Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

VÕ SƯ PHI LONG - MỘT CON RỒNG QUY ẨN

Trong giới võ sư vườn Bình Định, võ sư Phi Long (tên thật là Trần Quốc Long, sinh năm 1944, người Đồng Phó - Tây Sơn) thuộc trường hợp khá đặc biệt. Tiếng tăm ông không vang danh nhiều ở các đấu trường trong tỉnh mà ghi dấu ở những trận đài “đem chuông đi đánh xứ người”… Gần 10 năm nay, ngay cả nhiều người trong giới mộ võ cũng không rõ “con rồng” này hạ lạc về nơi nao…

Ở tuổi 70, “con rồng già” vẫn nhanh nhẹn, mạnh mẽ, tinh anh. Ảnh: S.L

Trọn đời từ thời trai trẻ cho tới về già, thời gian võ sư Phi Long luyện võ, thượng đài, dạy võ còn nhiều hơn thời gian ông dành cho gia đình. Bởi thế, 10 năm nay, ông cùng người bạn đời, bà Trần Thị Cần, rời đất Đồng Phó (thôn Thượng Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn), lên dựng trang trại, xây ngôi nhà nhỏ heo hút giữa đèo An Khê để… hưởng nhàn. “Cuộc sống trang trại giản dị thường ngày hiện tại là ước mong của tôi và bà ấy khi còn trẻ. Tôi chưa về nhàn hẳn, vẫn đang sống với võ thuật cổ truyền, nhưng ở vai trò vị trí khác” võ sư Phi Long bắt đầu câu chuyện…

* Đời võ

Cha võ sư Phi Long, ông Trần Nghĩa Sỹ, một trung nông vùng Đồng Phó, khi sinh cậu con trai Phi Long ra đã nuôi ý định cho con trai theo nghiệp võ nghệ. Con trai bước sang 10 tuổi cũng là lúc ông Sỹ mời những thầy võ về nuôi trong nhà để dạy võ cho con. “Trong khi bạn bè trang lứa phải phụ cha mẹ làm ruộng, chăn bò, trông em… thì tôi ngày 2 buổi chỉ có mỗi việc học võ. Khẩu phần một ngày ngoài ba bữa cơm canh còn có 2 quả trứng gà ta, một ly sữa bò và nải chuối mốc bồi dưỡng thêm”, võ sư hồi tưởng.

Sau mấy năm học võ tại nhà, kinh qua các thầy Trịnh Thiếu Anh (Tây Sơn), Nguyễn Thái Sơn (Bồng Sơn)…, Phi Long muốn ra đời, tự tìm cho mình một người thầy võ ưng ý. Lần này ông tầm sư học đạo, tìm đến nhà thầy võ Huỳnh Liễu tức Hương Kiểm Kính ở xã Cát Hiệp, Phù Cát, xin làm đệ tử. Học được ít lâu, ông theo gia đình thầy tản cư vào Phú Tài (Quy Nhơn) tiếp tục trau dồi võ nghệ. Tại đây ông cùng với người con trai của Hương Kiểm Kính tên Huỳnh Thảo mở võ đường Phi Long Thảo và ông bắt đầu sự nghiệp đánh đài trong vai người của võ đường này.

Võ sĩ khi đi đánh cho võ đường nào thì mang họ của võ đường ấy, nên ông mang nhiều danh xưng khác nhau. “Khi đi đánh cho võ đường Lý Xuân Tạo ở các trận đài cánh Bắc Bình Định và Tây Nguyên thì tôi mang tên Lý Quốc Long. Từ Phú Yên trở vào đến Bình Thuận, người ta biết tôi với tên Huỳnh Long vì tôi đánh cho người thầy Huỳnh Tiền biệt danh “Cáo già miền Nam”. Còn vùng Sài Gòn đi xuống miền Tây, tôi mang tên họ Minh Long, đánh cho võ đường Minh Cảnh…”, võ sư cho biết.

