Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Nơi chiêm bái tinh thần phong trào Tây Sơn



Tương truyền, trước khi khởi nghĩa, ba anh em Nhà Tây Sơn được trời ban ấn, kiếm lệnh tại núi Giải (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn); kể từ đó núi Giải có thêm tên núi Ấn. Truyền thuyết xưa đang được hiện thực hóa bằng công trình văn hóa tâm linh tưởng niệm thời khắc Nhà Tây Sơn khởi nghiệp.
Thực hóa tích xưa
Sách “Nhà Tây Sơn” của Quách Tấn - Quách Giao viết, một lần Nguyễn Nhạc cùng bộ hạ ở An Khê về, đến Hoành Sơn thì ngựa lồng lên, rồi thẳng cổ chạy nước đại. Nhưng không chạy tẽ ra hướng bắc để về Kiên Mỹ, mà lại chạy về hướng đông nam. Ðến chân núi phía trong Gò Sặt, cương ngựa bị đứt, Nguyễn Nhạc té nhào, trặc chân không đứng dậy được. Khi đứng dậy, Nguyễn Nhạc chợt thấy chuôi kiếm ló ra nơi vách đá trên sườn núi. Sai người lên xem thì thấy một thanh kiếm lưỡi sáng như nước. Ai nấy đều mừng cho là của trời ban. Về nhà Nguyễn Nhạc nói cùng hai em: Ngọc Hoàng đã sắc phong ta làm Quốc Vương, lẽ tất nhiên là phải ban ấn kiếm. Nay kiếm đã có rồi, ta phải đi tìm ấn. Ðoạn, tổ chức lễ cầu đảo tại chân núi Hoành Sơn ba ngày đêm. Ðêm thứ ba, lúc nửa đêm, chiêng trống hành lễ vừa dứt, thì một vòi lửa như một làn pháo thăng thiên, bay từ hòn Một xẹt đến hòn Giải thì rơi xuống. Trèo lên xem thì thấy một quả ấn vàng nằm trong kẽ đá, quả ấn vuông vức, mỗi cạnh dài độ ba lóng tay, nơi mặt khắc bốn chữ triện “sơn hà xã tắc”.

                             Phối cảnh Đàn tế trời đất. Ảnh: văn lưu
 
Truyền thuyết được trao ấn kiếm “sơn hà xã tắc” là nguồn gốc để công trình Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn, trong đó hạng mục ý nghĩa nhất - Đàn tế trời đất được khởi công xây dựng vào ngày 26.11. Tọa lạc trên khu đất rộng 46 ha, quần thể kiến trúc được bố trí phù hợp và cân xứng theo trục thần đạo hướng Nam Bắc. Sau công trình Phật pháp Linh Phong, có thể xem Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn là công trình văn hóa tâm linh có quy mô lớn trong tỉnh.
Đàn tế trời đất nằm trên đỉnh núi Ấn gồm 2 cấp nền: cấp nền hình vuông (rộng 54mx54m) tượng trưng cho Đất, cấp nền hình tròn đường kính 27m tượng trưng cho Trời. Đàn tế có 4 lối vào theo 4 hướng, hướng Nam là hướng chính với nghi môn chính là một bình phong được làm bằng đá ý nghĩa trấn phong thủy, chính giữa Đàn tế đặt hương án.
Bên phải Đàn tế trời đất là Đền Ấn gồm 3 hạng mục: Tiền tế có kiến trúc mặt bằng chữ Nhất, thờ tướng lĩnh và binh sĩ thời Tây Sơn; Phương Đình - tượng trưng cho nơi giao hòa giữa trời và đất, đây là nơi sẽ đặt bản sao của Ấn lệnh Nhà Tây Sơn; Hậu cung - nơi đặt bàn thờ cùng bài vị ba anh em Tây Sơn. Ngoài ra còn có các công trình phụ trợ như: Khu quản lý di tích, hồ bán nguyệt, các nhà lục giác nghỉ chân, đường dạo bộ, nhà xe… Tổng kinh phí xây dựng công trình dự toán 43 tỉ đồng, do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tài trợ; Công ty CP Khoáng sản và Năng lượng An Phú làm chủ đầu tư thực hiện các hạng mục công trình.
Thêm một công trình tưởng niệm Nhà Tây Sơn
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc: “Công trình Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn là tấm lòng của hậu nhân đối với tiền nhân lưu danh muôn thuở. Có thêm công trình này, Bình Định có thêm một địa chỉ để nhân dân cả nước, du khách gần xa đến thăm viếng, bày tỏ, chiêm bái tinh thần phong trào Tây Sơn trường tồn…”.
Người dân thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường vốn rất quen thuộc với sự tích trời đất ban ấn kiếm cho thủ lĩnh Tây Sơn tại ngọn núi Giải quê nhà nên đã không quản ngại mưa to, vượt núi đến chứng kiến lễ động thổ Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn. Bà Nguyễn Thị Sa, 65 tuổi, cho biết: “Từ nhỏ tôi đã nghe ông bà, cha mẹ kể chuyện về sự tích ban ấn, kiếm vàng cho anh em Nhà Tây Sơn trước khi khởi binh thống nhất đất nước, chống giặc ngoại xâm. Chúng tôi rất vui mừng khi biết tin có một công trình được xây dựng để khắc ghi sự tích đó. Người dân chúng tôi cũng mong ngày công trình hoàn thành, được lên đó thắp nén hương tưởng nhớ những người anh hùng Tây Sơn”.
Núi Ấn, gắn với giai thoại thu phục nhân tâm của Nhà Tây Sơn, đã trở thành địa danh linh thiêng với người dân Tây Sơn nói riêng và Bình Định nói chung. Ước nguyện về một công trình văn hóa tâm linh tưởng nhớ thời khắc “thiên thời” cũng như công lao to lớn của Nhà Tây Sơn đã thành hiện thực. Cùng với những nghiên cứu, công trình tưởng niệm thuộc về chính sử, quần thể công trình du lịch tâm linh Ấn Sơn là một biểu hiện của sự tiếp tục bổ sung, hoàn thiện di tích về thời Tây Sơn trên đất Bình Định. Theo SAO LY, báo Bình Định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét