Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

Danh Nhân Bình Định - Nữ Tướng Bùi Thị Xuân

240 năm trước, Canh Dần 1770, nữ tướng Bùi Thị Xuân đã chế tác đại thành tác phẩm võ thuật Song Phượng Kiếm thần sầu quỷ khốc trong phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, khi trước đó một năm, Kỷ Sửu 1769, đức lang quân Trần Quang Diệu đã trình làng Lôi Phong Tuỳ Hình Kiếm sấm vang chớp giật. Mùa xuân là mùa tình yêu, và sự gặp gỡ của hai bậc anh hùng để nên duyên chồng vợ cũng bắt đầu từ một mùa xuân, trong khung cảnh hoành bác chốn võ lâm, nơi những cảm hứng sáng tạo võ thuật được dậy men trong những trái tim giành cho sử thi, cho anh hùng ca, giữa bão táp mê hồn trên chân trời trượng nghĩa. 

1. Ngôn ngữ Hổ:
Theo thông lệ xưa, người ta thường lấy hai linh vật là rồng và hổ để diễn đạt về sông núi kinh đô hoặc nơi phát tích đế vương. Đất Tây Sơn cũng liệt hạng đại địa, có cái thế "long bàn hổ phục". Biểu tượng hổ có ngôn ngữ đặc trưng giữa đời sống lịch sử văn hóa xứ sở này. Hổ xuất hiện khá đậm đặc trong cốt cách võ lâm, danh hiệu võ lâm, giai thoại võ lâm. Uy danh con hổ vang vọng trong các bài võ Hổ quyền, Hắc hổ du sơn, Ba châu hổ, Nhị hổ mai phục quyền, Thái hổ sơn, Hổ tầm dương, Long hổ hội, Lão hổ quyền, Mãnh hổ trường quyền, Lão hổ quy sơn...Tây Sơn thất hổ tướng là cụm mỹ từ để chỉ bảy dũng tướng rường cột của vương triều: Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Tuyết, Lý Văn Bưu, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Lộc. Đặc biệt, lai lịch thiếu phó Trần Quang Diệu gắn bó mật thiết với hổ. Trần Quang Diệu học võ với một chân sư sống giữa rừng cao nước độc đầy hổ báo nguồn Kim Sơn. Ông đang quần thảo với một con hổ dữ giữa rừng núi Thuận Ninh rực rỡ mai vàng, đầm đìa máu me thì bất ngờ Bùi Thị Xuân bắt gặp và giải cứu. Cuộc gặp gỡ bi hùng này chính là điểm xuất phát của mối tình tuyệt đẹp trong triều đại Tây Sơn và thành biểu tượng rực rỡ giữa những lứa đôi anh hùng lưu danh thiên cổ.

Lần theo lịch sử đất võ xưa, tôi chú ý đến hai tác phẩm trứ danh, bài thứ nhất là Lôi Phong Tùy Hình Kiếm của Thiếu phó Trần Quang Diệu, bài thứ hai là Song Phượng Kiếm của nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân. Theo như ghi chép được lưu truyền trong quyển Tây Sơn bí kíp mộ hồn thao, bài Lôi phong tùy hình kiếm, nguyên văn chữ Hán, dịch nghĩa: "Tuốt gươm ra là gió thổi mịt mù - Rừng mùa xuân hoa lá rụng xác xơ - Hổ hét, chim kêu, trời chấn động - Gió đùa, sấm nổ, đất rung rinh - Lìa cây gươm lên mây về chầu Thượng đế - Báo lưỡi long đao xuống viếng điện Long quân - Sao ngày kia phải ra đi trước chớp - Đuổi theo bắt búa của thiên lôi - Dặn dò đã nhiều phen kẻo muộn - Để cho ta sớm rảnh nợ tang bồng". Giai thoại làng võ cho biết một đêm nọ khi võ sinh đang luyện tập ngoài trời, Trần Quang Diệu đưa vợ xem bài kiếm có tầm sát phạt cực cao này, nhờ góp ý. Bùi Thị Xuân khẳng khái khen đoạn đầu hùng dũng sắc bén, có cái uy phong lẫm liệt như chúa sơn lâm tung hoành chấn động đất trời, tuy nhiên hai câu cuối có vẻ chưa tương hợp với khí thế hô phong hoán vũ ở phần trên. Trần Quang Diệu giải thích cho vợ đây là sự kết hợp giữa cương và nhu trong võ nghiệp, tuy mới nghe qua có thể là nhu nhưng dồn nén của nhiều đường kiếm linh hoạt từ trên dồn xuống, tầm lia gươm rất biến hóa, tuy nhẹ nhàng mà cực kỳ lợi hại. Bài võ sau khi công phu thực nghiệm, "biên tập" bằng cách lượt bỏ những thao không cần thiết, bổ sung những thao cần thiết, trở thành một tác phẩm kiếm thuật khét tiếng gồm 72 hành pháp liên thao vang dội trong xứ sở thập bát ban võ nghệ này. Bài này Trần Quang Diệu hoàn tất vào ngày 21-3, mùa xuân, tiết Cốc vũ năm Kỷ Sửu (1769).

2. Thi pháp Phượng Hoàng:
Như một tiên báo trong nguồn cảm xúc tương giao vợ chồng, năm sau, 20 tháng Chạp, tiết Đại hàn năm Canh Dần (1770), Bùi Thị Xuân cho ra đời bài Song phượng kiếm. Tương truyền trên bãi huấn luyện đội tượng binh, hôm nào bà cũng nhìn thấy một đôi chim rực rỡ bay lượn dõi theo và chúng chỉ từ giã khi kết thúc buổi tập. Một đêm bà nằm mộng thấy từ trên núi cao, đôi phượng hoàng bay về, trên miệng mỗi con ngậm một thanh kiếm sáng quắc. Đôi phượng lượn vòng nhiều lần rồi nhả kiếm trước mặt, ý giành cho bà. Bà xúc động nhận báu kiếm, lạy tạ trời đất tổ nghiệp rồi tỉnh giấc trong niềm hoan hỉ cao minh. Sau đó, các buổi chiều cùng chiến hữu ngoạn cảnh rừng nghe chim bay lượn, từ lực hấp dẫn mãnh liệt của đôi phượng hoàng trong mơ đã biến thành niềm say mê đôi phượng hoàng thật trong cánh rừng Tây Sơn hạ đạo. Bà rút gươm múa theo chúng. Một đêm không ngủ được, thần trí tinh anh lạ thường, bà đem nghiên bút hòa vận, trút mạch hứng khởi thánh thần trong bài võ Song phượng kiếm: "Lợi kiếm mộ hồn thương- Vân phi hà nguyệt tẩu- Phượng dực đáo lâm tiền- Tư quý bảo Nam bang- Đông sương lưu quan ải- Hậu nhựt kiến loan phi- Tây thiên hà kiếm khách- Phượng dực đáo sơn Bồng". (Hồn thương theo kiếm báu- Mây bay nào trăng chạy- Bìa rừng chim phượng múa- Bốn mùa giữ nước Nam- Đông sương lưu quan ải- Chiều lại thấy chim loan- Trời tây nào kiếm khách- Cánh phượng đến non Bồng). Bà truyền dạy trong các chị em phụ nữ, và bốn trong số đó cùng bà trở thành những kiếm khách thần sầu mà lịch sử ghi nhận là Tây Sơn ngũ phụng thư: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn (vợ Nguyễn Huệ), Trần Thị Lan (vợ Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết), Nguyễn Thị Dung (vợ tướng Trương Đăng Đồ), Huỳnh Thị Cúc.

Trên con đường võ thuật, mỗi võ sư phải đạt đến trình độ điêu luyện, hết sức phong phú và linh hoạt. Riêng trong kiếm thuật cổ truyền Bình Định, giới võ lâm hay nhắc bốn chữ: nhanh - nghĩa là độ gió bão của phép chém, mạnh - nghĩa là độ mãnh hổ thôi sơn của phép đâm, chặt - nghĩa là độ thủ kín, tuyệt đối không để vũ khí kẻ địch có cơ hội chạm vào thân thể mình, sát - nghĩa là đòn thế bí truyền hạ gục đối phương. Kiếm pháp là vậy, nhưng đối với bậc kiếm sư khi xuất chiêu thì thiên biến vạn hóa. Bài Song Phượng kiếm gồm 64 hành pháp liên thao, tương ứng với 8 thao trên mỗi câu và Bùi Thị Xuân cũng như một số môn nhân đã đạt đến độ tinh luyện, quỷ khốc thần sầu.

Các tác phẩm của Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân không dừng lại ở đó. Nhưng đến nay, chỉ cần xem lại các truyền nhân hiện thực hóa một phần trong sự nghiệp trước tác võ thuật của đôi vợ chồng kiệt xuất này, cũng thấy được sự cao siêu của tinh hoa của võ thuật Bình Định. Cái công giúp rập cho một vương triều không phải nhỏ. Nhưng riêng về mặt cốt cách sống, thái độ sống, danh dự con nhà tướng, qua hành trạng lịch sử đã cho thấy đôi vợ chồng này đã ở mức thượng thừa và chính ở góc độ này, nó góp trăng sao vào đêm trường hậu Tây Sơn, quanh cuộc trả thù hèn mạt của lực lượng đối địch.

Ngoài cụm từ quen thuộc như cốt cách anh hùng, tâm thế trượng phu, có lẽ cũng khó tìm những ngôn ngữ bình dị hơn để diễn đạt về đôi vợ chồng vinh quang và bi thương tột đỉnh này.

3. Sự thanh xuân vĩnh cửu:
Lịch sử bảo ta rằng, khí thiêng sông núi và hoàn cảnh xã hội của thời đại đã tạo tác nên hai bậc kiếm sư mà thù trong giặc ngoài nghe nhắc tên là rợn tóc gáy, đất đá cỏ cây cũng nghiêng mình thán phục. Ngọc hoàng Thượng đế đã rót xuống những giọt rượu mê hồn trong kiếm pháp của họ, tương tự như trong làng văn, chất men của chín tầng cao xanh đặc cách cho các đại thi hào. Điều này không phải mong mà có, muốn mà được. cơ duyên của trời đất không hề đặc ân quá tay cho các môn nhân làng võ cũng như nghiệp văn số phận của những thiên tài. Cho dù cơ trời đã không duy trì sự bền vững của nhà Tây Sơn sau cái chết đột ngột của Quang Trung- Nguyễn Huệ và người kế tục chưa đủ phong vận của một minh quân nên các văn thần võ tướng lừng danh của triều đại kết cục phải lâm cảnh khốn cùng. Nhưng hình như trời đất quá ư khe khắt, muốn tạo ra những nghịch cảnh ráo riết để bới tìm giữa tro than khốc liệt bức chân dung lộng lẫy trọn vẹn của bậc chính nhân phanh thây cho chính đạo. Người ta chỉ chết một lần, dù bị lột da hay chịu cảnh voi dày, nhưng khí tiết bộc lộ khi đối diện với nó đã xác tín cho đẳng cấp con người, nhất là đối với con nhà tướng. Dù trong thảm cảnh "tận pháp trừng trị" của kẻ thù, sự oai phong ngạo nghễ đã theo từng thành viên vợ chồng con cái gia đình bà cho đến hơi thở cuối cùng để lan tỏa cho hậu thế một thông điệp mang tên thượng võ. Rất khó hình dung một phong trào nông dân Tây Sơn oanh liệt cũng như rất khó hình dung một truyền thống tinh hoa khí phách của võ thuật gắn với vận mệnh quốc gia mà thiếu đi gương mặt của đôi vợ chồng này.

Suốt hơn một thế kỷ từ sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, những từ ngữ rác rưởi như "thảo khấu", "ngụy tặc" và những lời lẽ vu khống, xuyên tạc đầy rẫy trong các sử sách được lưu hành chính thống, giành cho Tam kiệt cũng như những tướng lĩnh tài ba của họ, bộc lộ những ma mị cạn hẹp của chốn trần ai, nâng sự tàn khốc vào nội hàm cái giá mà mỗi thiên tài làng võ phải trả. Tuy nhiên, tấm lòng của sông núi và nhân dân muôn đời có quy luật riêng của nó. Những di sản võ thuật của họ vẫn được gìn giữ bằng phương thức trao truyền của mạch suối ngầm trong gan ruột đất đai, tưới tắm cho cội rễ góp vào sự nảy lộc đâm chồi của rừng võ.

Mỗi vương triều có thể có kẻ thù riêng nhưng sự cao thượng của đời sống vốn là một giá trị tinh thần không có đối thủ. Thời gian đã minh chứng điều đó. Tên tuổi Quang Trung Nguyễn Huệ và những rường cột của vương triều Tây Sơn, vẫn hiện ra trong khói nhang chốn dân gian, trong ký ức lẫm liệt của những chủ soái và môn sinh làng võ thế hệ sau, dù thời đoạn truy bức và cấm kỵ không phải là ngắn ngủi. Ngay như đến cuối thế kỷ XIX, khi buộc tội anh hùng Mai Xuân Thưởng, Bình Tây đại nguyên soái trong phong trào Cần Vương chống Pháp, người ta còn luận về mối liên hệ họ ngoại Tây Sơn nên khép tội rằng "dương vị Hàm Nghi khởi nghĩa, âm vị ngụy Nhạc phục thù". Nội hàm của mệnh đề "Sĩ khả lục bất khả nhục" rất tương ứng với cuộc hành thế của Bùi Thị Xuân- Trần Quang Diệu. Về phương diện triều đại, họ là những vị chỉ huy uy quyền dưới trướng Quang Trung- Nguyễn Huệ và còn tung hoành thêm mười năm nữa bảo vệ hoàng triều ấu chúa sau khi tiên đế băng hà. Uy quyền làng võ của họ là uy quyền của bậc chân sư khi họ hành thế và uy quyền của thần tích khi họ đã rời cõi ta bà. Chín bức tượng dát vàng trong điện thờ Tây Sơn tam kiệt hôm nay ngoài Thái Đức Nguyễn Nhạc, Quang Trung Nguyễn Huệ, Đông Định Vương Nguyễn Lữ, còn lại sáu văn thần võ tướng là Binh bộ thượng thư Ngô Thì Nhậm, Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, Đại tư mã Ngô Văn Sở, Đại tư đồ Võ Văn Dũng, và vợ chồng Đại đô đốc Bùi Thị Xuân - Thiếu phó Trần Quang Diệu đã phần nào phản ánh lên điều đó. Ngay trong thời đoạn "cấm kỵ", áng thơ Nôm "Cân quắc anh hùng truyện" của danh sĩ Bình Định Nguyễn Bá Huân cuối thế kỷ XIX mô tả rất kỹ hành trạng và công nghiệp của đôi vợ chồng lẫy lừng này.đã được các thân hào nhân sĩ truyền tụng bằng tất cả ngưỡng mộ chân thành.

Có thể dùng chính những trước tác võ thuật của đôi vợ chồng Bùi Thị Xuân- Trần Quang Diệu để diễn đạt rằng cuộc đời họ như một bộ sử thi được viết bằng ngôn ngữ Hổ và thi pháp Phượng Hoàng. Đời sống bi hùng trên mình voi lưng ngựa, với giáp trụ kiếm cung, với khói lửa trận mạc, với phong ba trần thế tưởng như không còn sức chịu đựng nào lớn hơn khi đôi vai bậc kiếm sư đã quyết đặt lên một gánh sông núi cương thường. Thời gian có thể làm cỗi tàn nhiều thứ nhưng riêng tình yêu và sự cao thượng mãi còn lưu giữ sức thanh xuân vĩnh cửu. Theo Nguyễn Thanh Mừng - Đồng Hương BĐ

1 nhận xét:

  1. Hay lắm đó bạn, hãy vì tình yêu quê hương qua những trang sử hào hùng này ... bạn hãy viết tiếp dấu ấn anh hùng kia. Để đời đời con cháu sinh ra trên đất võ Bình Định ghi nhớ và phát huy.

    Trả lờiXóa