Võ sư Phi Long từng có thời gian công tác ở Sở TD-TT tỉnh trong vai trò huấn luyện viên đội tuyển võ dân tộc (đối kháng). Nói về tài võ của võ sư Phi Long, võ sư Kim Đình nhận xét: “Phi Long hội tụ đủ 3 tố chất tối quan trọng của người theo nghiệp võ: nhanh, mạnh và bền. Những lợi thế này nhờ được rèn giũa miệt mài từ nhỏ mới có được. Muốn thưởng ngoạn tài võ của Phi Long một cách trọn vẹn phải xem Phi Long đấu đài. Chất bay bướm, tài hoa cũng như tính bộc trực, chắc, thật của Phi Long thể hiện trong đòn đánh cả đấy. Ngoài ra trong giới võ sư Bình Định, có lẽ Phi Long có tướng mạo ra dáng “con nhà võ” nhất: cao tầm 1m80, dáng vóc quắc thước, cơ thể tiềm tàng một nội lực, sức mạnh vô song nhưng cử chỉ, động tác lại hết sức nhẹ nhàng, khoan thai”.

10 năm nay, ông cùng người bạn đời Trần Thị Cần lên dựng trang trại giữa đèo An Khê để… hưởng nhàn. Ảnh: S.L

* Quả ngọt một đời võ

Cuộc đời võ nghệ trải qua 68 trận đài chưa từng thất bại, nhưng đó không phải là thành tích khiến võ sư Phi Long ưng ý nhất. Thành công lớn nhất của võ sư Phi Long là đào tạo những thế hệ môn sinh thành danh trong nghiệp võ, hiện họ là những võ sư, võ sĩ trong, ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài, mang võ cổ truyền Bình Định truyền bá khắp nơi.

“Tôi có nguyên tắc dạy võ thế này, phải trang bị cho học trò vững cái căn cơ, nguyên gốc của võ cổ truyền Bình Định. Thứ đến, để tránh tình trạng tam sao thất bổn, tôi không để học trò lớn dạy học trò nhỏ, đứa khá hơn dạy đứa mới đến; đích thân tôi dạy cho học trò nhập môn. Giáo án như nhau, như cái cách người ta đúc bánh in. Một trong những niềm hạnh phúc vô biên của đời tôi là có được “đám” học trò thành danh trong nghiệp võ và chúng đều hiếu thảo với thầy”, ông chia sẻ. Ông hãnh diện khi nhắc đến 17 võ đường của môn phái Phi Long được xây dựng, phát triển bởi 17 học trò từ Bắc chí Nam với một niềm tự hào không che giấu. Ông nhắc đến học trò Lê Cung ở California (Mỹ), học trò nhất Phi Long Hải ở Sài Gòn, Phi Long Du ở Tây Ninh, Phi Long Nghĩa ở Biên Hòa- Đồng Nai…

Hơn 10 năm nay, ông vẫn âm thầm, miệt mài với sự nghiệp viết sách về võ lý, võ y, những mong vốn võ nghệ góp nhóp một đời sẽ giúp ích cho đời sau tiếp tục làm rạng danh võ cổ truyền Bình Định. Cho đến nay, ông đã hoàn thành, bổ sung vào nguồn tư liệu không mấy dồi dào của võ Bình Định các tập như Tây Sơn võ thuật đạo, Phương thuốc võ cổ truyền, Phương pháp sơ cấp cứu… dưới bút danh tác giả Phi Long và Trần Quốc Phi Long.

Ngoài an nhàn với cuộc sống trang trại, tiêu dao với vườn cây cảnh, đàn dê, mấy chục gốc chanh, đào…, cứ đôi tháng võ sư lại lên đường đi thăm, xoay vòng kiểm tra lần lượt 17 võ đường của học trò đóng tại các tỉnh từ Nam chí Bắc. Một cách hóm hỉnh, võ sư Phi Long gọi căn nhà nằm trên lưng chừng đèo mà vợ chồng ông đang ở là “nhà bên trời”. Một đời võ thành danh như thế, rồi lại được nhàn cư theo cái cách mình muốn như thế, không có nhiều võ sư được như ông – một con rồng quy ẩn/ Theo Sao Ly, Báo Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét