn Mặc Tử qua đời, theo lời kể của những người già trong khu vực, Ghềnh Ráng - làng phong Quy Hòa ngày ấy và bây giờ, vẫn mang dấu ấn Hàn Mặc Tử. Ra bãi biển Quy Hòa, lại chợt nhớ đây là nơi Hàn vẫn thường thơ thẩn mỗi chiều lẩm nhẩm những vần thơ; ngồi trên ngọn núi có những tảng đá lớn hình quả trứng bên những dãy nhà bệnh nhân cũ, lại chợt hỏi tảng đá này có phải Hàn đã từng ngồi chơi? Đêm ngắm trăng sáng bên Ghềnh Ráng, hiểu thêm nỗi đau của những người mắc bệnh cùi, cơn đau vật vã nhất thường kéo đến vào những tuần trăng...

Làng phong bây giờ được chia làm hai khu riêng biệt: khu điều trị bệnh nhân – hay còn gọi Bệnh viện phong – da liễu Trung ương Quy Hòa, và khu làng của những người đã khỏi bệnh, nhưng họ không trở về quê mà  tụ họp lại với nhau chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình. Làng của những người đã lành bệnh có tên chính thức là Khu dân cư khu vực 2, phường Ghềnh Ráng. 


Lần đầu tới làng phong, nếu không được nói trước, khách phương xa có lẽ không biết được đây là ngôi làng của những con người đã từng bị xã hội ghẻ lạnh, hắt hủi, xua đuổi theo hủ tục nhiều năm về trước. Làng phong nay cũng bình yên như ngàn vạn ngôi làng trên đất nước, có đường làng rợp bóng cây, có mắt trẻ khúc khích dõi theo dáng người khách lạ, có những ngư dân ngừng tay đan lưới dưới hiên nhà nở một nụ cười chào khách mới đến, có chú chó vằn ngoáy đuôi rối rít đón chủ về... 


Làng bình yên như bức tranh trong thơ của Hàn mà ở đây, già trẻ gái trai ai cũng đều thuộc: “Trong làn nắng ửng khói mơ tan. Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng. Sột soạt gió trêu tà áo biếc. Trên giàn thiên lý bóng xuân sang”...(Theo Mai Minh)

Hàn Mặc Tử không mất vì bệnh phong ?

 
Những người mắc bệnh phong, tay chân thường bị hủy hoại dần và thời gian tử vong không dưới 10 năm. Vậy nhưng với Hàn Mặc Tử chỉ đúng 5 năm phát bệnh và khi chết cơ thể hoàn toàn nguyên vẹn chứ không hề bị hủy hoại như bất cứ một bệnh nhân cùi nào.

Theo những tư liệu bấy lâu nay thì thi sĩ Hàn Mặc Tử, nhà thơ tài hoa của phong trào thơ mới chết vì bệnh phong, một trong “tứ chứng nan y” theo quan niệm một thời.

Gần 70 năm sau ngày Hàn Mặc Tử ra đi, nhiều người thực sự yêu quý thơ và quan tâm đến cuộc đời tài hoa bạc mệnh của ông đã xâu chuỗi những mảng ký ức lại để hình dung rõ hơn về cuộc đời và cái chết của Hàn Mặc Tử. Một vấn đề được đặt ra là: Hàn Mặc Tử chết không phải vì bệnh phong?
Bệnh “phong” hay bệnh “phung”?

Trong cuốn Hàn Mặc Tử (NXB Võ Doãn Mai - 1942), tác giả Trần Thanh Mại có viết: “Đùng một cái, một buổi mai ngủ dậy, thi sĩ thấy mấy đầu ngón tay tê dại đi và không thẳng ra được, và soi gương thì thấy da mặt sượng sần mà hai gò má đã đỏ ửng. 

Chàng tuyệt giao với bạn hữu, với cả Mộng Cầm, sau khi thú thực với nàng nỗi đại biến của mình. Lẽ tất nhiên chàng cũng lấy lời cao thượng xin cởi những ước hẹn ngày xưa và dâng trả sự tự do lại cho nàng”.

Theo gia đình Hàn Mặc Tử, thì vào khoảng đầu năm 1935, họ đã phát hiện những dấu hiệu của bệnh phong trên cơ thể ông. Tuy nhiên, ông cũng không quan tâm vì cho rằng nó là một chứng phong ngứa gì đó không đáng kể.

Cho đến năm 1936, khi ông được xuất bản tập “Gái quê”, rồi đi Huế, Sài Gòn, Quảng Ngãi, vào Sài Gòn lần thứ hai, được bà Bút Trà cho biết đã lo xong giấy phép tờ Phụ nữ tân văn, quyết định mời Hàn Mặc Tử làm chủ bút, bấy giờ ông mới nghĩ đến bệnh tật của mình. Nhưng ý ông là muốn chữa cho dứt hẳn một loại bệnh thuộc loại “phong ngứa” gì đấy, để yên tâm vào Sài Gòn làm báo chứ không ngờ đến một căn bệnh nan y.

Năm 1938 - 1939, Hàn Mặc Tử đau đớn dữ dội. Tuy nhiên, ở bên ngoài thì không ai nghe ông rên rỉ than khóc. Ông chỉ gào thét ở trong thơ mà thôi.

Trước ngày Hàn Mặc Tử vào trại phong Quy Hòa, Nguyễn Bá Tín, em ruột của nhà thơ cho biết tình trạng bệnh tật của anh mình như sau: “Da anh đã khô cứng, nhưng hơi nhăn ở bàn tay, vì phải vận dụng sức khỏe để kéo các ngón khi cầm muỗng ăn cơm. Bởi vậy, trông như mang chiếc “găng” tay bằng da thô. Toàn thân khô cứng”.

Ông Nguyễn Bá Tín, trong một chuyến thăm Bệnh viện Quy Hòa, có đến thăm bác sĩ Gour Vile. Bác sĩ nói rằng: Bệnh cùi rất khó phân biệt. Giới y học (thời đó) chưa biết rõ lắm. Tuy triệu chứng giống nhau, nhưng lại có nhiều thứ. Ông bác sĩ quả quyết bệnh cùi không thể lây dễ dàng được.
Vậy tại sao Hàn Mặc Tử lại mắc chứng phong? Nhiều thông tin cho rằng, một hôm Hàn Mặc Tử đi dạo với bà Mộng Cầm ở lầu Ông Hoàng (Phan Thiết), qua một cái nghĩa địa có một ngôi mộ mới an táng thì gặp mưa. Bỗng ông phát hiện ra từng đốm đỏ bay lên từ ngôi mộ. Sau đó ông về nhà nghỉ, để rồi sớm mai ông phát hiện ra mình như vậy.

Tuy nhiên, về sau này, khi trả lời phỏng vấn tác giả Châu Hải Kỳ trên báo Phổ thông số 63, ra ngày 15/8/1961, bà Mộng Cầm cho rằng: “Tôi nhận có đi chơi lầu Ông Hoàng với Hàn Mặc Tử, có gặp mưa, có ngồi ở nghĩa địa, nhưng không phải vì đó mà Hàn Mặc Tử bị phong. Nếu Hàn Mặc Tử bị phong sao tôi không hề hấn gì cả? Hai người cùng ngồi núp mưa một chỗ kia mà”.

Sau này, thời gian cũng khỏa lấp dần, cũng không ai biết tại sao nhà thơ tài hoa này lại mắc chứng bệnh nan y đó.

Đó là căn bệnh do trực khuẩn Hansen gây nên. Trước đây vì thành kiến sai lầm rằng đây là căn bệnh truyền nhiễm nên bao nhiêu bệnh nhân đã bị hắt hủi, cách ly, xa lánh thậm chí bị ngược đãi (trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ăn thịt), thì Hàn Mặc Tử cũng không là ngoại lệ. Lúc này, gia đình ông phải đối phó với chính quyền địa phương vì họ đã hay tin ông mắc căn bệnh truyền nhiễm, đòi đưa ông cách ly với mọi người.

Sau đó gia đình phải đưa ông trốn tránh nhiều nơi. Việc đưa ông đi trốn tránh nếu xét về mặt hiệu quả chữa trị thì đúng là phản khoa học. Vì lẽ ra cần phải sớm đưa ông vào nơi có đầy đủ điều kiện chữa trị nhất lúc bấy giờ là Bệnh viện phong Quy Hòa.

Thực tế, bệnh phong chỉ lây trong những điều kiện nhất định, ít lây hơn nhiều so với bệnh lao, là chỉ khi tiếp xúc lâu dài với các thể phong nặng (phong hở) như phong ác tính, phong đang tiến triển, chảy nước mũi nhiều và có tổn thương lở loét ở da, ở bàn tay, bàn chân, đặc biệt đối với các trẻ nhỏ, khi sức đề kháng còn kém.

Các thể phong nhẹ khác như phong bất định, phong củ ít có khả năng lây hơn nhiều. Tỉ lệ lây giữa vợ chồng chỉ là 2-3%.
Mặc dù trong y văn đã có nói đến một số trường hợp lây phong do xuyên dái tai hoặc xăm trổ, nhưng ở Việt Nam từ hơn 100 năm nay ở các trại phong Quỳnh Lập, Sóc Sơn, Phú Bình, Sơn La, Quy Hòa chưa hề có cán bộ nhân viên y tế nào bị lây bệnh.

Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, Giám đốc Bệnh viện phong Quỳnh Lập sau đó ở Quy Hòa, nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử đã điều trị trước đây, để làm gương cho nhân viên, ông từng đi, ăn, ở nhiều năm giữa khu bệnh nhân.

Thậm chí, bác sĩ đã lấy bệnh phẩm ở nơi tổn thương tự chích vào da nhiều lần, cho tới nay vẫn không bị lây bệnh để chứng minh rằng bệnh phong không phải là thứ đáng xa lánh, đáng sợ đến thế.

Gần đây có một tờ báo cho rằng, Hàn Mặc Tử chết vì bệnh “phung” chứ không phải bệnh “phong”. Thực tế, bệnh “phung” và bệnh phong khác nhau như thế nào?

Theo cách gọi của người miền Trung, thì bệnh “phung” chính là bệnh cùi, còn bệnh phong lại chính là bệnh tê thấp (phong thấp). Kể cả với cách gọi của người miền Bắc, thì bệnh “phong” vẫn được hiểu là phong thấp, hay tê thấp.

Khi những người mắc bệnh “phung” qua đời, dân thường mai táng ở những khu vực tách biệt và rắc vôi quanh mộ phần để chống lây nhiễm. “Phung” theo phương ngữ, chính là “phong” theo cách gọi phổ thông. 

Tuy nhiên, xét trên góc độ khoa học, thì trực khuẩn Hansen không có khả năng lây lan lớn, nhất là với những người có sức đề kháng cao và có thể chữa trị thành công bằng các phương pháp khoa học hiện đại chứ không phải bằng một tình thương mầu nhiệm nào cả.

Rõ ràng, một căn bệnh có quá nhiều tên gọi: phong, cùi, hủi, phung… Trong khi đó, giữa những tên gọi ấy có thể gây những hiểu lầm nhất định sang một căn bệnh khác thì quả là… không ổn. Chính vì vậy, nên gọi lại tên của căn bệnh này một cách khoa học như đúng cái tên trực khuẩn vốn có của nó: bệnh Hansen.

Hàn Mặc Tử mất vì bệnh gì?

Mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử nằm trên đồi Gềnh Ráng, Qui Nhơn, Bình Định
Những người mắc bệnh phong, tay chân thường bị hủy hoại dần và thời gian tử vong không dưới 10 năm. Vậy nhưng với Hàn Mặc Tử thì cái chết của ông quá nhanh so với thời kỳ phát bệnh, chỉ đúng 5 năm và khi chết cơ thể hoàn toàn nguyên vẹn chứ không hề bị hủy hoại như bất cứ một bệnh nhân cùi nào. Một vấn đề được đặt ra, có phải thi sĩ tài hoa này từ giã cõi đời là vì bệnh phong đã đến hồi kết?

Trong câu chuyện với người em của thi sĩ Hàn Mặc Tử, bác sĩ Gour Vile cũng nói rằng kinh nghiệm từ các trại cùi, không có bệnh nhân nào chỉ đau có từng ấy năm mà chết được.

Ông trách gia đình Hàn Mặc Tử không đưa nhà thơ đi trại phong sớm. Và bác sĩ cho rằng, Hàn Mặc Tử chết là do nội tạng hư hỏng quá nhanh do uống quá nhiều thuốc tạp nham của lang băm trước khi nhập viện phong Quy Hòa. 

Ông Nguyễn Bá Tín từng giải thích về việc anh mình đi trại phong chậm như thế này: “Tôi cũng biết có nhiều người chạy chữa công khai, không có mặc cảm, không sợ tiếng tăm nên đã lành bệnh. Có lẽ mẹ tôi quá tế nhị về điểm này. Cũng có thể là bà cụ không nỡ để anh có cảm nghĩ về bệnh nan y của anh bị ruồng rẫy”.

Khi Hàn Mặc Tử phát bệnh, mẹ của ông mời một ông thầy ở Gò Bồi, ngoại ô thành Quy Nhơn đến bắt mạch bốc thuốc. Uống được chừng nửa tháng, đã có các biến chuyển tốt, những dấu đỏ trên người biến gần hết.

Lúc này, ông cảm thấy rất phấn khởi, chỉ nghĩ đến ngày lên đường vào Sài Gòn làm tờ Phụ nữ tân văn. Cũng vì nôn nóng, một hôm Hàn Mặc Tử uống thuốc gấp đôi liều lượng, người co giật ngã từ trên giường xuống đất khiến gia đình hoảng hốt. Từ đó tiến triển bệnh dường như bị chững lại.

Sau thời kỳ này, việc chữa bệnh cho Hàn Mặc Tử liên tục đổi thầy, đổi thuốc. Có một điều, ông không chịu chữa trị bằng tây y mà cứ theo đông y. Mô tả của những người thân của Hàn Mặc Tử trong thời kỳ này là: Thân thể không lở lói nhưng gầy sọm đi, nước da thâm nâu như tô lên thứ thuốc vẽ chỗ đậm chỗ lợt.

Lúc nhập viện, Hàn Mặc Tử chỉ nằm ở Bệnh viện Quy Nhơn ít hôm rồi được chuyển vào Bệnh viện phong Quy Hòa (20/9/1940) mang số bệnh nhân 1.134 và đến ngày 11/11/1940 thì qua đời tại đây. 

Nếu giả thuyết rằng Hàn Mặc Tử chết vì nội tạng hư hỏng quá nhanh nên cơ thể chóng suy sụp dẫn đến tử vong, thì bệnh phong cũng góp nguyên nhân làm ông tử vong nhanh như vậy. Sau này, có người cho rằng ông không chết vì bệnh phong mà chết vì chứng kiết lị. Vậy thực hư thế nào?. 
 
Hàn Mặc Tử trút hơi thở cuối cùng trong cô đơn lặng lẽ, không có bất kỳ một người thân nào bên cạnh. Gần 50 năm sau, người bạn đồng bệnh của ông là Nguyễn Văn Xê mới kể lại chi tiết những giây phút cuối cùng ấy trên tạp chí Sông Hương số 28 ngày 11/12/1987.

Hồi ký viết lại rằng, ngày 20/9/1940, có tiếng phanh xe ôtô trước Nhà thương nam làm bệnh nhân người nhìn qua cửa sổ, kẻ lẹ chân chạy ra gần chiếc xe. Mẹ Juetta lẹ làng chạy ra cửa tiếp hồ sơ nơi tay bác y tá đứng tuổi rồi đỡ bệnh nhân xuống. Đến giường số 3, mẹ dừng lại, nhìn hồ sơ và nhẹ nhàng nói: “Trí, đây là chỗ của con”.

15 giờ chiều hôm ấy, ông Xê bắt chuyện với Hàn Mặc Tử: “Tôi là Xê, người Huế, vào trại đã hai năm, hiện đang giúp việc cho các mẹ. Tôi còn nhỏ lắm, mới 21 tuổi thôi, xin anh Trí hãy gọi bằng em cho thân mật”, Hàn Mặc Tử lắc đầu: “Anh Xê đừng quan tâm chuyện tuổi tác, tôi cũng mới hai mươi tám”.

Hàn Mặc Tử nói với ông Nguyễn Văn Xê: “Khắp các tiệm thuốc bắc và các ông bà thầy thuốc nam ở Bình Định tôi đến chữa không sót một người, mà càng ngày thân thể ra thế này”.

Hàn Mặc Tử vào Quy Hòa được ba tuần. Nhờ sự chăm sóc chu đáo, tận tụy của các nữ tu dòng thánh François Dassise, mà đặc biệt là mẹ Juetta phụ trách Nhà thương nam là người lo lắng cho Hàn Mặc Tử nhất nên bệnh tình thuyên giảm rõ rệt.

Từ tuần lễ thứ tư, sinh hoạt của ông đều đều: 5h sáng dậy đi nhà thờ đọc kinh và rất sốt sắng chầu lễ, rước lễ; 7h cùng anh em bệnh nhân ăn điểm tâm cháo trắng với đường đen; 8h băng bó, uống thuốc hoặc chuyện trò với anh em đồng bệnh; 11h ăn cơm trưa rồi nghỉ ngơi; 14h30 đi nhà thờ đọc kinh lần hạt; đến 17h đi ăn cơm chiều.

Sang tuần thứ năm, Hàn Mặc Tử được mẹ Juetta chích thuốc trị bệnh thời đó do bác sĩ Gour vile, Giám đốc Bệnh viện Quy Nhơn bào chế với tên Huile de Cholmoogra để chích ven mỗi lần 1/2cc cộng với thuốc trị công phạt ác tính là Essene Teberentine nên bệnh có vẻ giảm do đó thường thấy Hàn Mặc Tử bách bộ lui tới ở hành lang Nhà thương nam hoặc ở vườn hoa ngồi suy tư trên ghế đá với tập giấy kẹp ở nách cầm cây bút chì nhỏ mòn cùn.

Hàn Mặc Tử sinh hoạt bình thường cho đến vào buổi trưa 30/10/1940, sau khi đi đọc kinh lần hạt ở nhà thờ về.

Cả buổi trưa cho đến tối ngày hôm đó (30/10/1940) ông Xê bận việc đến sáng hôm sau mới hay Hàn Mặc Tử đi kiết bị kiệt sức nên không thể đến nhà thờ.

Khi ông Xê đến thăm thì thấy Hàn Mặc Tử phờ phạc, xanh xao nhiều lắm nên ông đề nghị mẹ Juetta cho ông vào trong phòng liệt nằm cho tiện. Rồi suốt hơn một tuần lễ từ 30/10 đến 7/11/1940 thì bệnh kiết lị của Hàn Mặc Tử vẫn không thuyên giảm mà có phần tăng thêm nên người ông khô đét, gầy guộc xanh xao đến thảm não.

Đêm 8/11/1940, Hàn Mặc Tử đi tiêu rất nhiều lần, mỗi lần đi có một chút chất nhầy và vài giọt máu nên ông Xê thấy Hàn Mặc Tử mệt lả đến đi không nổi, ông phải dìu đi tiêu, rồi về giường nằm. 

Đêm càng về khuya thì sức ông Xê càng mệt nên đã ngủ quên chắn cả lối đi, không ngờ trong lúc ấy Hàn Mặc Tử tuột xuống giường đi không nổi nên đã lấy một cái âu ngồi lên đó mà đi tiêu.

Khi ông Xê giật mình thức giấc thì thấy Hàn Mặc Tử ngồi trong xó tối sau chiếc tủ con ôm bụng nhăn nhó nói: “Anh Xê ơi, đỡ tôi lên với”. Ông Xê đến đỡ Hàn Mặc Tử lên giường nằm rồi mới nói: “Sao anh không thức tôi dậy”, thi sĩ trả lời vô cùng mệt nhọc: “Tôi thấy anh cũng mệt nên để anh nghỉ một chút”. 

Sáng 9/11/1940, sau khi khám bệnh, mẹ Juetta bưng chén thuốc cho Hàn Mặc Tử uống xong nói: “Chiều nay có xe đi mời Cha Tuyên úy vào xức dầu cho con”, ông gật đầu và nói tiếng “dạ” rất nhỏ. Sáng 10/11/1940 lúc 6h45, Cha cho Hàn Mặc Tử được chịu phép xức dầu và rước lễ lần cuối.

Đêm 10/11, ông Xê trực, hai mẹ Juetta và soeur Julienne có đến thăm Hàn Mặc Tử ba lần và lần thứ ba khoảng 3h thì soeur Julienne cho biết từ đó đến sáng Hàn Mặc Tử sẽ chết.
Thời gian của đêm đó như chùng xuống, ông Xê nhìn Hàn Mặc Tử ngoài những lúc đau bụng đi tiêu, thì khi quỳ cũng như ngồi hoặc nằm, Hàn Mặc Tử đều đọc kinh cho đến ngày 11/11/1940 lúc 5h45 sáng thì ông nhẹ nhàng tắt thở.

Có người cho rằng con đường đi đến cái chết của Hàn Mặc Tử dù ngắn ngủi nhưng hồ như vật vã đau đớn suốt một chuỗi thời gian quá nặng nề. Chính vì ông bị suy sụp tinh thần nên bệnh tật càng có cơ hội tàn phá sức khỏe ông đến kiệt cùng. Và rất nhiều ý kiến cho rằng, một trong những điều tác động gây nên sự suy sụp ấy, chính là do bản thân nhà thơ có chứng tâm thần từ thời mới lớn, nên rất hay hoảng loạn và hoang tưởng.

Đây cũng là một ý kiến có sức thuyết phục vì thơ ông thường có những dấu hiệu của “cuồng điên hoảng loạn”, đặc biệt là những năm tháng cuối đời. 

Người em trai của ông, sau nhiều năm lặng lẽ chiêm nghiệm, đã công bố một kết luận vào năm 1991: “Trong quá trình chung sống bên anh tôi ghi nhận anh có hiện tượng suy nhược tâm thần, bệnh đó đã được nhiều người bạn tôi, chuyên khoa tâm lý sau này xác nhận là hiện tượng “névrose”, một chứng rối loạn thần kinh nào đó, mà con người vẫn còn sáng suốt và rung cảm bén nhạy. Vẫn làm chủ được trí óc mình”. 

Khoảng 17, 18 tuổi, Hàn Mặc Tử suýt chết đuối ở biển Quy Nhơn. Sau khi thoát chết, ông trở nên hoảng loạn khác thường. Từ đó, ông bỏ luôn thói quen tắm biển, sợ nước, ít hoạt động, hình thể gầy nhỏ đi. Nhiều biểu hiện làm cho gia đình sợ rằng ông bị tâm thần, nhưng sau đó thấy ông bình thường, thậm chí còn tập làm thơ nên cũng quên đi nỗi lo lắng…(Theo nghiêng cứu mới nhất của Hàn Phương về nhà thơ Hàn Mạc Tử)

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Huyền thoại Ghềnh Ráng

Ghềnh Ráng, bãi tắm Hoàng Hậu
Nhà tôi ở khu vực Đống Đa, học tiểu học ở trường Đống Đa. Khu Bãi Trứng Ghềnh Ráng là khá xa đối với chúng tôi thời bấy giờ, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi cũng đạp xe xuống Bãi Trứng chơi. Lúc bấy giờ Bãi Trứng chưa có cổng bảo vệ, không phải mua vé vào và có rất nhiều mít. Mộ Hàn Mạc Tử còn đơn côi nằm vắt bên đồi nhìn xuống Bãi Trứng, Gềnh Ráng.

Ở vùng phía Nam bãi biển Qui Nhơn có một bãi biển thơ mộng, sơn thủy hữu tình, bà con ở đây thường gọi là bãi tắm Hoàng Hậu. Không như nhiều bãi biển khác chỉ có cát vàng mịn màng trải dài vô tận, bãi biển ở đây, trên lớp cát lại là hàng ngàn tảng đá to bằng thân người, có tảng hình tròn, nhiều tảng hình bầu dục, nhẵn, màu trắng hoặc xám có vân trứng cút nằm san sát bên nhau, tạo nên một vẻ đẹp kỳ diệu.

Vùng biển này trở thành một kỳ quan được du khách khắp nơi say mê chiêm ngưỡng. Nhưng có lẽ chưa ai biết được nơi đây còn có điều kỳ diệu hơn ẩn bên trong đó là một mối tình tuyệt vời nhưng cũng là bài ca ly biệt đầy khổ đau của một người thiếu nữ đã nhỏ máu tim mình làm đẹp cho đời...

Chuyện kể rằng, đã lâu lắm rồi, thuở ấy nơi này có một dòng sông nhỏ, nước sông bình lặng trong vắt chảy giữa đôi bờ cây cỏ tươi xanh.

Ở làng kia có một đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết. Vì những qui định khắc nghiệt của dòng tộc nên họ chẳng được cùng nhau sánh duyên. Nhưng tình yêu đã giúp họ vượt qua mọi trở lực ngang trái. Cô gái dịu hiền, thông minh, xinh đẹp đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa giàu sang cùng chàng trai mồ côi tuấn tú trốn đến dòng sông hẻo lánh này cùng sinh sống nên vợ nên chồng. Họ sống yên ấm bên nhau dưới mái nhà lợp bằng lá dừa. Chàng trai ngày ngày đánh bắt cá tôm trên dòng sông, cô gái đảm đang chuyên cần việc ruộng vườn, đồng áng.

Một lần chàng trai đánh được một con cá to kỳ lạ. Họ mừng vui vì sẽ có đủ thức ăn khô dành cho mùa mưa bão. Khi mổ cá ra, họ còn vui sướng hơn vì đã nhặt được trong bụng cá một viên hồng ngọc sáng long lanh.

Được viên hồng ngọc quý, chàng trai lặng lẽ tự mài chuốt thành một chiếc nhẫn xinh đẹp, trên mặt nhẫn khắc hình đôi trái tim nhỏ, đỏ rực như một dòng máu đang chảy dạt dào.

Một đêm rằm trung thu, trăng thanh gió mát, họ cùng nhau dạo chơi bên dòng sông. Trên bãi cát, giữa trời đất bao la họ nằm bên nhau vui đùa, tỉ tê trò chuyện. Chàng trai lấy chiếc nhẫn quý, âu yếm trao vào tay người yêu và nói những lời có cánh:

- Ta trao cho em chiếc nhẫn này để em giữ làm tin. Đây là tấm lòng của ta công lao của ta, là tình yêu, là trái tim ta luôn ở bên em. Khi em thức nó sẽ thức cùng em. Khi em ngủ nó cũng ngủ bên em. Như ta mãi mãi bên nàng...

Cô gái lặng đi vì xúc động. Rồi họ ôm hôn nhau - Hôn êm đềm, tha thiết.

Bầu trời bát ngát, ánh trăng ngời ngời, dòng sông hiền hòa lấp lánh, bãi cát mênh mông, huyền ảo đã chứng giám cho mối tình nồng thắm của họ.

Khi yêu, ai lại không nghĩ đến hạnh phúc trọn đời và không gì có thể làm nhạt phai...

Một buổi sáng tinh mơ, sau cơn mưa, bình minh ló dạng. Phương Đông mặt trời từ từ nhô lên đỏ thắm như một viên hồng ngọc khổng lồ, một chiếc cầu vòng rực rỡ vắt ngang bầu trời, hào quang tỏa muôn hồng nghìn tía. Trước vẻ kỳ vĩ của tự nhiên, mọi người đều bàng hoàng. Chàng trai ngắm chiếc cầu vòng với niềm say mê chan chứa. Một ướt muốn kỳ lạ bỗng bừng dậy nôn nao trong lòng chàng khiến chàng đứng ngồi chẳng yên. Sự khao khát về một nơi sung sướng giàu sang kéo chàng đi dần vào cõi mộng mơ. Những ngày sau chàng đi đánh cá sớm hơn, và về nhà cũng muộn hơn như để được tự do tìm đến với vẻ đẹp cuốn hút của chiếc cầu vồng. Cô gái đã có lúc khóc thầm khi cảm nhận vẻ đột nhiên xa lạ lạnh lùng của người yêu. Những lời dịu ngọt âu yếm đã bay khỏi môi chàng tự lúc nào.

Một hôm chàng nói với nàng:

- Sống như thế này khổ quá. Tôi phải đi tìm cho chúng ta một cuộc sống sung sướng hơn. Nơi có chiếc cầu vồng hào quang kỳ lạ đó sẽ có chỗ cho ngôi nhà rực rỡ của chúng ta.

- Chàng ơi - nàng tha thiết van nài – Chàng đừng đi đâu xa nữa. Cuộc sống của chúng ta thế này là hạnh phúc lắm rồi. Em nào dám mơ ước gì hơn. Chàng đi sẽ gặp biết bao nhiêu gian truân và... cám dỗ, liệu chàng có trở về cùng em...

- Nàng đừng cản bước ta

Chàng nói dứt khoát và thâm tâm lại nghĩ đến nơi có chiếc cầu vồng rực rỡ. Ôi, chiếc cầu vồng ảo vọng của chí tang bồng đã kéo chàng trai vượt khỏi vòng tay yêu thương của người con gái dịu hiền. Sự cám dỗ như phép phù thủy nào đã làn ngu muội trí nhớ, khiến chàng trai đánh mất lời nguyện ước. Chàng đã ra đi không hẹn ngày trở lại, và chàng đã không bao giờ còn về được với kho báu vô giá - niềm hạnh phúc của đôi lứa đã kiếm tìm.

Ngày qua tháng lại, tin nhạn biệt tăm. Khổ đau thương nhớ đã làm tàn phai nhan sắc người con gái. Giọt máu của chàng trong nàng ngày một lớn lên, quẫy đạp nhắc nhở sự hiện diện của mối tình nồng thắm, khiến nàng càng thêm xót xa đau đớn. Nàng thẫn thờ lang thang tìm kiếm chàng dọc theo dòng sông. Nàng khóc than về nỗi bất hạnh của mình. Những dòng nước mắt mặn chát, nóng hổi của nàng tuôn xuống như mưa làm cho nước sông dâng tràn thành một vùng nước mặn mênh mông không bờ không bến. Những giọt nước mắt nhớ thương biến thành những con sóng dào dạt ngày đêm. Chúng từ bờ cát bơi ra mãi xa khơi kiếm tìm rồi lại trở về, thất vọng chìm sâu vào cồn cát cứ dâng đầy.

Nước mắt của người con gái đã cạn khô. Nàng như người vô thức. Một lần con dao thái rau đã cứa vào ngón tay đeo nhẫn của nàng. Qua dòng máu chảy ròng ròng, nàng bỗng nghe từ đâu đó có tiếng người yêu kêu khóc thảm thiết. Nàng thảng thốt bật dậy chạy đi khắp nơi tìm kiếm. Nàng đi đến đâu máu nhỏ đến đấy. Mỗi giọt máu rơi xuống cát liền đông cứng lại thành một hạt cát đỏ tươi. Phút chốc bãi cát trắng biến thành một vùng cát đỏ.

Khi trái tim cô gái nhỏ giọt máu cuối cùng thì nàng cũng đã gục xuống và thân thể liền tan hòa vào vùng cát đỏ. Những hạt cát đỏ ấy tự nhiên to lên như hòn sỏi rồi lớn dần thành từng tảng đá đỏ như những giọt máu khổng lồ. Khi gặp ánh mặt trời cả bãi đá bừng lên một nguồn ánh sáng hoàng hôn lộng lẫy mà mấy thiên niên kỷ qua chưa từng có. Chính vì vậy mà cái tên Gềnh Ráng trời cho trở thành cái địa danh cho người trước truyền lại cho người sau làm cánh cửa huyền bí cho một chuyện tình có một không hai trên thế gian này.

Biết bao mùa xuân đi qua, những nụ hoa mai nở vàng rồi rơi rụng lặn vào đất đai như bao kỷ niệm xóa nhòa theo thời gian. Vùng nước mặn bao la ở đây đã được gọi là biển cả. Muôn đợt sóng biển cuồn cuộn nỗi nhớ thương ngày đêm khôn nguôn dào dạt phủ tràn lên cùng đá đỏ, mài mòn những khía cạnh sần sùi của đá. Những giọt nước biển mặn mòi mang sắc đá đỏ khi cuốn ra khơi xa như kiếm tìm, nhưng rồi ngưng lại, kết tụ như rừng cây không lá không hoa, song vẫn không phai nhạt màu sắt son và đã chìm sâu vào lòng biển nơi nó phiêu dạt, mà người đời sau trìu mến gọi là san hô.

Qua nhiều thế kỷ, màu đỏ của đá bị sóng biển cuốn hết chỉ trơ lại sắc trắng và xám. Nhưng những tảng đá ấy vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu của giọt máu có tảng hình tròn, có tảng hình bầu dục, hình trái tim. Chúng giống như những quả trứng khổng lồ nằm xếp lên nhau nên người ta gọi là bãi Trứng.

Mãi về sau, có một vị hoàng đế trẻ trong một lần du ngoạn đã đến vùng này, tâm hồn lưu luyến trước cảnh trời biển mênh mông thẳm xanh vời vợi. Khi bình minh lên mặt trời tỏa rạng, nhìn thế núi trông xa như một tòa lâu đài cổ kính uy nghi, xung quanh cây cối xanh tươi như một vườn ngự uyển lộng lẫy, kín đáo. Vì vậy nhà vua đã chọn nơi đây làm bãi tắm cho người vợ yêu quý của mình.

Từ dạo ấy, bãi Trứng còn có thêm tên là bãi tắm Hoàng Hậu. Và ngày nay biết bao lứa đôi là "Hoàng đế, Hoàng hậu" đã đến đây ngoạn cảnh, tắm biển và còn đắm mình trong chuyện tình xa xưa mà lắm bạn chưa hay biết bởi còn vô tình. (Theo Xuân Mai, Báo Bình Định)

Bí đao khổng lồ Phù Mỹ, Bình Định

 
Những quả bí đao khổng lồ nặng hơn nửa tạ ở làng Chánh Trạch (Mỹ Thọ, Phú Mỹ, Bình Định) xuất hiện khiến nhiều thương lái từ khắp nơi đổ về “lùng” mua hàng chục tấn. Thậm chí còn có nhiều người về Chánh Trạch để săn mua… hạt giống.

“Hàng độc” bí đao
 
Phải nói sản vật “độc nhất vô nhị” biến cái thôn Chánh Trạch này thành làng đặc sản “ghi-nét” chính là những quả bí đao khổng lồ. Bí đao “hàng độc” nặng 20-30 kg một quả là chuyện bình thường. Ở đây có trái nặng trên 50 kg. Người dân làng nơi đây vẫn kháo nhau rằng bí rất sai quả. Một giàn bí đao trung bình trên dưới 50 quả, có giàn cả trăm quả. Do đó, muốn làm giàn cho những trái bí khổng lồ “ngự tọa”, người dân thôn Chánh Trạch 1, Chánh Trạch 2 phải mất rất nhiều công phu. Họ phải tận dụng khoảng 50-70 cây tre để làm giàn. Để đảm bảo độ vững chắc, dưới mỗi trái bí họ còn chống thêm những chiếc nạng tre.
 
Hiện, trên địa bàn xã Mỹ Thọ có đến hơn 100 hộ dân trồng loại bí đao khổng lồ này. Chẳng ai biết cái giống ngoại hạng này có mặt trên đất này từ bao giờ, nhưng theo những lão nông cao tuổi như ông Cao Thanh (72 tuổi) thì khi ông bé tí tẹo đã nhìn thấy cây bí đao này xuất hiện rải rác trong thôn. Ông bảo rằng, những năm sau ngày Giải phóng, ở thôn Chánh Trạch có chủ vườn bí có những quả bí đao dài như cái chum lớn, nặng gần cả tạ chứ chẳng ít. Nhưng lạ thay cũng hạt giống bí đao đó, nếu trồng tại Chánh Trạch thì kích cỡ quá khổ làm thiên hạ phải giật cả mình, vậy mà mang đi nơi khác thì nó lại trở về nguyên trạng như trái bí đao bình thường bán ở chợ, nặng chừng vài kg mà thôi.
Một giàn bí đao khổng lồ ở làng Chánh Trạch (Mỹ Thọ, Phú Mỹ, Bình Định)

Lão nông Cao Chư (80 tuổi) ở thôn Chánh Trạch 1 tâm sự: “Tôi trồng bí trọn cả đời làm nông của mình. Tôi tự hào về những trái bí khổng lồ mà mảnh đất này sinh ra nhưng chẳng biết vì sao nó lại to quá khổ lạ kì như thế. Lúc còn nhỏ, tôi vẫn thường thấy những vườn bí đao trong làng trái nào trái nấy cũng to như thế rồi. Thắc mắc, tôi hỏi cha tôi thì người cũng chỉ cười mà lắc đầu thôi. Nông dân chúng tôi mù mờ như thế đấy, chứ nếu có nhà nông học nào về đây nghiên cứu thì ắt biết vì sao bí đao nơi đây ‘đột biến’ lạ kì như thế!”. Anh Cao Thanh Truyền, Trưởng thôn Chánh Trạch 1, con trai ông cho biết thêm: “Toàn xã có 165 hộ thì hơn 100 hộ lấy nghề trồng bí đao làm nguồn thu nhập chính trong gia đình. Bí đao ở đây cho thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác rất nhiều!”.

Đặc sản “ghi-nét” chữa bệnh
Anh Trực và bí đao khổng lồ của mình
Chức “quán quân” bí đao to nhất ở Mỹ Thọ năm nay phải dành cho anh Dương Công Trực (45 tuổi) ở thôn Chánh Trạch 2. Nhà anh thực sự chật chội khi chúng tôi ghé thăm bởi 60 quả bí đao vừa thu hoạch còn đang được xếp trong nhà, quả nào cũng nặng hơn 50 kg. Hớn hở, anh Trực tiết lộ: “Trồng bí đao bán được nhiều tiền là chuyện đương nhiên rồi. Nhưng thứ nước được tiết ra từ thân cây bí đao cũng là một loại thuốc ‘ngoại phương’ đấy. Nó có thể chữa trị các bệnh băng nhiệt, sỏi, viêm tiết niệu và giải rượu”.
 
Chị Nguyễn Thị Mười, Bí thư Chi bộ thôn Chánh Trạch 2 cũng thừa nhận lời anh Trực là đúng: “Sau khi thu hoạch hết quả, cắt dây bí đao cách mặt đất khoảng 1m rồi dùng chai, lọ hứng lấy nước, mỗi dây cho khoảng 1-2 lít nước. Nước bí hứng được cất vào can nhựa để trên 2 ngày cho nước lóng lại là có thể uống. Nhà nào trồng bí cũng làm như thế để dành cho con cháu uống mỗi khi có bệnh. Ai đi đường xa nắng nôi chi, chỉ cần uống một li nước bí đao là khỏe re. Sở dĩ bí đao ở đây cho nhiều nước vì đặc dây chứ ở những nơi khác không có được vì dây bí thường rỗng ruột”.
 
Mở hướng cho “thiên đường” bí đao
 
Mấy tháng trước, dù đồng đất Chánh Trạch cho người dân ở đây được sở hữu một giống bí đao khổng lồ đến “độc nhất vô nhị” nhưng xem ra người dân không mặn mà lắm với việc trồng bí bởi trái quá to, người dân ở chợ chẳng dám mua và giá cũng chỉ dao động từ 1.000-1.500 đồng một kg. Không ai nghĩ đến chuyện thâm canh vùng trồng bí thành vùng hàng hóa. Nhưng nay thì khác! Từ sau khi quả bí đao khổng lồ ở Chánh Trạch xuất hiện trên báo, nhiều tư thương ở khắp nơi tìm về thu mua rầm rộ.
 
Ông Nguyễn Ngọc Tuyên, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Mỹ Thọ, cho biết: “Vừa qua, Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây ở TP HCM tìm về tận Chánh Trạch “vét” mua bí đao khổng lồ cả 20 tấn. Lúc này, những quả bí đao không còn sợ bị ế vì những tư thương đến Chánh Trạch chỉ mua những quả từ 20 kg trở lên. Chỉ chưa đầy một tháng, giá bí đao đã tăng vọt từ 1.500 lên 4.500đồng một kg. Do những năm trước đầu ra của bí đao khó khăn quá nên số hộ trồng bí đao ngày càng giảm dần, chỉ trồng đủ ăn trong nhà nên giờ không có bí mà bán.
 
Hiện, các giàn bí đao ở đây đã “sạch” trái, các nhà vườn đã bán hết, chỉ giữ lại vài trái để lấy hạt làm giống. Thậm chí còn có rất nhiều người đến từ các tỉnh miền Bắc lùng tìm mua hạt giống bí đao. Thế nhưng từ trước đến nay, dân Chánh Trạch có ai nghĩ có ngày này đâu mà để hạt giống bán. Nghe đâu như là bí đao Chánh Trạch đang được bà Lê Thị Giàu, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây đưa sang tiêu thụ thị trường nước ngoài. Nếu những quả bí đao khổng lồ của Chánh Trạch đã đi và được như vậy thì chắc chắn trong thời gian đến, các chủ nhà vườn ở đây sẽ phát triển mạnh mẽ việc trồng bí đao và người dân Chánh Trạch sẽ “sống” được từ sự tự hào của họ và làng đặc sản guiness này!”. 

Chình giống Mỹ Châu

Tôi mê món chình nướng ngay từ lần thưởng thức đầu tiên, đâu vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, do một ông già người Hoa chế biến ở cái quán nằm trên đường Bạch Đằng (TP Quy Nhơn). Quán có rượu ngâm đủ các thứ rắn, còn ông già nói tiếng Việt lơ lớ nên bọn tôi cứ gọi là quán “Dụ Dắn”. Quán “Dụ Dắn” chỉ tồn tại có vài năm nhưng món chình nướng thì đã ngấm vào vị giác của tôi cả một đời. Tháng 6 này, tôi về Châu Trúc kiếm chình và bỗng nhận ra mình “chỉ có ăn là giỏi”!
Đầm Trà Ổ, nơi trú ngụ hiếm hoi của con chình mun. 
Quả, nói về chuyện ăn chình, tôi dám tự hào mình thuộc hạng sành. Có bạn bè, thân hữu làm chứng, bởi có buổi tiệc lớn hay giỗ chạp nào ở nhà tôi mà không có món chình. Muốn có chình, tôi chỉ rút di động, a lô: “Chị Bích ơi, lấy giùm cho 1 kg (hay 2 kg) chình mun (hay bông) loại hai con (hay một con)!”. Vậy là vài giờ sau, trong nhà tôi đã có chình.
Chuyện chình ướp nướng hoặc chình um bắp chuối khế chua, vợ tôi vẫn thường “lấy điểm” trong mắt bạn bè. Nói chung, với tôi, chình là món ăn khoái khẩu! Cái mật chình đem bóp hòa vào rượu Bàu Đá nếp, xin lỗi, Heneiken lon cũng chỉ đáng để dùng “chữa lửa”. Lại nghe, chình mun là đặc sản của Châu Trúc, của Bình Định. Vậy mà cho đến những ngày trung tuần tháng 6 này, tôi mới có dịp đi Châu Trúc coi chình lớn lên như thế nào?
Anh em phóng viên báo tỉnh đi công tác Phù Mỹ thường nhờ Xuân Lộc, phóng viên “lão thành” của nhà đài ở huyện. Lần này, Xuân Lộc cũng hăng hái làm “cán bộ đường lối” cho tôi. Chúng tôi ghé xã Mỹ Châu, vị lãnh đạo xã đang tất bật với cuộc họp, chỉ kịp cho một lời hướng dẫn: “Muốn biết về con chình, cứ xuống xóm Cù Lao, thôn Châu Trúc, gặp ông Tú”. Chúng tôi trực chỉ về đầm Trà Ổ, băng qua con đường mới đến một doi đất nổi giữa mênh mông mặt đầm.
Nhà “ông Tú chình” tọa lạc trong một khu vườn rộng, hai phía giáp đầm. Anh Tú bận đi “tắm thuốc” cho chình ở nhà một bạn hàng trên thị trấn Bình Dương. Trong lúc đợi anh trở về, chúng tôi tranh thủ tham quan “trang trại chình”. Đó là một hệ thống gần chục chiếc bể xi măng cao chừng 1,2 m chứa chình đủ các kích cỡ cùng cá bống tượng. Những con chình trùi trũi nằm ẩn trong những chiếc ống nhựa. Thoạt nhìn thấy một con chình nằm ngửa, dáng lờ đờ, tôi đề nghị chị nhà anh Tú giúp cho món nướng thay bữa ăn trưa. Chị vui vẻ nhận lời. Thì ra, thỉnh thoảng anh chị cũng tiếp những người khách như chúng tôi, muốn được nhâm nhi món chình nướng, chình um ngay giữa đầm Trà Ổ lộng gió.
Anh Lê Trung Vinh, cán bộ kỹ thuật Trạm Thực nghiệm nuôi thủy sản Mỹ Châu, kiểm tra chình giống.
* Ở vựa chình giống số một
Anh Tú trở về và bữa tiệc cùng câu chuyện về con chình của chúng tôi kéo dài khi chị đi làm thêm con chình thứ hai, rồi con cá bống tượng, cá rô phi nướng mọi.
“Tú chình” tên thật là Võ Tuấn Tú, xuất thân là một ngư dân ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. 14 năm trước, từ một dự án nghiên cứu về con chình mun thực nghiệm ngay tại thôn Châu Trúc, Tú là tổ trưởng một tổ kỹ thuật 5 người. Dự án kết thúc song niềm đam mê con chình đã đưa đẩy anh trở thành cư dân xóm Cù Lao và giờ thành ông chủ của vựa chình giống số một Bình Định. Tú nói về chình thành thạo cứ như là một chuyên gia.
Qua anh Tú mà tôi biết chu kỳ sống rất đặc biệt của họ nhà chình: Sinh trưởng trong nước ngọt, đến tuổi trưởng thành, di cư ra vùng biển sâu để sinh sản. Trứng nở ra ấu trùng và trải qua quá trình biến thái phức tạp xảy ra trên con đường di cư từ biển về nơi sống của dạng trưởng thành trong các sông, suối, đầm, hồ nước ngọt. Chính vì vậy mà đã có bao công trình nghiên cứu cho chình sinh sản nhân tạo không cho kết quả thành công nào.
Bữa tiệc chình của chúng tôi phải kết thúc trước 15 giờ bởi các bạn hàng của anh Tú đã đến nhập hàng. Gần chục con người thoăn thoắt vào việc. Những con chình đủ các kích cỡ được nhốt trong những bao nilon có sục ôxy đưa đến vựa được anh nhanh chóng kiểm đếm, phân loại, sục ôxy nước đá cho vào bao, rồi đóng vào thùng xốp. Buổi chiều ấy, có chừng 50 kg chình được chia làm 3 kích cỡ đóng trong 5 chiếc thùng xốp gửi thẳng đi Cà Mau, Bạc Liêu. Loại 10 con/kg có giá bán 750 ngàn đồng, loại 30 con/kg giá 870 ngàn đồng và loại 50 con/kg giá 950 ngàn đồng!
Anh Tú cho biết, anh cung cấp chình giống cho các cơ sở nuôi chình chủ yếu là ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ như: Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng… Nghề nuôi chình ở Bình Định chưa phát triển mấy, số người nuôi chình thương phẩm mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chủ yếu ở các huyện Vĩnh Thạnh, An Nhơn, An Lão, Tuy Phước… Nguyên nhân khiến người Bình Định chưa thật hít với nghề nuôi chình, theo anh Tú, là do vốn đầu tư lớn, thời gian thu hoạch dài… Đó là những thứ chỉ dành cho những người chăn nuôi biết kiên nhẫn.
Anh Võ Tuấn Tú phân loại chình giống trước khi xuất bán.
* Tiềm năng cho một nghề nuôi mới
Thu gom và cung cấp chình giống như kiểu anh Tú là một dạng mua đâu bán đó, hầu như không phải lo lắm về chuyện nuôi nấng, cho ăn, chữa bệnh cho con chình. Chình giống của anh Tú xuất đi cũng không lo việc “bảo hành”; người mua chấp nhận một tỉ lệ hao hụt, thậm chí khá lớn. Tuy nhiên, ở ngay địa phận xã Mỹ Châu, cách không xa đầm Trà Ổ là mấy, có một địa chỉ hướng đến việc cung cấp giống chình một cách bài bản, “bảo hành” và thậm chí là chuyển giao công nghệ nuôi. Địa chỉ đó là Trạm Thực nghiệm nuôi thủy sản Mỹ Châu thuộc Trung tâm Giống thủy sản Bình Định.
Hơn ai hết, từ lâu Trung tâm Giống thủy sản cũng đã hiểu rằng tỉnh nhà đang sở hữu nguồn cá chình bột tự nhiên nhiều thuộc loại nhất, nhì trong cả nước. Chính vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật ương cá chình bông giai đoạn từ cá bột đến cá hương và từ cá hương đến cá giống nhằm sử dụng hiệu quả nguồn giống này là vấn đề cấp thiết, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho nghề nuôi trồng thủy sản. Và đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu mùa vụ, địa điểm xuất hiện cá chình bột và xây dựng quy trình ương nuôi cá chình bông bột tại Bình Định”, do kỹ sư Phan Thanh Việt, Phó Giám đốc Trung tâm, làm Chủ nhiệm, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 5.2009. Qua nghiên cứu đề tài cho thấy, điều tuyệt vời là trên thế giới không có nhiều khu vực phân bố của con chình (chủ yếu là chình bông) như dải đất miền Trung mà đặc biệt là hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Riêng con chình mun (một loại chình quý hiếm được xếp vào danh mục các loài nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam) lại chỉ phân bố ở vùng Châu Trúc. Ở Bình Định, hàng năm cá chình bột xuất hiện từ tháng 12 năm trước đến tháng 8 năm sau (tập trung nhất là tháng 2) ở hầu hết các đập ngăn sông (khu vực hạ lưu), chủ yếu ở các đập Gia Phu, Bảy Yển, Cây Dừa, Lại Giang, Đức Phổ. Từ lâu, đã có nhiều ngư dân sử dụng vợt, lưới trũ, vó hoặc chà bổi để thu vớt, đánh bắt cá chình bột bán cho các vựa thu gom rồi phân phối cho các nhà nuôi ương (chủ yếu ở ngoại thành TP Hồ Chí Minh) thành cá chình giống.
Thực hiện đề tài này, hai năm qua, Trạm Thực nghiệm nuôi thủy sản Mỹ Châu đã tiến hành ương nuôi 4.000-5.000 con từ chình hương sang chình giống. Chúng tôi được Trạm trưởng Nguyễn Văn Thuận đưa đi tham quan các bể nuôi. Những con chình phát triển khá tốt bằng thức ăn nhân tạo đã lớn bằng đầu đũa. Đặc biệt, loài chình vốn chỉ ăn vào ban đêm song việc thay đổi tập tính bằng các phản xạ có điều kiện, các cán bộ kỹ thuật nơi đây đã có thể cho chình ăn ngay vào ban ngày - một cơ sở tốt giúp chình tăng trưởng nhanh chóng trong quá trình nuôi thương phẩm.
Gặp kỹ sư Phan Thanh Việt, anh cho biết, đang chuẩn bị báo cáo nghiệm thu đề tài. Theo anh, cá chình bông giai đoạn từ cá bột đến cá hương tăng trưởng chậm và có sự hao hụt lớn do thức ăn cho giai đoạn này chưa phù hợp; cá chình bị sốc môi trường khi chuyển vào môi trường nhân tạo, yếu tố dịch bệnh... Tuy nhiên, sau khi hình thành được cá chình giống (5-15 g/con), chất lượng con giống sẽ rất tốt, bảo đảm tỉ lệ hao hụt thấp, tăng trưởng nhanh khi nuôi thương phẩm.
Hy vọng, sự thành công của đề tài ương nuôi chình bông này sẽ mở ra phong trào nuôi cá chình bông thương phẩm mạnh mẽ hơn tại Bình Định; bởi với 340 ngàn đồng/kg chình thương phẩm hiện nay, chình bông đang đứng đầu giá trị trong các loài cá. Theo Quang Khanh - Xuân Lộc (Báo Bình Định)

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Thịt Chuột Đồng - đặc sản Miền Tây


Khi còn ở Qui Nhơn, hầu như không thấy ai nhắc tới chuyện ăn thịt chuột bao giờ, dù Bình Định đất ruộng cũng mênh mông nên không thiếu gì họ hàng nhà Tý. Tuy nhiên khi vào nghành du lịch xuôi Nam ngược Bắc, tôi đã có dịp về miệt Ðồng Tháp Mười trong mùa nước nổi hay xuống tận Chợ Mới Long Xuyên vào lúc gặt hái xong, ra xem người ta đốt đồng đặt lưới bắt chuột rất vui. Còn một kỹ niệm khác cũng không quên được, đó là lúc hoa phuợng nở rực trời báo hiệu mùa hạ tới thì vùng sông Tiền sông Hậu cũng bước vào mùa săn chuột. Tất cả các trường học đều đóng cửa và một số học sinh về quê trốn nắng. Lúc này Ðồng Tháp Mười đang vào mùa nước nổi và các cô nữ sinh từ thành phố về cũng theo gia đình đi đâm chuột. Thật không gì vui hơn khi được ngồi chung xuồng với các em để chiêm ngưởng tài nghệ phi thường của người con gái Ðồng Tháp ... nhất là lúc nàng đang nhón gót nhắm vào đàn chuột trên cành, nên quên giữ gìn ý tứ... để thật hớ hênh. 

Thế giới hiện nay có hơn 6000 loài gặm nhắm trong đó họ chuột chiếm 600 giống và thứ nào cũng ăn hại phá hoại và gây những dịch bệnh nguy hiểm cho người và súc vật không những cho VN mà ở đâu cũng đều chịu chung thảm họa do chuột gây ra. Chuột nhà và chuột đồng có vóc dáng hao hao bằng nhau chỉ khác là chuột đồng có bộ lông màu vàng nâu tương tự như màu lông của loài cheo, mển rừng. Chuột đồng rất tinh khôn, thường sống thành đàn trong những hang đào sâu ăn luồn dưới đất bên cạnh những ruộng lúa khắp đồng bằng sông Cửu Long. Do khả năng tình dục và sinh sản rất mạnh mẽ, nên ăn thịt chuột đồng thường xuyên, giúp cho người mạnh thận khí, tinh tủy đầy đủ, tóc đen, không đau lưng, hết mõi gối. Ðiều này cũng được ghi trong sách Ðông dược của thần y Tuệ Tĩnh ‘thịt chuột đồng đực có vị ngọt chát, hơi ấm không độc, dùng để chữa trị các chứng gẫy xương, phỏng lửa, các vết thương do đao kiếm gây ra và hiếm muộn con cái.

Nhưng trên hết đối với dân chơi mọi miền, chuột đồng lại là một món nhậu nổi tiếng không kém gì rắn, cầy tơ hay thịt dông khắp quê hương miền biển mặn. Nên đâu có gì lạ khi thấy dọc theo Quốc Lộ 4 từ cầu Tân An trở xuống tới Bắc Mỹ Thuận, Vàm Cống, Cần Thơ hay những ngôi chợ nổi bềnh bồng trên sóng nước Ngã Bảy, Cái Răng, Phong Ðiền (Phong Dinh), Trà Ôn (Vĩnh Long), Cồn Tròn (Ðịnh Tường), Chợ Thom (Bến Tre) và Cà Mau.. nơi nào cũng bày bán chuột đồng, một món chơi không thể nào thiếu trong các thực đơn của dân nhậu.

Sau ngày 1-5-1975 đi tù Cộng Sản tại Huy Khiêm, Tánh Linh, Bắc Ruộng.. những người lính của Sư Ðoàn 18 Bộ Binh năm nào lại có dịp hội ngộ với những con chuột đồng to béo trên khắp đồng ruộng lúa nước và lau sậy, chạy dọc theo hai bờ sông La Ngà từ Kà Tót tới tận Sùng Nhơn giáp ranh với Long Khánh. Chuột ở đây lớn hơn loài chuột vàng ở đồng bằng sông Cửu, mắt to và sáng, chạy nhanh như mển rừng không dễ gì tóm được. Nhưng trời sinh voi thì phải sinh cỏ, nên những lúc đi lao động ở ngoài, chỉ cần làm chừng vài chục cái bẩy chuột bằng tre là có thịt tươi ăn hằng ngày để ‘ cải thiện‘ những thân xác khô đét của Lính ngày ngày làm việc quá sức người mà chỉ được nuôi sống bằng gạo mục độn với bo bo, khoai mì , cám nuôi heo và bất cứ thứ gì ăn được kể cả nấm dại, măng tre, lá giang trong rừng.

Ðường chơi cũng có trăm cách nhưng về món thịt chuột, có lẽ người Việt cũng phải chào thua món ‘ thịt chuột ngâm rượu lăn bột chiên’ của các dân tộc sống ở Bắc Cực, được đánh giá là đặc sắc và ngon miệng. Có điều không ai nghe tới là chính hạng giàu sang phú quý Pháp ở vùng Saint –Germain Paris cũng tranh nhau mua chuột và làm các món nhậu. Thời chiến tranh Pháp - Đức (1870, 1914-1918,1931..) kinh thành Ba Lê nhiều lần bị vây khổn, vì thiếu lương thực nên người Pháp bắt chuột ăn thịt. Cũng tại nơi này khai sinh ra món pa tê thịt chuột rất nổi tiếng vào thời đó. Ở Sài Gòn thập niên 60, thỉnh thoảng dân chúng cũng bị ăn lầm món xíu mại thịt chuột, nhưng khi phát giác thì đâu có ai chết?

1- SĂN CHUỘT TRONG MÙA NƯỚC NỔI VÀ ÐỐT ÐỒNG:
Từ nguồn sông chính tại Kampuchia, Mekong chảy vào Nam Phần bằng hai nhánh tại Châu Ðốc và Hồng Ngự, xuống tận Mỹ Tho, Bến Tre. Khu vực này chiếm một diện tích hơn 1 triệu Ha, phần lớn là vườn cây ăn trái đủ loại, mọc bạt ngàn theo hai bờ sông Tiền và Hậu, cùng với một hệ thống kênh rạch chằng chịt như mạng nhện. Ðặc biệt giữa dòng sông thường có nhiều cù lao lớn nhỏ như Cồn Phụng, Lân, Quy tại Mỹ Tho, cù lao Ông Hổ ở An Giang, cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt-Cần Thơ), cù lao Bình Hòa Phước tại Vĩnh Long..

Nói chung đồng bằng sông Cửu Long được tạo thành bởi phù sa của hai nhánh sông Mekong, gọi là sông Tiền (giòng chính) và sông Hậu, được chia thành chín nhánh nhỏ hình rẽ quạt, đổ ra biển bằng chín cửa, lại tạo thành nhiều cù lao rất phì nhiêu. Trong lãnh thổ VN, phía thượng nguồn, sông Cửu Long làm thành vùng trũng như những hồ chứa nước thiên nhiên trong mùa lụt. Về phía biển, đồng bằng được phù sa bồi đắp cao ráo, thành những giồng để cất nhà cửa, lập vườn cây ăn trái . Dòng sông cho nhiều tôm cá quanh năm, bù đắp phù sa như một thứ phân bón hữu to rất tốt cho đồng ruộng. Toàn vùng, Mỹ Tho được coi là lý tưởng nhất cho nghề nông vì đất đai phì nhiêu, sông rạch đầy tôm cá, người dân làm chơi ăn thiệt, cuộc sống sung túc, tạo thêm dân trí lễ nghĩa với các thú vui nghệ thuật, mà phát triển nhất nếp sống miệt vườn tao nhã qua đờn, ca, hát xướng, thơ ngâm, hò đáp khi chèo thuyền giả gạo.

Vùng Ðồng Tháp Mười và Khu Tứ Giác Long Xuyên: Rộng 1 triệu Ha, được coi như là những hồ chứa nước thiên tạo, vào mùa sông Tiền-sông Hậu lụt lội, nhờ vào năm miền trũng thấp. Trong số này quan trọng nhất vẫn là Ðồng Tháp Mười, với các khu rừng tràm Xẻo Quít (20 Ha), Tràm Chim (2441Ha).. có hơn 141 loài chim sinh sống, nhiều nhất là loài sếu đầu đỏ. Từ sau ngày CS Bắc Việt chiếm được Miền Nam VN thì vùng Ðồng Tháp Mười cũng đã theo cuộc biển dâu thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên mỗi năm từ tháng tám đến tháng mươi một âm lịch, khung cảnh hoang sơ của vùng này từ ngàn đời lại tái diễn suốt mùa nước nổi, biến hàng trăm ngàn mẫu ruộng chìm ngập trong biển nước đục ngầu phù sa mông mênh vô tận. Bởi vậy nên trong dân gian mới có câu ca dao quen thuộc mà người Ðồng Tháp Mười ai cũng biết giống như chiếc xuồng ba lá được xem như là vật bất ly thân của bản địa:
‘ Tháp Mười nước ngập đồng chua,
Nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng .’
Tất cả đã thuộc về dĩ vãng vì mùa nước nổi hằng năm bình thường trước tháng 5-1975 nay đã biến thành những cơn lụt lội dữ dội do nước sông Cửu Long từ mạn ngược đổ về. Buổi trước ai cũng mong đợi mau tới mùa nước nổi với những nguồn lợi to lớn cho người dân ở đây :

‘ Ðồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh
Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm ‘

Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Ðồng Tháp ăn cho đã thèm ‘

(Ca dao)

Ngoài cá tôm từ mọi sông rạch đến mùa nước nổi tràn về đây sinh đẻ, còn có cả chim, rùa, rắn, ếch.. tất cả được chế biến thành những đặc sản "hương đồng cỏ nội" cây nhà lá vườn mà người xứ xa một lần ghé tới thưởng thức, để rồi không thể nào quên được. Ðó là món cá lóc nướng trui, loại cá lóc đầu to béo ngậy nhất là con cái đang mang cả bụng trứng vàng ươm. Không cần cầu kỳ mà chỉ cần rửa cá cho sạch bùn nhớt, rồi dùng tre nhọn đâm xuyên thân cá từ đầu cho tới đuôi. Cắm cá ngược đầu xuống đất rồi đốt lửa rơm thui cá vừa đủ chín. Cá trắng nỏn sau khi bóc bỏ lớp vãy cháy đen, đem đặt trên lá sen thay dĩa, đang lúc còn nóng hổi cuốn với lá súng non chấm muối tiêu và đưa cay bằng bằng thứ rượu cất bằng nếp chừng 45 độ nồng. Rồi thì vùa nhậu vừa cao hứng lai rai hát vài câu vọng cổ hay hò các điệu lý miền Ðồng Tháp, quả thật lúc đó trời đất chung quanh hình như cũng cao hứng say theo người.

Nhưng vui nhất vẫn là cảnh rắn và chuột đồng bị động ổ, rũ nhau tìm đất sống trên những gò đất cao nổi lên giữa biển nước trắng xóa. Ðây là lúc hai kẻ thù không đội trời chung tự muôn đời nhưng vì nghịch cảnh nên bắt buộc phải đối mặt với những trận thư hùng đẵm máu để tồn tại. Rắn ăn chuột nhưng chuột không bao giờ bị tiêu diệt vì chúng sinh sản rất nhanh cho nên ở đâu cũng thấy chuột. Sau ngày 1-5-1975 thiên hạ bổng dưng khoái món rắn nên họ hàng nhà xà từ các loại cưc độc như hổ đất, hổ mang, hổ vàng, hổ mun, hổ bướm, mai gầm, lục .. cho tới các loại rắn hiền như rắn nước, bông, súng, ri cá.. đều trở thành món đặc sản kể cả các loại rượu rắn tam xà, ngũ xà, thất xà, máu rắn, mật rắn.. khiến cho rắn dần mòn vắng bóng, tạo cơ hội cho chuột phá hoại đồng ruộng dữ dội.

Chuột Ðồng Tháp Mười thời nào cũng hằng hà sa số nhất là khi bị động ổ vào mùa nước nổi. Chuột nhiều quá có lúc chúng lội đầy làm đặt kín cả một khúc kinh và chỉ một đàn nhỏ thôi cũng đủ ăn sạch vài mẫu lúa trổ chờ gặt. Nước ngập hang khiến chuột đồng phải leo lên các cây tràm để tránh. Ðây là thời gian săn chuột dễ nhất vì họ nhà tý đã lâm vào bước đường cùng, chỉ cần bơi xuồng tới chỗ và dùng chỉa đâm là hốt trọn ổ, kể cả mấy trự rớt xuống nước cũng bị chó săn tóm gọn.

Cũng ở Ðồng Tháp vào mùa khô từ tháng 3, tháng 4, lúc đó ruộng đã gặt xong chỉ còn trơ gốc rạ và mọi người lại đốt đồng giăng lưới sua chó săn chuột. Hởi ôi đã mấy chục năm rồi và người bạn lính nối khố nay cũng đã về với đất nhưng cảnh tượng bắt chuột trên những cánh đồng mênh mông vang rần tiếng người hò hét xen lẫn chó sủa inh ỏi thật vui và lạ mắt nên làm sao quên được. Càng tình hơn là ngày giả từ Ðồng Tháp trở lại đơn vị tận Củ Chi, gia đình của bạn lại cho thịt chuột mang theo cho anh em nhậu.

Tại miền tây Nam Phần, chuột có hai loại chuột cơm và cống nhum. Chuột cơm nhỏ con màu lông xám còn cống nhum thì to xác, lông đen đặc biệt hàng lông trên sóng lưng sậm hơn vốn là kẻ thù truyền kiếp của rắn hổ đất. Vào mùa nắng gắt, rắn hổ thường chui xuống hang chuột đồng để tránh nắng và săn mồi. Với loài chuột cơm nhỏ con thì rắn làm xếp nhưng gặp phải hang cống nhum thì một trận ác chiến thế nào cũng xảy ra với kết cuộc cả hai phía đều toi mạng và được người mang về làm thịt ngon lành.

Trong họ nhà chuột chỉ có loài cống nhum đặc biệt có 4 răng cửa mọc dài và nhanh hơn các loài khác nên chúng phá phách dữ tợn để luôn mài cho răng mòn bằng cách đào hang mới bỏ hang cũ liên tục nên không bao giờ có chổ ở nhất định. Riêng loài chuột núi ở miệt rừng Bù Gia Mập thuộc tỉnh Phước Long thì lớn gấp ba lần loài chuột vàng ở Hậu Giang , có màu lông nâu sậm như loài mển rừng, mắt to chạy rất nhanh.

Săn chuột có nhiều cách, từ bẩy xập cho tới dậm cù, đập rập, đào hang và dùng chỉa đâm. Cách dùng bẩy xập tương đối nhẹ nhàng nhất, chỉ chịu khó kiểm soát mấy cái bẩy cho trống để con khác chui vào. Còn dậm cù là cách săn chuột tập thể bằng cách dùng hai miếng lưới đăng dài bao quanh gò đất cao nơi có hang chuột (gọi là cù) theo hình chữ V. Ðặt một xà vi (một loài lờ của người Việt gốc Miên) nơi chổ giáp mí của đăng hay đào một lỗ sâu nơi đó để bắt chuột. Sau khi đặt đăng xong, dùng gậy gộc đập vào lùm bụi khiến chuột hoảng sợ chạy tán loạn sa vào xà vĩ hay rớt xuống hố sâu, nếu trúng hang có nhiều chuột, một lần dặm cù bắt cả trăm con.

Về mùa khô chuột trốn dưới hang sâu muốn bắt phải đào bằng loại leng đặc biệt dùng để đào đất thịt khô cứng. Trước khi đào phải bịt các ngõ ngách mà chuột dùng để thoát thân xong rồi mới đào và dùng chó săn đánh hơi tìm chuột..

2- THỊT CHUỘT, MÓN NGON CỦA DÂN CHƠI MỌI MIỀN:

Trên thế giới ngày nay kể cả tại Á Châu, thịt chuột tuy không được phổ biến rộng rãi nhưng không phải là không có bán công khai nhất là tại Trung Hoa và Việt Nam. Chuột cũng là một trong sáu món ăn cực quý gồm Sâm Thử, Não Hầu, Tượng Tinh, Trư Vương, Phương Chi Thảo và Khổng Noãn mà Từ Hy Thái Hậu đời nhà Thanh, đã dùng làm thực đơn chính trong bữa tiệc khoản đãi các sứ thần phương Tây tại Bắc Kinh vào Tết Nguyên Ðán năm Giáp Tý (1874). Riêng các dân tộc ở miền Bắc cực đã chế biến thịt chuột thành một món ăn vô cùng độc đáo, bằng cách đem thịt chuột đã làm xong ngâm vào rượu vài giờ. Sau đó vớt thịt chuột ra lăn bột rồi đem chiên ăn rất ngon và lạ miệng.

Có thể nói thịt chuột là món ăn rất phổ biến tại Ðồng Tháp Mười. Tạo hóa thật trớ trêu vì đã sinh ra con chuột còn cho nó thêm cái đuôi thật dài. Và chính con người đã dùng cái đuôi này để quăng nó lên bếp lửa thui trụi lông trước khi xẽ thịt. Ðầu tiên cắt bỏ đầu, 4 cái chân, đuôi rồi dùng dao nhọn rạch một đường dài từ cổ xuống tới rốn để lột lớp da ngoài. Tiếp theo cắt bỏ bốn cái hạch ở trong nách của bốn cái chân, mổ bụng quăng hết bộ lòng chỉ chừa lại lá gan, thế là xong.

Chuột có thể chế biến thành nhiều món ăn hằng ngày và là một đặc sản của dân nhậu miền Nam VN. Thịt mềm có nhiều mỡ, có thể khìa với nước cốt dừa, ram, xào lá cách, nấu canh chua, ướp sả nướng, chiên hay bằm nhỏ xào với lá quít hay mò om.. món nào cũng hợp với khẩu vị của dân be để đưa cay thì hết ý.

Nhưng ngon nhất có lẽ là món ‘chuột khìa nước dừa ‘ không riêng gì tại Ðồng Tháp mà hầu hết các tỉnh miền Nam đều ưa thích. Muốn làm món này thì chuột sau khi đã lột da, lật phần bụng đem khoét một lổ nhỏ để lôi ruột ra bỏ hết. Hành củ, tỏi sống đâm nhuyển trộn vào mớ thịt chuột khác được bầm nhỏ có ướp ngũ vị hương, đường muối. Ðem thịt này dồn vào khoang bụng trống của chuột và bỏ vào chảo mở chiên vàng. Sau đó vớt chuột sắp thứ tự trong ’một cái soang rồi đổ nước dảo vào cho ngập thịt chuột, dùng lửa riu rui rim thit chuột tới khi nước trong chỉ còn sền sệt thì đem nước cốt dừa khô đổ vào nấu cho sôi rồi đem xuống rắc một lớp đậu phộng rang trên mặt.

Có thể ăn món thịt chuột này với xà lách, rau thơm, cà chua xắt miếng hay chấm chuột với muối tiêu chanh hoặc nước mắm tỏi ớt ăn với cơm kể cả dùng làm món nhậu cũng rất ‘ kết ‘ nhất là đối với người khác xứ hay dân thành thị chưa bao giờ thấy được con chuột đồng.

+ Cổ Thịt Chuột Xứ Bắc:

Ai cũng tưởng chỉ có người miền Nam là thích ăn thịt chuột nhưng không ngờ trên đất Bắc thiên hạ cũng thèm món này, bằng chứng là tại làng Ðình Bảng, huyện Tiêu Sơn tỉnh Bắc Ninh ngay từ thời Pháp thuộc đã có một bài thơ của tác giả Trần Văn Ðăng viết ca tụng bảy món thịt chuột trứ danh tại địa phương :

‘Bao giờ bạn đến thăm nhà,
Thưởng thức đặc sản đậm đà tình que
Mùa đông xin đón bạn về
Ăn món thịt chuột hương quê tự hào’

Thời trước vì đói kém người dân bắt buộc phải lén lút bắt chuột ăn thay cơm cho đở đói nhưng cũng có nhiều vùng thịt chuột được bày bán và ăn uống công khai tại hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên thuộc miền Hạ du Bắc Việt, trung tâm của những cánh đồng lúa chiêm ngút ngàn và trù phú. Nơi ăn thịt chuột nổi tiếng nhất chẳng những từ xưa mà tới nay vẫn nổi tiếng nhất vùng Kinh Bắc, đó là làng Ðình Bảng ngoài việc mọi người khoái ăn chuột mà còn có cả chợ chuột thường nhóm họp từ 3- 4 giờ chiều mỗi ngày nhưng nhộn nhịp nhất sau mùa gặt.

Chuột đồng đã làm sạch được xếp thứ tự trong những chiếc thau nhôm. Về cách làm thịt thì cũng giống trong Nam, lột da chặt đầu cát bỏ tứ chi, đuôi, hạch cổ hạch bẹn (rất hôi tanh), vứt ruột chỉ lấy tim, gan, cật. Thịt chuột vào những ngày sắp Tết bán giá cao, từ 12.000 -13.000 ti?n Hồ/1 ký gần bằng giá thịt heo. Cổ thịt chuột Ðình Bảng gồm bảy món : Chuột luột rắc lá chanh thái nhỏ, chuột xào với đậu phụng và hành lá ăn với bún, chuột ram kho rịn chấm múi chanh hay nước mắm dầm ớt, chuột nấu đong, chuột giả cầy, chuột xào chua ngọt và chuột sốt cà chua.

Mới đây báo chí VN loan tin thịt chuột đang lên ngôi tại Hà Nội, chẳng những trong thực đơn của dân nhậu mà còn len lõi vào bếp của các bà nội trợ. Cũng nguồn tin trên thì thịt chuột ngày nay được bày bán chẳng những tại Bắc Ninh, Hưng Yên, mà còn có mặt tại chợ đình làng Vĩnh Ninh thuộc huyện Thanh Trì (Hà Ðông). Ở đây, chuột nhiều và ngon béo từ tháng mười sau mùa gặt. Thịt chuột được làm trắng và còn lấy cả răng và ruột bỏ đi. Chuột bày bán gồm hai loại: Chuột luộc chín và chuột sống để khách mang về nấu nướng theo ý mình. Theo giới sành điệu thì chuột tơ thịt mới ngon và sach vì chúng chỉ sống ở bờ ruộng thấp. Ngoài ra chuột muốn không bị thiu thì khi bắt về phải còn sống bằng cách đổ nước sôi vào hang chuột để chúng sợ chun ra lọt vào lồng. Tóm lại mốt chơi của người Hà Nội hiện nay là ăn nhái, cào cào và món chuột ướp tỏi, ớt tươi kẹp với lá chanh, quít hay cam rồi đem nướng chấm muối ớt. Chẳng những thế món chuột đồng còn tiến nhanh tiến mạnh tới tận xã Hoàng Ðồng, huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa. Tại đây chỉ có những nhà giàu mới đủ sức đãi tiệc bằng món thịt chuột và có cửa hàng còn bán cả ‘tiết canh chuột‘.

Nhà văn Vũ Bằng trong ‘Món Lạ Miền Nam‘ đã hết lời ca tụng thịt chuột và gọi đó là sự huyền diệu vì nhậu thịt chuột rồi tới bửa cơm kế lại dùng toàn các món chuột vẫn không thấy ngán chút nào nên cứ ăn hoài. Cũng theo ông, thì món ngon nhất trong thực đơn chuột là món thịt chuột bằm nhỏ xào với rau bò om xúc bánh tráng nướng. Kế là món chuột xào bầu ăn vừa mát vừa thơm không khác gì ăn cơm trộn với trứng cáy thêm thứ rau sắn chùa Hương ngoài Bắc. Ngoài ra còn thịt chuột ướp ngũ vị hương chừng một giờ đem khìa với nước dừa, đậy vung lại chừng mười lăm phút để giữ lại hương thơm. Thêm món chuột ướp hành , tỏi, sả bỏ lò.., chuột ram kho và chuột xào lăn.

Ở Hậu Giang và nhất là vùng Ðồng Tháp Mười vào mùa nước nổi chuột nhiều quá ăn không hết phải đem thui lột da chặt đầu đuôi tứ chi, mổ bụng quăng bộ đồ lòng rồi đem làm mắm để dành ăn cả năm. Còn mùa nắng thì đem thịt chuột ướp với lá lốt phơi thật kỷ, ăn không thua gì các loại khô sặc, nai, bò.. Cũng ở miền Nam lúc trời bắt đầu vào mùa mưa là mọi người đổ xô đi săn chuột đồng. Có thể nói hầu hết nông dân miền đồng bằng sông Cửu Long đều thiện nghệ, kinh nghiệm và giỏi tới mức chỉ cần quan sát những dấu vết mà chuột để lại trên những bãi đất trống có những cây lát bị gặm nhắm lật nghiêng, là biết được hang ổ và hướng đi của họ hàng nhà Tý. Và cũng tuỳ theo số lượng chuột nhiều ít người ta có thể đặt đăng ban ngày hay dùng ánh ánh sáng của đèn măng xông vào đêm để săn bắt chuột.

Loài chuột được trời sinh tinh khôn ma quái nhưng lại có khuyết điểm lớn là thị giác rất yếu và chỉ nhìn theo đường thẳng không thể liếc ngang ngó dọc như con người. Do đó thợ săn chuột không bao giờ dùng chĩa đâm trước mặt chuột..

+ Thịt Chuột trên đất Trung Hoa:

Họ hàng nhà Tý có nhiều loại nhưng dơ bẩn và hôi hám nhất vẫn là giống chuột chù có hình dạng rất xấu, mõm dài, mắt gần như mù, đi đứng chậm chạm, lông màu xám luôn tiết ra mùi hôi chỉ cần ngửi cũng khiến ta đã nôn oẹ. Thế nhưng sách Tàu lại phán rằng ‘thịt chột chù ngon hơn các loài chuột khác‘. Muốn thịt không còn mùi hôi, khi làm phải đốt rụi bộ lông rồi mới lột da và cạo thật kỹ toàn thân trước khi đem chế biến thành các món ăn nhậu. Thịt chuột chù có vị ngọt, mùi thơm và rất bổ không thua gì gan hải cẩu và cao hổ cốt, vì vậy người Tàu rất ưa thích.

Ở Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, các khách sạn lớn đều có bán thịt chuột với thực đơn gồm 10 món đặc sản, được chế biến từ 100 con chuột đồng vùng Giang Nam, trong số này món phi lê chuột rất được ái mộ. Tại các khu chợ khắp tỉnh Quảng Tây nơi nào cũng có bán chuột sống, còn Quảng Ðông thì có thịt chuột đóng hộp. Riêng người Phúc Kiến thì cho rằng Lườn Chuột là món ngon nhất.

+ Từ Sâm Thử Của Từ Hy Thái Hậu Tới Món Chuột Bao Tử ngày nay:

Trong lúc cả nước Tàu gần như đắm chìm trong hổn loạn nguy ngập vì liên quân của các nước Tây phương tấn công vào các hải cảng và ngay tại thủ đô Bắc Kinh. Còn ở các tỉnh miền Nam cũng không nơi nào yên ổn vì sự đe dọa của Nghĩa quân Thái Bình Thiên Quốc.Trước tình hình dầu sôi lửa bỏng này, thay vì Thanh triều phải tận sức cứu gở, trái lại Từ Hy Thái Hậu lúc đó đang nắm đại quyền vẫn tỉnh bơ và tiếp tục ăn chơi trác táng mà điển hình là buổi tiệc độc nhất vô nhị trong lịch sử Trung Hoa, vào Tết Giáp Tý (1874) để khoản đãi sứ thần các nước Tây phương tại Bắc kinh. Xuất thân từ một gia đình Mãn châu nghèo đói, Từ Hy sinh năm 1835 tên thật là Na Lạp Lan Nhi. Năm lên bốn tuổi, vì gia cảnh quá cùng khôn nên người cha phải bán bà cho một gia đình giàu ở Quảng Châu để làm nô tỳ nhưng vì khôn ngoan lanh lợi nên được chủ coi như con cái trong nhà, cho ăn học đàng hoàng không khác gì một tiểu thư đài các. Năm 14 tuổi khi nghe tin triều đình mở cuộc tuyển phi tần cho thái tử, Lan Nhi đã trốn nhà lên tận Bắc Kinh ứng tuyển và may mắn lọt vào mắt vua Hàm Phong. Năm 1856 , Lan Nhi sinh hoàng tử Tải Thuần nên được vua phong chức Hoàng hậu. Vì cung điện nằm ở phía tây nên Sử Tàu gọi bà là Tây Hậu để phân biệt với Ðông hậu Hiếu trinh ở phía đông.

Tuy không ra mặt giữ quyền chánh nhưng Từ Hy Thái Hậu hay Tây Thái Hậu thực sự là một nữ hoàng không ngai đã nắm vận mệnh Thanh triều và dân tộc Trung Hoa hơn nữa thế kỷ sau khi vua Hàm Phong thăng hà cùng lúc với cuộc chính biến Tân Sửu ngày 8-11-1861. Ðể đáp ứng nhu cầu xa hoa trác táng, Từ Hy đã tìm đủ mọi cách để tăng thuế khóa làm cho dân chúng cả nước thêm đói rách thê thảm. Từ Hy còn lợi dụng quyền thế để mua quan bán tước để tận thu tài vật.

Ngoài việc tu sửa Hy Hòa Viện tại Bắc Kinh tốn kém hơn 36 triệu Phật lang, chỉ để ăn mừng khánh thọ 60 tuổi, trong lúc đất nước đang xảy ra cuộc chiến Trung-Nhật. Cực kỳ xa hoa lãng phí, nên mỗi buổi ăn Từ Hy luôn có đầy đủ sơn hào hải vị với thực đơn hơn 100 món khác nhau. Theo các tài liệu còn lưu trữ, trong ‘thiện phòng‘ của Ninh Thọ có hơn 1500 vật dụng dành cho phòng ăn và nhà bếp, được làm bằng vàng, bạc, ngọc mà phí tổn mua sắm lên tới 15.000 lạng bạc, trong lúc đó Từ Hy chỉ gắp qua loa vài món, còn tất cả được phân phố cho vua, hoàng hậu và cung nữ, thái giám thân cận. Trở thành góa bụa từ năm 28 tuổi nhưng tới lúc 71, Từ Hy vẫn được ca tụng là một người đàn bà đẹp nhờ dùng hằng ngày các loại rượu bổ, sâm nhung, trân châu mật gấu.

Căn cứ vào sử liệu còn lưu trữ thì bửa tiệc do Từ Hy tổ chức để chiêu đãi các sứ thần Tây phương vào dịp Tết Nguyên Ðán Giáp Tý (1874) đáng được xếp vào hàng kỳ quan thế giới cuối thế kỷ XIX. Trong bửa tiệc độc nhất vô nhị này có tới 400 quan khách ngoại quốc được mời, Từ Hy đã phung phí công quỹ hơn 98 triệu đồng (tương đương với 400 lượng vàng thời đó) và sử dụng tới 1750 người để phục vụ số thực khách trên. Tiệc kéo dài 7 ngày từ lúc đón Giao Thừa tới mùng tám Tết mới bế mạc với hơn 140 món ăn gồm sơn hào hải vị (mỗi ngày 20 món), được chuẩn bị suốt 11 tháng ròng rã, do cac đầu bếp giỏi nhất nước được tuyển chọn từ các tỉnh.

Ðể quan khách ăn uống vui miệng, Từ Hy còn tổ chức thêm một chương trình ca nhã nhạc với sự biểu diễn của đoàn nữ vũ công diễm lệ nhất trong cung đình. Ðặc biệt trong thực đơn trên có bảy món ăn đặc biệt gọi là thất trân mà Sâm Thử được coi là kỳ quái nhất.

Ðó là những con chuột mới đẻ đem nuôi trong lồng kính, cho chúng ăn toàn thứ sâm thượng hảo hạng và uống nước suối. Tới khi những con chuột này đẻ thì đem lớp con này nuôi riêng theo cách thức trước, để cho chúng sinh ra thế hệ mới nhưng phải đợi cho tới đời thứ ba mới đúng là ‘thập toàn đại bổ‘ . Lúc đó mới đem những con chuột bao tử của lớp chuột mẹ này ăn để cải lảo hoàn đồng, tráng dương bổ thận. Ngày nay người Tàu vẫn tiếp tục ăn món ‘chuột bao tử‘ bằng cách bắt chuột đồng đem về nuôi bằng gạo trộn trứng gà và các vị thuốc Bắc. Lại cho chúng uống sâm và nước cốt lê ép, để chúng tạo ra thế hệ thứ hai mới đem dùng. Muốn ăn người ta dùng bột mì bao chuột lại chỉ chừa cái đầu để chứng minh chuột còn sống nên kêu chí choé.

Thực ra không cần phải tới năm Tý chuột mới phá hoại mùa màng mà năm nào chuột cũng gây tổn hại cho loài người khắp chốn. Sử Ký của Tư Mã Thiên có nhắc tới câu chuyện ‘con chuột trong lu gạo nước Tần‘ nói về đời làm quan của Lý Tư, từ lúc theo hầu Lã Bất Vi tới khi Tần Thủy Hoàng thống nhất nước Tàu, cho Lý Tư làm Thừa tướng giàu sang tột dỉnh. Chính Lý Tư đã dâng kế sách san bằng thành quách của chư hầu, nấu chảy binh khí, không phong đất cho bất cứ một ai và tàn độc nhất là đốt sách chôn học trò.. Khi Thủy Hoàng bị bệnh chết, cũng chính Lý Tư âm mưu với hoạn quan Triệu Cao, giả chiếu lập con nhỏ của vua là Hồ Hợi làm Hoàng đế. Nhưng cuối cùng vì tham vọng quá lớn, Tư đã không chịu làm con chuột hưởng phước trong lu gạo nước Tần, nên mới bị phanh thây chết thảm.

Ðây là một thảm kịch muôn đời của con người, đáng để cho chúng ta suy gẩm mà tự lo cho thân phận mình nhất là giai đoạn này, vàng thau khó thể phân biệt.
(Thông tin từ bài viết của Hồ Ðinh)